Nét đẹp Việt nhìn từ đại dịch COVID-19

Dịch COVID-19 ập xuống gây ra nhiều tổn thất chưa tính hết được. Rất may đến hôm nay, Việt Nam chưa tổn thất về người, nhưng thiệt hại kinh tế đương nhiên không thể tránh khỏi.

Nét đẹp Việt nhìn từ đại dịch COVID-19 - 1

ATM gạo đầu tiên tại Hải Phòng. Ảnh Đặng Luân

Nhưng trong u ám mây đen đó, có nhiều thứ phát sáng, lấp lánh hơn, trong đó có lòng nhân ái của người Việt. Những việc mà con người ứng xử với nhau, cho nhau của người Việt Nam đúng như là “thương người như thể thương thân”.

Thương người là đẹp rồi, nhưng thương như chính bản thân mình là một cách nói thể hiện tinh thần tương thân tương ái sâu sắc, mãnh liệt trong văn hóa và truyền thống Việt.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn chi số tiền lớn ủng hộ cho Nhà nước trang bị vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch, điều trị cho bệnh nhân. Nhiều nghệ sĩ góp tiền, kêu gọi bạn bè mỗi người một tay, gom lại số tiền lớn hỗ trợ phòng chống dịch. Dịch bệnh kéo dài ai cũng gặp khó khăn, nhưng tình thương yêu và sự chia sẻ thì không hề nghèo, không hề thiếu trong xã hội.

Rồi cây ATM gạo xuất hiện, sáng kiến này bùng nổ, lan tỏa, khắp cả nước mọc lên các cây ATM gạo. Và cũng từ đó, nảy sinh thêm nhiều sáng kiến, ở nhiều nơi, khắp thôn xóm, từ miền xuôi đến miền núi, gạo và thực phẩm cứu trợ đến được với nhiều người nghèo.

Chính phủ có gói hỗ trợ cho người mất việc, chính quyền các địa phương cũng chủ động các chương trình giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng chính các sáng kiến giúp đỡ lẫn nhau của bà con, đã chia sẻ một phần gánh nặng cho chính quyền. Và quan trọng hơn, là lan tỏa tình thương, lòng nhân ái trong cộng đồng.

Nhiều tờ báo trên thế giới ngạc nhiên về cách ứng xử với nhau của người Việt trong cơn hoạn nạn. Nhiều tờ báo, kênh truyền hình nổi tiếng của nước ngoài nói về cái đẹp của người Việt trong đại dịch. Cây ATM gạo của người Việt không có gì ghê gớm về công nghệ, nhưng nó làm cho giới truyền thông chú ý là vì tấm lòng của người sáng chế. Rõ ràng, có nhiều nước bị dịch COVID-19 tấn công, nhưng chăm sóc cho nhau như người Việt Nam thật hiếm thấy.

Không chỉ trong nước, cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng chăm lo cho nhau. Và không chỉ thế, họ còn tổ chức may khẩu trang tặng cho các tổ chức, bệnh viện, trường học. Ở Mỹ, Pháp, một số nước Châu Âu, lúc này khẩu trang là món quà quý, thực tế nhất.

Chính người dân bản xứ cũng bất ngờ vì những nghĩa cử của cộng đồng người Việt đối với họ. Trong khi cả xã hội rối ren vì dịch bệnh, ai lo thân người nấy, thì người Việt lại nghĩ đến người khác. Đó là nét đẹp Việt ở xứ người.

Theo Lê Thanh Phong

Báo Lao động