Miếng ngon không tự đến

Những doanh nghiệp chiến thắng trong cuộc chạy đua chinh phục thị trường EU sẽ là những doanh nghiệp có sự chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng nhất và biết tìm tòi cơ hội trong gian khó.

Với những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa, EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú huých đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, với mức dự báo lên tới 2,18 đến 3,25% vào năm 2025.

Những con số dự báo cũng khá lạc quan khi kim ngạch xuất khẩu được cho là có thể tăng thêm khoảng 42,7%, trong đó, các ngành hàng quan trọng như gạo, may mặc, da giày có mức tăng xuất khẩu lên tới 65%, 81% và 99% trong giai đoạn 5 năm đầu triển khai hiệp định.

Tính toán này hoàn toàn có cơ sở vì EU đang là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Việc xóa bỏ thuế nhập khẩu tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA sau một lộ trình ngắn sẽ giúp gia tăng cơ hội xuất khẩu của Việt Nam sang EU, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ...

Đánh giá về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Bộ Công Thương cũng cho rằng, dù hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 tuy nhiên, rất khó nói trước điều gì lạc quan lúc này.

Thực tế cho thấy, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 5 tháng cuối năm được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, bao giờ dịch mới kết thúc, hoạt động trong xã hội mất bao lâu mới trở lại trạng thái bình thường …là câu hỏi không ai trả lời được lúc này.

Nhiều chuyên gia cũng ví Hiệp định EVFTA như con đường cao tốc hướng Tây, kết nối Việt Nam với một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu thế giới. Thế nhưng, để doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng tốc trên con đường này thì hệ thống pháp luật, thể chế trong nước đã đạt điều kiện đủ chưa, sự sẵn sàng của doanh nghiệp đến mức nào… thì không có phân tích nào mổ xẻ cặn kẽ. Không ai có thể cầm tay chỉ việc thay cho doanh nghiệp lúc này. Vì vậy, cơ hội vẫn là việc đang bàn luận.

Dưới góc nhìn quản lý là vậy, còn dưới góc độ doanh nghiệp, trong cuộc trao đổi với Tiền Phong mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho hay, với diễn biến mới nhất của dịch COVID-19, dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong các tháng cuối năm tiếp tục giảm khoảng từ 14-18% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Thực tế cho thấy, việc sớm tận dụng được những lợi thế của EVFTA không phải là điều dễ dàng dù các nhà xuất khẩu Việt Nam từ hơn 1 năm qua đã có nhiều chuẩn bị cho cơ hội rộng mở này. Bên cạnh đó, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng nhưng có nhiều rào cản kỹ thuật. Muốn tiếp cận và khai thác hiệu quả, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu đều phải xây dựng kế hoạch dài hạn, biết tham gia vào các chuỗi giá trị có quy mô lớn, đáp ứng được yêu cầu số lượng lẫn chất lượng hàng hóa.

Cùng với đó, muốn thành công, các doanh nghiệp vẫn phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng quy tắc xuất xứ để cầm chắc “giấy thông hành” đĩnh đạc bước vào thị trường EU để cạnh tranh với chính những đối thủ sừng sỏ nhất đến từ khắp nơi trên thế giới.

Miếng bánh ngon chắc hẳn sẽ không dễ xơi. Những doanh nghiệp chiến thắng trong cuộc chạy đua chinh phục thị trường EU sẽ là những doanh nghiệp có sự chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng nhất và biết tìm tòi cơ hội trong gian khó. Còn nếu chỉ ngồi thụ động, cơ hội sẽ không tự nhiên mà đến.