Ngăn chặn thói xu nịnh...

Thói xu nịnh, xưa nay, với muôn hình vạn trạng, biến hóa khôn lường. Ngày nay, nhiều vụ việc tham nhũng, chạy chức chạy quyền cũng xuất phát từ thói xu nịnh, “bằng lòng” hơn “bằng cấp”, trình độ năng lực...

xu_ninh_baoqdbd-16_22_34_576.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Bởi thế, việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định phê duyệt Đề án số 1847/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018 về Văn hóa công vụ, trong đó có nội dung về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Theo từ điển Tiếng Việt xu nịnh là nịnh nọt để lấy lòng và cầu lợi. Hiểu nôm na xu nịnh là khen ngợi quá đáng chỉ cốt để làm đẹp lòng nhau, thông thường nhằm mục đích cầu lợi cho cá nhân. Cần phân biệt rõ “nịnh” khác với “khen”. Cùng là mục tiêu tán dương hành động hay suy nghĩ của cấp trên, người thật tâm khen cảm thấy thoải mái vì động cơ khen do ngưỡng mộ, thán phục; trong khi đó, người có hành vi nịnh, thường sẽ nhận thức được ngay “tính sai trái” của mình vừa làm vì họ hiểu rằng, cấp trên có thể không xứng với những lời "khen" như vậy.

Thói xu nịnh xưa nay, với muôn hình vạn trạng, biến hóa khôn lường. Kẻ xu nịnh rất giỏi ứng biến, bất kể trường hợp nào cũng nịnh được và nịnh rất hay. Họ thường a dua theo đuôi người có quyền nhưng ưa nịnh để trục lợi, thăng quan tiến chức, bất chấp lẽ phải. Một số người được nịnh thì nghĩ rằng, chẳng mất gì, lại ưa nghe lời ngon ngọt, sống trong cảm giác của kẻ bề trên. Từ đó, nó làm cho chính kẻ được nịnh xao lòng, mất bản lĩnh, không đánh giá đúng bản thân mình, sinh ra chủ quan, tự mãn, dẫn đến đánh giá sai lệch cán bộ dưới quyền; người tốt không được trọng dụng, người xấu thì lấn lướt lộng quyền. Đây là nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ, chia bè, kéo cánh làm suy yếu tổ chức.

Ngày nay, nhiều vụ việc tham nhũng, chạy chức chạy quyền cũng xuất phát từ thói xu nịnh, “bằng lòng” hơn “bằng cấp”, trình độ năng lực. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều vi phạm, vụ án lớn đã được phát hiện, xử lý trong những thời gian gần đây. Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm. Khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật; trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm; thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau với động cơ cá nhân không trong sáng.

Đề án số 1847/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018 về Văn hóa công vụ, trong đó có nội dung về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đã quy định: “Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng”.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn thói xu nịnh, góp phần làm lành mạnh văn hóa, đạo đức công vụ, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền việc đấu tranh đẩy lùi, loại trừ thói nịnh bợ. Đưa ra những giải pháp khả thi, hữu hiệu để phòng ngừa căn bệnh này trong bộ máy. Tăng cường biện pháp, cơ chế để kiểm soát quyền lực, nêu cao tính gương mẫu, trách nhiệm, hiệu quả trong thực thi công vụ của mỗi cán bộ, đảng viên.

Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đức độ và tài năng của mình để người khác tôn trọng, vị nể một cách thực chất; phát huy truyền thống đoàn kết, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Tự thân mỗi cán bộ phải luôn nghiêm khắc với bản thân, thường xuyên tỉnh táo, sáng suốt để không bị mê hoặc, quyến rũ bởi những lời lẽ vuốt ve, ngợi ca mình không đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ của người khác; đồng thời cần tạo môi trường giao tiếp, ứng xử lành mạnh để mọi người trong tập thể được bày tỏ chính kiến, lập trường đúng đắn của mình.

Ba là, cần đẩy mạnh tạo môi trường dân chủ thực sự, nêu cao vai trò của các tổ chức đảng; tăng cường sự tham gia giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường sự giám sát của nhân dân.

Bốn là, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị ban hành và thực hiện tốt các nội quy, quy chế đòi hỏi mọi thành viên cần phải chú trọng giải quyết các mối quan hệ, ứng xử với nhau trên tinh thần thương yêu đồng chí, đồng nghiệp; xóa bỏ triệt để tư tưởng phân biệt, khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới.

Năm là, thường xuyên, công khai kiểm tra, giám sát những cơ quan, đơn vị, cá nhân có các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, các hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để kịp thời chấn chỉnh, xem xét, xử lý nghiêm theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước./.

Theo Bùi Huy Lưu - Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam