Ý kiến chuyên gia
Một số suy nghĩ về cải tổ giáo dục
(Dân trí) - Cần cải tổ giáo dục, cần những giáo viên tốt nhưng nếu lương họ không đủ sống, một số giáo viên phải hối lộ từ 100 triệu tới 300 triệu để được bổ nhiệm, ... thì việc cải tổ sẽ chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ đẹp nhưng không thực hiện được.
Báo chí mấy hôm nay cho tin “Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh về chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp còn thấp so với yêu cầu.
Nhà báo Phương Thảo, trong bài này, viết:
“Đánh giá về thực trạng của chất lượng giáo dục hiện nay, Chủ tịch nước cho rằng chất lượng giáo dục, đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, phương pháp dạy và học, việc thi, kiểm tra, đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất, đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành; đào tạo còn thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh, chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng làm việc.”
Tình hình như thế thì đáng báo động thật. Và dưới đây là những câu hỏi mà bất cứ ai quan tâm đến giáo dục cũng có thể đặt ra:
Tại sao đến nổi này ? Vì nếu không biết những nguyên nhân thì không thể nào hoạch định chương trình thay đổi
Ai có trách nhiệm trong đó ? Chuyện gì cũng có người trách nhiệm và phải có chế tài với người đó.
Phải làm sao để thay đổi ? Mục tiêu, Chương trình chi tiết thay đổi, ...Hiện không còn là lúc chỉ đưa ra những đại cương.
Kết quả chờ đợi - Tức là những gì hoàn toàn đối ngược với tình thế hiện thời
Ai lo thay đổi ? Nhân sự phương tiện, một Bộ Giáo dục và Đào tạo thôi không đủ vì nhân viên của Bộ này là những nhà quản lý, không hẳn chuyên môn về sư phạm
Lộ trình của thay đổi - Thứ tự ưu tiên cho thay đổi. Hướng tới là trong bao nhiêu lâu sẽ thay đổi ? ...
Những khó khăn trên đường đi và những phương thức dự trù để vượt khó ? Hoạch định nào cũng cần dự trù trước những khó khăn để khỏi hạn chế những cái bất ngờ trong lộ trình
Ai sẽ đánh giá thường kỳ chương trình thay đổi? Để tránh các trường hợp ...vừa đá bóng vừa làm trọng tài, ...
Đề nghị của tác giả bài này từ nhiều năm nay
Xin mời độc giả xem chi tiết, tựu chung qua các bài như:
http://dantri.com.vn/c202/s202-457595/en-doi-moi-hay-cap-nhat-phuong-phap-giang-day.htm
http://dantri.com.vn/dien-dan/tien-de-cho-cai-to-giao-duc-dai-hoc-523232.htm
http://dantri.com.vn/dien-dan/tu-nghe-day-hoc-o-nuoc-ngoai-nghi-ve-nen-giao-duc-nuoc-nha-562326.htm
Một cách ngắn gọn và cụ thể, ở đây, chỉ xin đề nghị tổng hợp lại:
Suy nghĩ về kiến trúc giáo dục mầm non và bắt đầu ở đó – áp dụng cách dạy khai trí và nhân bản. Mở một số trường mới, nhờ nhân lực mới đồng thời nhanh chóng cấp nhật giáo viên hiện hữu – Làm tốt thì năm năm sau sẽ hoàn thành hệ thống giáo dục mầm non “đủ chuẩn”. Mầm non là cơ sở của con người. Lo cho giáo dục mầm non là đầu tư dễ nhất và là đầu tư cho nhiều kết quả nhất.
Cải tổ hệ thống giáo dục cao đẳng và Đại học theo tinh thần tự do hàn lâm – theo kinh nghiệm Hàn và Trung quốc – VN có nhiều chất xám ở hải ngoại và một vốn liếng cảm tình trong giới khoa học gia ngoại quốc – vốn liếng này phần lớn đã được gây dựng trong chiến tranh giành độc lập, ta cần tận dụng gấp vì những bạn bè này hiện đã lớn tuổi. Cộng với vốn các giảng viên ta hiện có, nếu tất cả đều là những người mang đầy thiện chí thì công việc rất là khả thi.
