Khẳng định niềm tin, giá trị không phai mờ
Sau khi Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 6 và 7-2-2017 đăng bài “Quân đội nhân dân Việt Nam - Trường học lớn để thanh niên rèn luyện, trưởng thành”, tòa soạn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao từ dư luận xã hội. Nhiều ý kiến phản ánh về tòa soạn khẳng định niềm tin, giá trị không phai mờ đối với một môi trường xã hội tốt đẹp; đồng thời tiếp tục phê phán những quan điểm sai trái, cố tình xuyên tạc về môi trường quân đội. Tòa soạn xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn các vấn đề văn hóa, xã hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Một môi trường được xã hội tin cậy
Thời gian gần đây, xuất hiện một số thông tin trên mạng xã hội với dụng ý làm sai lệch về môi trường quân đội, gây ảnh hưởng xấu trước mùa tuyển quân. Đọc loạt bài “Quân đội nhân dân Việt Nam - Trường học lớn để thanh niên rèn luyện, trưởng thành” trên Báo Quân đội nhân dân, tôi rất đồng tình với quan điểm của tờ báo không chỉ phản bác những quan điểm sai trái mà còn khẳng định giá trị của một môi trường xã hội tốt đẹp, được toàn dân tin cậy.
Ông Nguyễn Túc.
Thế hệ chúng tôi, con các đồng chí cán bộ cao cấp thường được đưa vào quân đội để rèn luyện nên nhiều người đã trưởng thành như ngày nay. Con của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, con đồng chí Nguyễn Duy Trinh, con của Đại tướng Võ Nguyên Giáp… đều được các đồng chí đưa vào môi trường quân đội để rèn luyện, một phần là vì yêu cầu của cuộc chiến tranh để rèn luyện, một phần là để các con rèn luyện bản thân. Có được điều này, chính vì quân đội là môi trường rèn luyện tốt nhất của mỗi người.
Thời gian qua, quân đội phối hợp với các trường học tổ chức học kỳ quân đội cho các cháu học sinh là một điều rất hay. Cháu tôi cũng được tham gia một khóa học kỳ quân đội. Sau một tháng sinh hoạt trong môi trường quân ngũ, cháu chững chạc, ý thức kỷ luật, ý thức tự giác tốt hơn.
Trong thời kỳ chiến tranh, lợi ích sát sườn là độc lập tự do, thấm vào máu từng gia đình, từng thanh niên, điều đó đã thôi thúc các cá nhân tự nguyện lên đường để nhập ngũ. Có những người do thiếu cân, không được nhập ngũ đã bỏ đá vào túi quần để tăng cân nặng đủ tiêu chuẩn… Những người không được lên đường nhập ngũ, so với bạn bè thì cảm thấy thua kém.
Ngày nay, trong điều kiện hòa bình, nhiều người nghĩ, vào môi trường quân đội bị gò bó, thiệt thòi. Tôi cho rằng điều đó hoàn toàn sai lầm. Quân đội không thể tự do thoải mái như bên ngoài mà phải rèn luyện để nâng cao ý chí chiến đấu. Kể cả trong chiến tranh cũng như thời bình, kỷ luật của quân đội bao giờ cũng phải nghiêm nhất. Quân đội chính là nơi rèn luyện tốt nhất của thanh niên.
ĐỨC THỊNH (ghi)
Nhà văn, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thọ (Việt kiều tại Cộng hòa Liên bang Đức):
Trường học lớn của tình yêu Tổ quốc
Tôi ở quân ngũ gần 12 năm. 11 năm tham gia trực tiếp chiến đấu, trước khi xuất ngũ mang quân hàm chuẩn úy. Chính trong thời gian ấy tôi nhận ra rất nhiều lẽ sống ở đời, tình yêu với cha mẹ sâu đậm hơn, tình yêu con người ta trong quan hệ nơi sống chết cùng với đồng đội ra sao. Sau này, cuộc đời tôi cũng trải qua nhiều thăng trầm nhưng khi khốn khó tôi đều vượt qua bởi tính ý chí còn ở lại khi sinh ra từ đất quân đội.
Nhà văn, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thọ.
Bởi thế quân đội chính là môi trường tốt, là trường đại học lớn, vì cái quan trọng nhất của sự học là tình yêu mà tình yêu với đất nước, Tổ quốc là tình yêu lớn nhất. Năm 2016, nhân một liên hoan phim tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi được giao lưu cùng anh em bộ đội Quân khu 7. Chúng tôi cũng tới thăm căn cứ Đồng Dù là nơi chiến trận xưa sư đoàn tôi đánh tiến vào Sài Gòn. Tham quan doanh trại, tôi rất mừng vì điều kiện hôm nay của bộ đội khá hơn xưa rất nhiều. Doanh trại gọn đẹp, bữa ăn đủ chất, lại có cả một miếng dưa hấu. Miếng dưa làm tôi nhớ lại bao khó khăn tôi đã trải qua. Như vậy bây giờ các cán bộ, chiến sĩ được Chính phủ rất quan tâm. Tôi ra thao trường cũng thấy nhiều phương tiện huấn luyện thể lực rất tốt, kém gì quân đội phương Tây.
Nhưng điều tôi chú ý nhất là quân phong quân kỷ, bởi tính kỷ luật đã tạo nên sức mạnh lớn cho quân đội. Hỏi chuyện một vài cháu tôi thấy rất hài lòng. Có cháu mảnh mai là học sinh thành phố vào quân đội, nói: Cháu sử dụng súng RPD hơi nặng nhưng vẫn hoàn thành tốt các thao tác xạ kích. Chuyến tham quan ấy làm tôi yên tâm nghĩ, thế hệ nối tiếp chúng tôi vẫn là con em của nhân dân, là quân đội của nhân dân và vẫn luôn sẵn sàng hy sinh, bảo vệ đất nước, như câu hát: "Vì nhân dân quên mình". Tôi đứng lặng ở cổng một sư đoàn. Ngày 29-4-1975, bao nhiêu bạn bè tôi đã ngã xuống nơi cổng cửa mở ấy. Máu anh em đã thấm đỏ và họ đã hy sinh trước ngày hòa bình của đất nước có nửa ngày trời.
Tôi nghiệm ra, Quân đội ta hay bất cứ quân đội nào cũng đề cao tính kỷ luật, song với đội quân cách mạng mà tiền thân là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân không chỉ có tính kỷ luật mà còn là tình thương yêu đồng đội. Chính điều vô cùng quan trọng này giúp chúng tôi sát cánh bên nhau trong chiến tranh để vượt qua bom đạn, vì nhau tới mức có thể bằng chính mạng sống của mình. Quân đội ngày nay vẫn tỏa sáng tình đồng đội nhưng việc mạng xã hội vẫn phản ánh vài clip lính cũ đánh lính mới thì không thể chấp nhận, cần phải xử lý nặng cả chỉ huy đơn vị ấy và giáo dục, rút kinh nghiệm nghiêm khắc, để Quân đội ta luôn giữ mãi hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.
NGUYÊN MINH (ghi)
Thượng tá Huỳnh Văn Trông, Chính ủy Sư đoàn 315, Quân khu 5:
Tạo điều kiện tốt nhất cho chiến sĩ rèn luyện, cống hiến
Tôi thấy những vấn đề báo nêu là hoàn toàn khách quan, toàn diện và đúng đắn. Từ thực tiễn ở Sư đoàn 315 những năm qua cho thấy, môi trường quân đội ngày càng tạo điều kiện thuận lợi mọi mặt cho thanh niên rèn luyện, trưởng thành, đó cũng là môi trường để tạo nguồn cán bộ, đảng viên rất tốt.
Thượng tá Huỳnh Văn Trông.
Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn luôn lãnh đạo, chỉ đạo, gắn huấn luyện chiến sĩ với tạo nguồn phát triển Đảng, tạo nguồn cán bộ. Từ thực tế, địa bàn các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, trên cơ sở quy hoạch của địa phương, Ban CHQS các quận, huyện phối hợp chặt chẽ với cơ sở để lựa chọn nguồn, giới thiệu các đơn vị thuộc sư đoàn và một số đơn vị trong quân khu bồi dưỡng, rèn luyện, định hướng phấn đấu... Từ nguồn hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hằng năm Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn phối hợp với địa phương rà soát, sắp xếp sĩ quan, chiến sĩ dự bị vào đơn vị dự bị động viên và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đề nghị cấp trên đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn, tạo nguồn cán bộ cơ sở. Đến nay, nhiều đồng chí đã tham gia Đảng ủy cấp xã, phường, thị trấn, giữ các chức vụ quan trọng trong cấp ủy, chính quyền.
PHAN TIẾN DŨNG (ghi)
Đồng chí Hoàng Minh, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng:
Nơi rèn luyện toàn diện
Đọc vệt bài trên Báo Quân đội nhân dân, tôi rất đồng tình với vấn đề báo nêu. Không chỉ riêng tôi mà những ai đã từng trải qua quân ngũ đều thấu hiểu quân đội là môi trường rất tốt để thanh niên học tập, rèn luyện toàn diện.
Đồng chí Hoàng Minh.
Tôi may mắn được rèn luyện trong quân ngũ tại Trung đoàn 971, Bộ CHQS TP Đà Nẵng (từ tháng 3-2007 đến tháng 8-2008). Trong thời gian này, tôi được trang bị kiến thức toàn diện về chính trị, quân sự, được rèn luyện tác phong, phong cách chững chạc, nếp sống kỷ luật tự giác, nghiêm minh, giao tiếp, ứng xử có văn hóa… Nhờ đó mà tôi thêm chững chạc, tự tin trên cương vị, chức trách được giao hiện nay. Tôi đã cùng với Ban CHQS phường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh. Phường là địa phương dẫn đầu về công tác tuyển quân của quận trong nhiều năm liền.
VĂN CHUNG (ghi)
Đồng chí Nguyễn Hoàng Tuấn Vũ, Phó bí thư Đoàn phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ:
Nâng bước cuộc đời
Tôi tham gia nghĩa vụ quân sự tháng 2-2011 và xuất ngũ vào tháng 8-2012. Trong suốt thời gian ấy, tôi và các chiến sĩ đã được ăn, ở, học tập, làm việc, sinh hoạt… trong một ngôi nhà chung quân đội. Tôi đã được học hỏi rất nhiều điều và dần hoàn thiện bản thân hơn, bỏ được những tật xấu.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Tuấn Vũ.
Trước kia, mỗi khi làm việc gì, chỉ cần gặp một vài trở ngại là tôi có thể bỏ cuộc, nhưng vào quân đội, dù gặp bất cứ khó khăn nào cũng phải cố gắng vượt qua để nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không chỉ có tính kiên trì, tôi còn học được tính kỷ luật, tự lập và tự tin hòa nhập trong hoạt động tập thể. Khi còn ở nhà, do được cưng chiều nên tôi hay ỷ lại. Mọi việc từ nhỏ đến lớn đều do cha mẹ làm. Từ khi vào đơn vị, nhờ sự chỉ dẫn của cán bộ, chỉ huy tôi đã biết làm nhiều việc như giặt giũ, sắp xếp quần áo, mùng mền ngăn nắp, phẳng phiu; trồng rau, chăn nuôi...
Giờ đây, tôi đã được trang bị thêm nhiều kỹ năng sống, tự tin hoàn thành tốt công việc hiện tại của một cán bộ Đoàn ở địa phương. Sau giờ hành chính tôi còn tăng gia sản xuất thêm để tăng thêm thu nhập của gia đình. Tôi thật sự biết ơn và trân trọng môi trường quân ngũ đã nâng bước cuộc đời tôi.
THÚY AN (ghi)
Bà Nguyễn Thị Duyên, người dân Tổ 12, phường Quang Trung, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum:
Rất yên tâm về môi trường quân đội
Con trai tôi là Binh nhất Vân Đồng Duy, hiện đang công tác tại Tiểu đoàn Phòng hóa 78 (Bộ Tham mưu Quân khu 5). Tết Đinh Dậu 2017, gia đình tôi đến đơn vị thăm cháu. Dù đã nghe con kể nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng.
Bà Nguyễn Thị Duyên.
Điều cảm nhận đầu tiên tôi thấy rất ấn tượng là tình cảm đồng chí, đồng đội gần gũi, gắn bó chan hòa như anh em trong gia đình. Gặp cán bộ hay chiến sĩ, họ đều tay bắt mặt mừng hỏi thăm như gặp lại người thân sau bao ngày xa cách. Được đi tham quan doanh trại, tôi thấy toàn bộ khu vực ăn, ở, sinh hoạt đều được xây dựng chính quy, khang trang sạch, đẹp.
Khi lãnh đạo, chỉ huy đơn vị gặp gỡ, thông báo kết quả huấn luyện, rèn luyện của con trai, tôi thực sự rất vui mừng và phấn khởi. Là con út khi còn ở nhà, được gia đình chiều chuộng nên cháu chưa biết tự lập, thế nhưng nhập ngũ chưa được một năm, cháu đã tiến bộ, trưởng thành rõ rệt, tác phong chững chạc, khỏe mạnh và biết làm nhiều việc. Đúng là không đâu tốt bằng môi trường quân đội. Tôi rất yên tâm khi cháu được công tác ở đây.
CHUNG VĂN (ghi)
Trần Thị Quỳnh Nhi, sinh viên cơ sở 2, Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội:
Nơi nhiều bạn trẻ quê tôi mơ ước
Ngày ấy, tôi không nhớ mình phải thuyết phục mẹ bao nhiêu lần để có thể chọn môi trường quân đội để học tập, khởi nghiệp, thay vì đi học ngành sư phạm Văn như mẹ muốn. Những khó khăn ngày đầu mới vào trường khiến tôi có lúc nản chí, nhưng tôi đã vững bước vượt lên.
Trần Thị Quỳnh Nhi.
Tôi đã thực sự có một ngôi nhà thứ hai, được hòa mình vào tình đồng đội, được sống và học tập theo giờ giấc, kỷ cương của môi trường quân đội, từ việc ăn uống, mặc đồng phục... đều thực hiện theo chế độ, nền nếp. Lúc đầu chưa quen, cảm thấy hơi bị gò bó, nhưng càng ngày, chúng tôi càng thấy bản thân mình được hoàn thiện hơn, sống tốt hơn, nghiêm khắc với bản thân mình hơn.
Về quê ăn Tết với gia đình, ai cũng khen tôi trưởng thành, chín chắn. Người vui nhất chính là bố mẹ tôi. Khi mọi người hỏi tôi học trường nào, tôi trả lời với tất cả niềm vui và tự hào mình là "sinh viên" của trường quân đội. Đó là môi trường mơ ước của biết bao bạn trẻ quê tôi. Tôi tự nhủ cần phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa.
PHAN TÙNG SƠN (ghi)
Anh Nguyễn Công Bình, thanh niên xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An:
Tự hào trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”
Gia đình tôi có bố và anh trai đều từng là bộ đội, cho nên từ nhỏ tôi đã có một tình yêu đối với những người lính Bộ đội Cụ Hồ.
Anh Nguyễn Công Bình.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Vinh, vừa qua, tôi đã xung phong tình nguyện nhập ngũ và trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Tôi hiểu rằng, trong môi trường quân đội luôn đề cao tính kỷ luật và nền nếp, rèn luyện gian khổ nhưng đối với tôi đây là một vinh dự, tự hào khi hoàn thành nghĩa vụ của một công dân, một thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ với đất nước. Tôi mong rằng, được rèn luyện trong môi trường quân đội sẽ giúp tôi trưởng thành, tiến bộ, sống có ích cho gia đình và xã hội, góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
HOA LÊ (ghi)
(Theo Quân đội nhân dân online)