Bạn đọc viết:
Mạn đàm về cuộc “cách mạng trắng” trong giáo dục
(Dân trí) - Nền giáo dục Việt nam đã trải qua bao thăng trầm suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Nhưng có lẽ chưa khi nào nó lại trở thành mối quan tâm nóng bỏng của toàn xã hội như hiện nay.
Mặc dầu Đảng và nhà nước ta đã có nhiều nghị quyết qua các kỳ Đại hội, luôn nhấn mạnh và tỏ rõ sự coi trọng vai trò quyết định của nền giáo dục nước nhà đối với tiến trình phát triển đất nước. Ngành giáo dục cũng đã có sự vào cuộc quyết liệt thể hiện qua nhiều biện pháp nhằm chấn hưng nền giáo dục quốc gia như: nói không với tiêu cực, chống gian lận trong thi cử, phong trào Hai không…
Không ít trí thức, nhà chuyên môn đã đề xuất nhiều biện pháp với mong muốn cải cách nền giáo dục nước nhà hiện nay. Tuy nhiên, những hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục vẫn cứ sinh sôi, và dường như sau những biện pháp đó, các vấn nạn giáo dục lại càng có cơ hội nảy nở nhiều hơn.
Vẫn có những kỳ thi tốt nghiệp mà thầy giáo lại trở thành người ném phao thi, học trò quay cóp chép tài liệu, vẫn còn đó cảnh phụ huynh thức trắng đêm chầu chực chờ xếp hàng nộp đơn xin cho con được vào học lớp 1, mà đỉnh điểm cho sự bế tắc của nền giáo dục nước ta, theo tôi, có lẽ là cảnh các phụ huynh chen lấn và đạp đổ cánh cổng trường thực nghiệm ở Hà Nội dù đây là mô hình giáo dục thử nghiệm chứ không phải theo kiểu giáo dục chính thống…
Điều đó, theo tôi, cũng là sự thể hiện khát vọng của các phụ huynh mong muốn được quyền lựa chọn nền giáo dục tốt nhất cho tương lai của con mình. Và cảnh tượng này cũng lại gióng thêm một hồi chuông báo động nữa trước thực trạng của ngành giáo dục Việt Nam vẫn đang trong cái vòng luẩn quẩn không lối thoát như kiểu tranh cãi về “quả trứng và con gà”.
Hơn lúc nào hết, tôi nghĩ chúng ta đang cần một cuộc cách mạng mới trong giáo dục. Và theo tôi, cuộc cách mạng hiện nay chúng ta đang cần đó là cuộc cách mạng từ chính những người làm công tác giáo dục, những người thầy, cô giáo. Có thể gọi đó là cuộc “cách mạng trắng” nhằm tẩy xóa những vết đen đang làm hoen ố sự cao quý bao đời nay của nền giáo dục. Vậy ta nên bắt đầu từ đâu? Bắt đầu như thế nào?
(minh họa từ Internet)
+ Trước hết, đó là từ đạo đức của thầy, cô giáo:
Điều đó thể hiện ở lương tâm và đạo đức nghề nghiệp của mỗi người. Nhà giáo dục K.Dushinsk từng nói: Không còn nghi ngờ gì, kỷ cương trong nhà trường có vai trò to lớn, nhưng điều chủ yếu vẫn là ở nhân cách của người giáo viên trực tiếp làm việc với học sinh. Nhân cách của nhà giáo dục có sức mạnh to lớn đối với học sinh đến mức không thể thay thế bằng sách giáo khoa, những lời khuyên bảo về đạo đức, hệ thống khen thưởng và kỷ luật nào cả.
Thực tế ở VN ta hiện nay cơ chế thị trường hiện đang biến giáo dục thành hàng hóa, và mỗi người thầy cô giáo đang tự biến mình thành những người bán hàng... Sự định giá đạo đức và năng lực của mỗi thầy cô có lẽ giờ đây được đo bằng việc ai dạy thêm được nhiều hơn, ai kiếm tiền bằng nghề dạy học được nhiều hơn. Chứ không phải ai đào tạo được những học trò thành đạt nhiều hơn, ai được học trò kính trọng hơn.
Bởi vậy mới có những học trò có thể ngang nhiên xem mình như ở thế “đứng trên” cả thầy cô, với lý do đơn giản: chính bố mẹ chúng trả tiền cho những gì thầy cô đã dạy cho học trò.
Cũng bởi thế, khái niệm thầy và cô bây giờ không còn giữ nguyên giá trị truyền thống vốn có nữa, vì mối quan hệ thầy - trò, cô - trò đó giờ đã là mối quan hệ trao đổi hàng hóa giữa bên mua kiến thức là học sinh với người bán kiến thức là thầy cô. Được mua vừa bán, cả hai bên cùng thỏa thuận.
Cho nên, ở thời đại ngày nay quả thật khó tìm ra tấm gương một người thầy, người cô nào được học trò tôn kính như Thầy Chu Văn An ngày xưa. Bởi vậy, cũng có thể nói không ngoa rằng nền giáo dục chúng ta đang đi thụt lùi. Lấy xưa để so nay thì quả là khập khiễng, nhưng xét theo quy luật của sự phát triển thì đó thật là điều đáng suy ngẫm cho những người làm thầy, làm cô ngày nay, khi những giá trị truyền thống về phẩm và đạo đức của thầy và cô ngày xưa thì nay đa số đã bị “ tờ bạc đâm toạc” mất rồi!!!
+ Thứ hai, đó là cách dạy, phương pháp dạy:
Quan điểm giáo dục trước đây cho rằng: dạy học là quá trình truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm của người đi trước cho những người đi sau. Đó là quan niệm trơ lỳ, xơ cứng. Cách dạy thầy đọc - trò chép, thầy nói - trò ghi là lối dạy bóp chết tư duy, bóp chết sáng tạo của học trò.
Và cả cái cách chúng ta quan niệm về người thầy gần như là bậc Thánh nhân, thầy luôn luôn đúng, thầy biết hết tất cả, đã tạo ra tâm lý sợ hãi cho học trò. Khiến trò không dám bảo vệ quan điểm của mình, không dám chỉ ra cái sai khi thầy/cô sai…Cách dạy như vậy chỉ càng tạo ra khoảng cách lớn giữa thầy và trò, tạo ra một thế hệ trẻ chỉ biết vâng dạ, làm theo, bắt chước.
Chúng ta đang sống thời đại của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, lượng tri thức không ngừng được bổ sung và có những điều tưởng chừng như chân lý, lại vẫn có thể liên tục bị phủ định. Cho nên chúng ta có thể truyền đạt được khối lượng tri thức khổng lồ ấy cho học sinh. Mà điều chúng ta có thể làm cho các em là hướng dẫn cho các em các kỹ năng để lĩnh hội, tìm tòi, sáng tạo và phát minh ra những tri thức mới, các kỹ năng sống để ứng xử đúng với các tình huống mà cuộc sống thực tế sẽ đặt ra cho chúng.
Làm được như vậy tức là chúng ta đã đi đúng quy luật của sự phát triển xã hội, của lĩnh vực giáo dục. Nhà trường không nên và đừng bao giờ là công cụ của người lớn hay của bất kỳ ai để nhồi nhét và áp đặt những ý muốn lên học trò.
Nhà trường không thể và không phải là kho tàng chứa đựng toàn bộ khối lượng kiến thức của nhân loại để ép buộc học sinh phải ghi nhớ hết… Mà làm gì có xã hội nào chỉ có những lớp người suy nghĩ giống nhau, hành động giống nhau?
Mỗi đứa trẻ đều có cá tính riêng, năng lực riêng, sở thích riêng. Và nhiệm vụ của chúng ta là giúp các em phát huy hết khả năng của chúng, để hướng tới đào tạo một con người toàn diện, làm chủ mình, làm chủ cuộc sống và góp phần làm chủ dân tộc.
Kinh mong những nhà giáo có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp hiểu rõ rằng: đã đến lúc chúng ta cần phải thức tỉnh lại chính lương tri của mình. Đó là hãy làm đúng bổn phận và trách nhiệm mà thế hệ đi trước đã giao phó! Hãy lấy lại hình ảnh đáng kính của chúng ta, mà các thế hệ trước đã phải trả bằng máu và nước mắt để tạo dựng nên. Và sẽ không bao giờ là quá muộn nếu chúng ta biết sống vì tương lai của đất nước chúng ta. Sự hưng thịnh của một dân tộc không phải cũng có thể coi như bắt đầu từ sự hưng thịnh của một nền giáo dục tốt đó sao…
Nhat Minh