Làm tốt thì cũng cần từ hai tới ba mươi năm để có một nền giáo dục Đại học có khả năng sánh vai với các Đại học toàn cầu – vì trong lúc chờ đợi thì các Đại học toàn cầu cũng đi lên. Nhưng ít nhất là trong ngắn hạn giá trị đào tạo cho sinh viên ra trường thích hợp hơn cho thị trường việc làm.
Trong các cải tổ Đại học, ta sẽ ưu tiên cho Đại học Sư phạm, cái mà tôi gọi “lấy ngắn nuôi dài”, cần tức tốc đào tạo, theo trào lưu giáo dục toàn cầu chứ không chỉ để truyền kiến thức, những giáo viên sớm tốt nghiệp để góp tay vào xây dựng giáo dục trung và tiểu học – Tối đa là ba năm, tầng lớp này sẽ ra trường – họ sẽ là những chuyên viên sư phạm biết dạy theo trò, biết phương pháp đánh giá-đào tạo, (évaluation-formation) chứ không phải đánh giá-chế tài (évaluation-sanction) hay loay quay với cho điểm hay viết lời bình, biết dạy học trò thích ứng với môi trường sống – môi trường này là lịch sử đạo đức văn hóa nước nhà cộng với hoàn cảnh toàn cầu...
Những giáo viên “mới” vừa vặn được đào tạo để đón các trẻ vừa học xong trường mầm non loại mới và song song, trong môi trường học đường, làm vết dầu loang hay làm đầu tàu, giúp các đồng nghiệp, vốn được đào tạo từ trước và theo phương pháp sư phạm truyền kiến thức và đánh giá chế tài cổ điển, để tất cả cùng đi lên.
Dĩ nhiên, những “cập nhật” ngắn ngày về phương pháp giảng dạy cho toàn thể giáo viên hiện thời là cần thiết. Phải biết trước là sửa đổi những “nề nếp” cũ rất khó. Hiện cả nước có hơn 800.000 giáo viên, đó là một công việc khổng lồ dù chỉ là cập nhật ngắn ngày. Nhưng phải làm, nếu chỉ đạt 10% giáo viên hiện thời thay đổi cách “nhìn” học trò, cách dạy bình đẳng, phương pháp qui nạp đi từ hiểu biết của học trò, ... là đã thành công.
Trong tất cả những thay đổi, cần một nhạc trưởng hay một nhóm nhạc trưởng, những nhà mô phạm có tài và có thực tâm thay đổi toàn diện giáo dục nước nhà.
Trường học, cuối cùng không là một ốc đảo trong sa mạc. Khó có thể thay đổi trường học khi cả xã hội lao xao, tôn sùng danh vọng và bằng cấp, đầy bất bình đẳng, đầy bạo lực.
Thế có nghĩa là phải song song lo cải tổ nhiều khâu trong hệ thống tổ chức công quyền và quản lý xã hội
Một chi tiết không nhỏ: cần cải tổ giáo dục, cần những giáo viên tốt nhưng nếu lương họ không đủ sống, một số giáo viên phải hối lộ từ 100 triệu tới 300 triệu để được bổ nhiệm, ... thì việc cải tổ sẽ chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ đẹp nhưng không thực hiện được.
Lấy tiền đâu tăng lương cho tất cả các giáo viên? Bớt hao ngân sách, bớt công chức cắp ô, bớt những tiền xài cho các hình thức, ... Lắm lúc, chỉ nhìn các thảm hoa trong các sự kiện, hội nghị hội thảo, tiếp khách ... người viết bài này thầm tiếc tiền vì có thể trang hoàng đẹp với ít hoa hơn – thế giới đang ở trào lưu tối giản - minimalism – mà. Đó là chưa nói tới những vung vãi của công to lớn hơn...
Cuối cùng, tác giả những dòng này chỉ mong ước một điều: làm ...vật tế thần để những nhà sư phạm trong và ngoài nước phản ứng và vào cuộc.
Nguyễn Huỳnh Mai