Kiến nghị biện pháp chống dạy thêm học thêm tràn lan
(Dân trí) - “Bộ GD-ĐT và nhà trường phải xử lý nghiêm những giáo viên cố tình tổ chức dạy thêm mới đẩy lùi được tình trạng học thêm nhồi nhét vô lý. Phụ huynh học sinh vì sợ con bị trù dập nên khó chống lại ý kiến giáo viên” - Một phụ huynh ý kiến.
Bạn đọc Nguyễn Việt Chương:
Theo tôi, nền giáo dục nước ta đang còn nổi cộm nhiều vấn đề: Chương trình giáo khoa còn nặng nề; nhiều lý thuyết, ít thực tế và ít thực hành. Vì vậy, nếu chỉ theo học chính khóa, nhiều học sinh không nắm được kiến thức và càng không biết vận dụng.
Đối với giáo viên,: lương giáo quá thấp.. Không ít giáo viên chuyên môn kém. Nhiều người tổ chức dạy thêm ở trường và nhà riêng trong khi ở lớp dạy qua quýt, chỉ dạy chu đáo trong buổi dạy thêm. Có hiện tượng phân biệt đối xử và trù dập học sinh không học thêm. Ra bài kiểm tra giống với đề bài dạy thêm.
“Xem xét tình trạng dạy thêm, có 2 nguyên nhân cơ bản nhất : Một là thu nhập giáo viên quá thấp, không đủ chi tiêu bản thân và gia đình . Hai là : chương trình học quá tải trong khi giờ học ở trường thì ít ,có môn học chỉ 1 tiết 45 phút trong tuần mà bắt HS phải làm thêm bài tập nữa thì không thể nào làm được. Tóm lại , muốn bỏ dạy thêm chỉ cần giai quyết 2 nguyên nhân trên” - Bạn đọc Nguyễn Hoàng bày tỏ. |
Về phía học sinh, nhiều em sợ thua kém bạn bè và sợ giáo viên trù dập nên muốn đi học thêm theo tâm lý “bầy đàn”. Đa số học sinh muốn vào ĐH,CĐ,...cho nên có nhu cầu học thêm.
Tình trạng học thêm nhồi nhét, không có thời gian tự học và làm bài tập, cho nên xảy ra tình trạng học trước quên sau, thậm chí thi xong đại học quên hết, kể cả kiến thức cơ bản nhất.
Bạn đọc Hùng An:
Hiện nay việc dạy thêm và học thêm đang là vấn nạn của phụ huynh và đặc biệt đối với học sinh. Để chấp dứt tình trạng này, theo tôi các cấp quản lý trong ngành giáo dục trước hết phải nghiên cứu lại chương trình sách giáo khoa sao cho phù hợp, bố trí số tiết học hợp lý trong mỗi buổi lên lớp.
Mặt khác, cần quan tâm đánh giá thái độ và kết quả giảng dạy của giáo viên. Bên cạnh việc phê phán và có hình thức kỷ luật nghiêm những giáo viên chưa làm tròn trách nhiệm trong những giờ giảng dạy chính khóa hoặc cố tình gợi ý học sinh phải học thêm, cần đề cao những thầy cô giáo làm đúng thiên chức của mình.
Ở những nơi có điều kiện, nên trang bị thêm các thiết bị nghe nhìn hiện đại như: camera, máy ghi âm... cho phòng học để ban giám hiệu dễ theo dõi tình hình các lớp học, đánh giá đúng thái độ của người dạy và người học. Mặt khác, cần quan tâm chăm lo đời sống giáo viên, trước hết là có mức lương hợp lý, đủ trang trải cuộc sống để yên tâm gắn bó với nghề.
Bạn đọc Minh Quân:
Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng nâng cao,thì đa số các gia đình chú tâm đến việc học của con em mình. Nhưng với chương trình cải cách hiện nay thì rất khó cho việc phụ huynh kèm cặp cho con mình được nếu không nghiên cứu trước chương trình sách giáo khoa. Mặt khác, do còn đi làm kiếm tiền nên họ không có thời gian để kèm cặp con em mình, nên việc cho con đi học thêm là biện pháp cứu cánh cần thiết.
Về phía thầy cô giáo, đây là cách thức để tăng thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Mặt khác, chương trình cải cách càng nặng, áp lực thi cử càng cao thì học sinh phải đi học thêm càng nhiều. Đấy là các mắt xích có mối liên quan mật thiết với nhau tạo ra tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan!... Chính Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm giải quyết ở tầm vĩ mô những nguyên nhân sâu xa, chứ không giải quyết “phần nhọn” bằng biện pháp cấm đoán việc dạy thêm và học thêm.
“Vì căn bệnh thành tích, thầy cô giáo cố gắng tìm mọi cách để nâng điểm và cho lên lớp hết và đa phần là học sinh khá giỏi. Cho nên học sinh đi học không sợ điểm thấp, thầy cô la một tí là quay clip tung lên mạng tố cáo. Làm thầy cô bây giờ chịu đủ các sức ép, nhưng dù sao cuối năm lại phải báo cáo thành tích tốt, nếu điểm học sinh thấp, đố bạn được xếp danh hiệu thi đua, nản quá! Mặc dù rất yêu nghề dạy học nhưng mình đang tính chuyện phải bỏ nghề!” Bạn đọc Thanh Lan chia sẻ. |
Tôi đồng ý lấy ý kiến của phụ huynh trên toàn quốc để Bộ GD-ĐT có hướng giải quyết tích cực hơn. Tôi thấy cần đề cao sự tự giác và tính sáng tạo của con em mình, cho nên đề nghị Bộ GD-ĐT cấm giáo viên dạy thêm trên văn bản Luật chứ không phải là góp ý hay văn bản quy định trong ngành nữa. Vì tương lai và sự phát tự nhiên theo đúng lứa tuổi của con em chúng ta, tôi đề nghị Bộ GD-ĐT và các bậc phụ huynh tích cực chia sẻ suy nghĩ và kiên quyết hành động để ngăn chặn bằng được tình trạng dạy thêm-học thêm tràn lan.
Bạn đọc Nguyễn Thị Toan:
Bộ GD-ĐT quản lí dạy thêm bằng văn bản luật, ví dụ giáo viên muốn dạy thêm phải có giấy phép của các cơ quan QLGD. Đó là cách quản lí tốt nhất để tình trạng dạy thêm không tràn lan hiện nay.Tránh tình trạng đã hoc thêm 5 buổi một tuần ở trường ở những lớp 2buổi/ngày ở tiểu hoc lại còn vận động lôi kéo HS về nhà dạy thêm.
Bạn đọc Đoàn Hạnh Thắm:
Năm học 1993-1994 tôi được điều lên dạy học sinh lớp 5 trường chuyên . Có GV kêu gọi học sinh đến nhà học thêm. Tôi thì không. Năm học đó tôi có 2 học sinh đoạt gia quốc gia. Bí quyết : khi soạnbài giảng, tôi chắt lọc kiến thức cơ bản nhất , khi dạy dẫn HS tìm ra bản chất của vấn đề. Cho bài về nhà nhiều hơn, chấm hoăc chữa hết các bài đã cho. Giờ đây lứa học sinh đó đã đi làm việc và phát huy tốt khả năng của mình, có nhiều em đang làm luận án tiến sĩ. Học thêm nhiều không làm cho ta giỏi lên mà làm cho ta thụ động hơn trong tư duy. Các em hãy chọn hình thức tự học. Có như vậy các em mới chủ động trong mọi công việc được.
Bạn đọc Nguyễn Hoàng Giang:
(nguồn ảnh: tin247.com)
Xin lấy một ví dụ: Một buổi tối thứ 7 mưa bão cả miền Trung, mà tôi không thể ngăn con tôi vượt hơn 18 km đường ngập lụt, qua nhiều cầu cống để đi học thêm, vì lý do con tôi nói: nếu bỏ buổi học này thì tiết học tới sẽ không theo được mặc dù con tôi đứng tốp 10 lớp chọn. Điều đáng nói là ca học đến 20h mới tan. Một số giáo viên giỏi chuyên môn dạy thêm có mức thu nhập hàng tháng rất cao, dù nhà nước điều chỉnh lương bao nhiêu cũng chưa vừa lòng họ.
Cho nên Bộ GD-ĐT cần có các biện pháp quyết liệt hơn. Đã đến lúc phải thay đổi cách nhìn thực dụng sự nghiệp GD. Không giao sự nghiệp trồng người cho những chú “chuột chạy cùng sào” để vẽ ra một “xã hội hóa bệnh thành tích”, và đẩy thực tế nền giáo dục ngày càng xuống cấp về nhiều mặt.
Một giáo viên:
Con em chúng ta bây giờ phải học quá nhiều (lao động trí óc nhiều hơn người lớn). Tiểu học ngoài ngày 2 buổi ở trường thì thứ bảy, chủ nhật học thêm nhà cô 2 môn văn và toán. Trung học cơ sở và THPT hằng ngày học 1 buổi ở trường, còn 1 buổi và chủ nhật học thêm (do nhà trường tổ chức và cô giáo dạy môn đó tổ chức) với các môn văn, toán, lý hóa, ngoại ngữ, nghề(ở cấp 2) có những buổi học 2 ca, 3 ca. Cặp sách mang quá nặng (có những trường hợp HS vẹo xương).
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Để lách luật khi Bộ cấm dạy thêm, nhà trường và GV có rất nhiều chiêu (tôi cũng là 1 thành viên trong số đó - biết là không đúng, bản thân không muốn làm nhưng không thể tách ra khỏi tập thể). Thường thì phụ huynh làm đơn xin học cho con dưới hình thức tự nguyện bắt buộc nếu không GV cho bài tập nâng cao ngoài yêu cầu SGK, HS và PH thấy khó quá không giải quyết được phải “trăm sự nhờ cô” bằng cách cho con đi học thêm.
Bạn đọc Hoàng Giang:
(nguồn ảnh: tin247.com)
Giáo dục là quốc sách hàng đầu... đường lối thì đúng và nghe rất hay nhưng chính sách và cách thức thực hiện thì sai. Phương tiện, đồ dùng dạy học cấp nhiều nhưng không sử dụng được; lương GV thì quá thấp (không bằng công thợ xây). Chúng tôi sống bằng gì? Yên tâm gắn bó với nghề và nhiệt tình cống hiến sao được đây? Vì căn bệnh thành tích, học sinh yếu kém cả về kiến thức và đạo đức vẫn được lên lớp, ngang nhiên ngỗ ngược không coi thầy cô ra gì, GV có mạnh tay xử lý thì phạm luật GD, bị XH lên án... Ôi chán lắm!
Bạn đọc Hồng Mẫn Trực:
Để khắc phục điều này, ngành giáo dục cần:
- Giảm tính hình thức trong giáo dục (sổ sách, dự giờ đánh giá) để người giáo viên có nhiều hơn thời gian đầu tư vào chuyên môn.
-Giảm tải bớt các môn học theo hướng học để hiểu, để làm được chứ không phải học cho có và phù hợp với từng lứa tuổi của các em học sinh.
- Giảm bớt các phong trào không mang lại hiệu quả ở cả học sinh và giáo viên và nhằm tiết kiệm thời gian, tiền bạc.
- Chấm dứt bệnh thành tích. Nguyên bộ trưởng bộ giáo dục Nguyễn Thiện Nhân nay là Phó Thủ tướng cũng thấy được điều này nhưng khi thực hiện vẫn mang tính phong trào không nhổ được tận “gốc” nên đến nay căn bệnh đó còn phát triển mạnh hơn. Vì vậy, ngành giáo dục nên chấm dứt việc đưa ra các chỉ tiêu thi đua có tính áp đặt về số học sinh khá giỏi, và cả tỉ lệ học sinh lên lớp, ở lại lớp… mà không căn cứ vào tình hình thực tế.
- Các cấp quản lí giáo dục cần học cách tin vào đội ngũ giáo viên, bớt đi việc cầm tay chỉ việc, thanh tra, dự giờ quá nhiều. Mà hiện nay nhiều người đi dự giờ, đánh giá giáo viên thì trình độ của họ không hơn gì giáo viên, đó là chưa kể họ đứng “nhầm chỗ”. Hãy tạo cho người dạy, người học tâm lý thoải mái, vừa sức, thì kết quả sẽ tốt hơn.
LTS Dân trí- Những ý kiến đóng góp trên đây vừa cho thấy hiện trạng rất đáng lo của nền giáo dục nước nhà vừa nêu lên những nguyên nhân sâu xa và trực tiếp cũng như những kiến nghị thiết thực nhằm khắc phục sự yếu kém nói chung của giáo dục cũng như tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan hết sức phản sư phạm hiện nay.
Chúng tôi trân trọng chuyển những ý kiến đóng góp nói trên tới Bộ GD-ĐT cũng như các cấp quản lý giáo dục để kịp thời đưa ra những quyết sách và biện pháp kiên quyết nhằm lập lại kỷ cương, nền nếp của nhà trường, triệt để chống căn bệnh thành tích cũng như tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan còn phổ biến hiện nay.
Về phía các bậc phụ huynh học sinh cũng cần thấy rõ tác hại của việc bắt con học thêm nhồi nhét, vượt quá sức tiếp thu của con trẻ, không còn thời gian vui chơi, giải trí. Nên dành thời gian cho con mình tự học và làm bài tập để nắm vững kiến thức và biết vận dụng những điều được học. Đấy là cách học kết hợp với hành có hiệu quả.