Bạn đọc viết

Một cuộc phỏng vấn

(Dân trí) - Tôi nghĩ trong trường hợp này, không thể áp dụng cái nguyên lí “con dại cái mang” được.

- Cụ ơi, xin cụ cho biết ý kiến trước thông tin ông Chấn sẽ được đền bù 7,2 tỉ đồng?

- Ái chà, ông bây giờ lại muốn làm nhà báo nữa cơ đấy! Định phỏng vấn tui hả?

- Ừ thì… thử tí chơi, biết đâu thời thế vần xoay, không chừng mai mốt tui chuyển nghề làm nhà báo.

- Thế thì bắt đầu nhé! E hèm! Tôi nghĩ đấy là một cái kết có hậu.

- Ý cụ muốn nói là giống như chuyện cổ tích ngày xưa?

- Không hẳn thế nhưng rõ ràng là cái kết này khiến dư luận đồng tình và mừng cho ông Chấn. Tuy nhiên, số tiền 7 tỉ mới chỉ bù đắp được phần nào thiệt hại về vật chất còn những tổn thất về tinh thần thì… tiền nào mà đền bù được hả ông?

- Í, sao cụ lại hỏi lại phóng viên?

- Xin lỗi, tui cứ quen như bọn mình đang tán chuyện với nhau.

- Không sao! Thưa cụ, gần đây có đại biểu Quốc hội đặt vấn đề: “Dân đóng thuế không phải để đền bù cho những thiệt hại do bản thân người có trách nhiệm gây ra cho dù đó là lỗi vô ý hoặc cố ý”. Cụ nghĩ sao về điều này?

- Câu này “phóng viên” làm khó mình rồi đây! Tui nghĩ vị đại biểu nhân dân này nói đúng, dân đóng thuế không phải để đền bù oan sai. Kẻ nào được giao nhiệm vụ mà thực thi không minh bạch, dùng nhục hình, bức cung gây oan sai cho người khác thì phải bỏ tiền túi ra mà đền bù oan sai. Nếu cứ lấy tiền thuế của dân mà đền thì e oan sai không những không giảm mà ngược lại sẽ ngày một gia tăng, vì xảy ra oan sai thì đã có nhà nước lo, anh còn sợ gì mà không dùng bức cung, nhục hình?

- Vậy theo cụ, chìa khóa để giải quyết tận gốc vấn đề oan sai là ở trách nhiệm của người thi hành công vụ?

- Đúng thế. Ông thấy đấy, hầu hết những vụ án oan sai là do cán bộ các ngành chức năng gây ra, không phải vì năng lực yếu kém. Họ thực thi công vụ nhưng lại không minh bạch hoặc cố ý gây oan sai thì họ cũng phải chịu xử phạt cả về tinh thần lẫn vật chất như họ đã gây ra cho người khác. Chỉ có như thế mới ràng buộc được trách nhiệm của cán bộ các ngành chức năng; buộc họ phải cẩn trọng, minh bạch, khách quan trong thực thi công vụ. Nhân chuyện này tôi lại nhớ đến chuyện “quyền im lặng” đang được Quốc hội bàn thảo. Tại sao lại “sợ” quyền im lặng? Không thể nói rằng, quyền im lặng làm khó cho cơ quan điều tra. Người ta không hiểu hay cố tình không hiểu rằng quyền im lặng không có nghĩa là cấm khẩu, như một bài báo đã chạy tít. Nếu anh giỏi nghiệp vụ thì việc gì phải sợ quyền im lặng? Tội phạm tội nào mà chẳng có gót chân “Asin”.

- Cụ lí luận hay đấy nhưng hình như ta đang chệch hướng cuộc phỏng vấn này?

- Không đâu, quyền im lặng để chống nhục hình, bức cung và như thế thì oan sai cũng tự khắc sẽ giảm.

- Thưa cụ, bàn về chuyện đền bù cho ông Chấn, một đại biểu khác lại nêu nguyên lí “con dại cái mang” để lập luận rằng, lấy ngân sách để đền bù là đúng, nhà nước và người dân phải gánh chịu. Cụ nghĩ sao về điều này?

- Thú thực khi nghe vị đại biểu này trao đổi với báo chí bên lề kì họp Quốc hội như vậy, tôi hơi bị bất ngờ đấy. Tôi nghĩ trong trường hợp này, không thể áp dụng cái nguyên lí “con dại cái mang” được. Nếu làm như vị đại biểu ấy nói thì khác chi “quýt làm cam chịu”. Chả nhẽ cán bộ viên chức làm sai, rồi thì tham nhũng, thất thoát, lãng phí… tất tần tật nhà nước chịu, dân phải è cổ ra gánh lấy hậu quả? Vô lí! Vô lí! Thậm vô lí!

- Vâng! Tôi cũng nghĩ thế. Cảm ơn cụ về cuộc phỏng vấn lí thú này!

Nguyễn Duy Xuân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm