Ngăn chặn thông tin xấu, độc bằng quy tắc “mềm”

Thông tin xấu, độc trên mạng xã hội cần được hạn chế bằng cách đặt ra quy tắc “mềm” về ứng xử trên mạng xã hội và người sử dụng phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm.

Chiều 11/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo Góp ý xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”.


Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, mạng xã hội đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Bên cạnh tác động tích cực, mạng xã hội phần nào đó có gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân. Mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại và không thể xoá bỏ, mà chỉ có thể hạn chế nó. Vì vậy, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần có một thể chế "mềm" và việc ban hành một bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết.

Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã liên tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật trong quản lý, phát triển mạng xã hội. Mục tiêu chính của việc nghiên cứu, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm phát triển mạng xã hội lành mạnh, an toàn, có ích cho người sử dụng; thúc đẩy tác động tích cực của mạng xã hội cho cộng đồng, tổ chức và cá nhân; hạn chế tối đa tác động tiêu cực của mạng xã hội, ngăn ngừa có hiệu quả sự lan truyền và mặt trái của mạng xã hội, trong đó có các thông tin xấu, độc.

Bộ quy tắc này yêu cầu các bên tham gia có trách nhiệm theo từng vai trò của mình.

Đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, cần ban hành và công khai các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý, ngăn chặn và đấu tranh loại bỏ các nội dung thông tin xấu độc, các tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực; Triệt để xóa bỏ, không lưu trữ thông tin (kể cả nội dung trò chuyện trực tuyến) mà người sử dụng dịch vụ đã tiến hành xóa bỏ. Đồng thời, phải ban hành các biện pháp và công khai biện pháp ngăn ngừa hiện tượng nghiện sử dụng mạng xã hội; Có biện pháp ngăn ngừa trẻ em, trẻ vị thành niên tiếp cận các nội dung về bạo lực, nội dung dành cho người trưởng thành và các nội dung không phù hợp khác.

Đặc biệt, không được thu thập thông tin khi người sử dụng dịch vụ chưa được cho phép hay không biết thiết bị thu thập thông tin; Thu thập thông tin trong các nội dung trò chuyện trực tuyến của người sử dụng mạng xã hội…

Đối với người sử dụng mạng xã hội phải công khai danh tính, đầu mối liên lạc của cá nhân có trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội của tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện quản trị, đăng tải nội dung thông tin lên mạng xã hội. Phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan công tác; Ứng xử trên mạng xã hội văn hóa, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính.

Bộ Quy tắc cũng yêu cầu người sử dụng không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi ứng xử trên mạng xã hội; ứng xử thuận chiều với thông tin xấu, độc, tin đồn, ảnh hưởng tiêu cực; Ứng xử trên mạng xã hội trái với chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp; Cung cấp thông tin nội bộ liên quan đến các cá nhân, tổ chức mà do vị trí công tác của mình có được khi chưa được ủy quyền được ủy quyền bởi cơ quan có thẩm quyền…

Cùng với việc tổ chức hội thảo "Xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam" ở Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tổ chức hội thảo tại TP Hồ Chí Minh với mong muốn nhận được góp ý rộng rãi trong các tầng lớp của xã hội nhằm xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Việt Nam khoa học, phù hợp với thực tiễn và chuẩn mực, thông lệ quốc tế, khả thi trong triển khai, thực hiện.

Theo HN

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam