Học sinh “ngồi nhầm lớp” vẫn còn là vấn nạn!

(Dân trí) - Báo Dân trí ngày 1-12 đưa tin một học sinh 15 tuổi ở Tp Quy Nhơn – Bình Định, học đến lớp 7 mà không biết đọc và chỉ biết viết “thuộc lòng” tên mình và tên cha. Thông tin này làm cho nhiều người không hiểu sao có chuyện lạ như vậy.

Quá trình diễn biến

 

Thật ra, năm học 2006-2007, Bộ GD&ĐT phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, thì khi đó tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” đã trở thành một vấn nạn nhức nhối! Nhiều học sinh dù không đủ trình độ để tiếp nhận kiến thức của lớp đang theo học nhưng vẫn lên lớp đều, vẫn đậu tốt nghiệp THPT. Lúc đó, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT trên cả nước đều “đẹp như mơ” với xấp xỉ 100%. Không quá khó để nhận thấy, chính bệnh thành tích đã khiến cho chất lượng giáo dục

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

đại trà ở các bậc học phổ thông được “đẩy” lên. Cuộc vận động “hai không” ra đời, được dư luận ủng hộ và dành cho sự quan tâm đặc biệt. Trong năm đầu thực hiện, “hai không” đã phát huy hiệu quả và cả hệ quả không mong muốn khi những mảng tối trong chất lượng giáo dục phần nào được nhận diện. Hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” lại được nhắc tới như là một “phần chìm của tảng băng” về sự yếu kém của chất lượng giáo dục ở bậc học phổ thông. Rất nhiều học sinh không nằm trong số 66,7% thí sinh đậu tốt nghiệp THPT năm 2007 thuộc diện “ngồi nhầm lớp”.

 

Tiếc rằng, cuộc vận động “hai không” trong những năm học tiếp theo trầm lắng dần, hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” lại có cơ hội trỗi dậy. Sự việc học sinh trong bài viết “Mù chữ vẫn lên lớp 7” nêu trên đã không còn là “chuyện hiếm”. Độ vênh rất lớn trong kết quả của hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ vừa qua phần nào cho thấy điều đó khi có nhiều học sinh thi tốt nghiệp thì có điểm 9, điểm 10 nhưng đến khi thi ĐH, CĐ lại chỉ đạt 1-2 điểm cũng môn thi đó. Một khoảng cách khá lớn về mức độ “an toàn, nghiêm túc” giữa hai kỳ thi này đã được tạo ra. Cũng từ đây, “sự thật” về số học sinh “ngồi nhầm lớp” đã được làm sáng tỏ phần nào.

 

Tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” có thể gây ra rất nhiều hậu quả tiêu cực cả về trước mắt lẫn lâu dài. Việc học sinh “ngồi nhầm lớp” mà vẫn được đẩy lên lớp trên thì học sinh đó càng không tiếp thu được gì, còn làm ảnh hưởng xấu đến các bạn trong lớp, làm triệt tiểu dần ý chí phấn đấu, nỗ lực cố gắng chung của lớp, gây ra tình trạng khó xử đối với giáo viên.

 

Về lâu dài, những học sinh “ngồi nhầm lớp” ra trường trót lọt với tấm bằng tốt nghiệp THPT trên tay nhưng không có những kiến thức phổ thông cơ bản nhất khiến cho chất lượng nguồn nhân lực lao động bị giảm sút nghiêm trọng. Với những học sinh này, viễn cảnh về một tương lai mờ mịt do không thể có được một nghề nghiệp với một trình độ tương ứng để bước vào đời để lập thân, lập nghiệp. Và như vậy, việc “ngồi nhầm lớp” ngày hôm nay có thể sẽ là tiền đề dẫn tới tình trạng “ngồi nhầm chỗ” trong tương lai.

 

 

 

 

Học sinh “ngồi nhầm lớp” vẫn còn là vấn nạn! - 1

Thảo luận  nhóm theo phương pháp học tập mới

Nguyên nhân

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng đáng buồn này. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan là do năng lực tiếp thu kiến thức bị hạn chế của bản thân học sinh, còn có những nguyên nhân quan trọng khác từ phía nhà trường và gia đình. Về phía nhà trường, có thể nhận thấy chính căn bệnh thành tích đã khiến cho tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp không những không được khắc phục, chấm dứt triệt để mà còn có chiều hướng gia tăng, lan rộng. Quy chế, đánh giá, xếp loại học sinh đã ghi rõ: những học sinh không đạt yêu cầu về hai mặt hạnh kiểm và học lực thì phải lưu ban, thi lại hoặc rèn luyện thêm trong hè. Nhưng trên thực tế, không ít đơn vị trường học hiện nay còn “sợ” học sinh lưu ban nhiều vì những lẽ khác nhau: một phần vì lo số học sinh lưu ban sẽ bỏ học nhưng quan trọng hơn là sợ thành tích nhà trường bị ảnh hưởng, ngại bị dư luận đánh giá chất lượng giáo dục, giảng dạy của nhà trường “có vấn đề” nên mới có nhiều học sinh phải thi lại, lưu ban. Một căn nguyên khác dẫn tới hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” là áp lực bằng mọi cách phải thực hiện được chương trình phổ cập giáo dục. Không ít địa phương đã dề ra tiêu chí phổ cập giáo dục như là một điều kiện “cứng” để bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng và lấy thành tích báo cáo lên cấp trên. Áp lực phải hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục đè nặng đã khiến cho không ít hiệu trưởng “bật đèn xanh” cho giáo viên trường mình nâng điểm cho những học sinh có học lực dưới mức trung bình để làm “giảm thiểu” số học sinh phải lưu ban, thi lại.

 

Về phía gia đình, không ít phụ huynh khi biết năng lực học tập của con em mình còn hạn chế, thay vì phối hợp với nhà trường để phụ đạo, bổ sung, củng cố lại kiến thức lại tìm mọi cách để “xin điểm”, “chạy điểm” cho con. Họ quan niệm sai lầm rằng: nếu con em mình phải lưu ban thì vừa mất thời gian học lại vừa… tốn tiền đóng học, chỉ cần “gắng” cho hết lớp 12, “qua” được kỳ thi tốt nghiệp THPT là coi như… hoàn thành nhiệm vụ. Cách suy nghĩ sai lầm, tiêu cực và thiển cận này đã khiến cho các bậc phụ huynh vô tình trở thành “tòng phạm” dẫn tới tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.

 

Biện pháp khắc phục

 

Để từng bước khắc phục, tiến tới chấm dứt tình trạng đáng buồn này, trước hết cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cuộc vận động “hai không”. Bệnh thành tích cần chấm dứt đồng nghĩa với việc phân loại học lực của học sinh trung thực, chính xác. Chất lượng học tập của học sinh cần được đánh giá khách quan, thực chất, từ đó khôi phục động lực học tập của học sinh. Sau khi đã đánh giá thực chất và có được danh sách học sinh yếu kém, có thể đưa số học sinh này vào các lớp học phụ đạo nhằm bù đắp lại lượng kiến thức mà học sinh bị hổng.

 

Đối với giáo viên, cần không ngừng đổi mới phương pháp giáo dục, tăng cường đi sâu, đi sát từng đối tượng học sinh học lực yếu kém, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp cải thiiện tình hình đối với từng đối tượng cụ thể. Bởi trong số những nguyên nhân dẫn đến việc học sinh có học lực yếu kém có không ít nguyên nhân xuất phát từ những yếu tố khách quan tác động: hoàn cảnh gia đình, môi trường sống…

 

Chấm dứt tình trạng học sinh không đạt chuẩn lên lớp nếu chỉ từ phía thầy cô, nhà trường thực hiện thì chưa đủ. Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Tổ chức hội phụ huynh học sinh cần tích cực vào cuộc và đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tận gốc tình trạng này. Nên chăng cần có thường xuyên những cuộc họp, trao đổi, bàn bạc giữa ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh những học sinh có học lực yếu kém để có biện pháp phối hợp, theo dõi, đôn đốc, giúp học sinh tiến bộ.

 

Hiện tượng học sinh không đạt chuẩn lên lớp đã xuất hiện từ lâu, không thể một sớm một chiều mà giải quyết triệt để, cần phải có thời gian, lộ trình cụ thể. Mặc dầu vậy, đây là một hiện tượng nhức nhối và cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt. Hiện tượng học sinh bỏ học khiến dư luận hết sức lo lắng, tuy vậy không nên vì thế mà do dự trong việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “hai không”. Chỉ khi bệnh thành tích được ngăn chặn cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của ngành giáo dục, sự quyết tâm đồng lòng tất cả vì học sinh của từng cơ sở giáo dục, từng thầy giáo, cô giáo, sự quan tâm chăm lo của các bậc phụ huynh, tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” mới có hi vọng bị đẩy lùi.

 

Bùi Minh Tuấn

     (Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Tình trạng “học sinh ngồi nhầm lớp” thể hiện sự buông lỏng quản lý trong ngành giáo dục. Không thể vì lý do thành tích của lớp, của trường, hay vì chiếu cố học sinh mà cho lên lớp một cách gượng ép, không đúng tiêu chuẩn. Làm như vậy vừa có hại cho học sinh vì làm cho sức học ngày càng đuối, vừa gây khó khăn cho giáo viên và ảnh hưởng chung đến tiến độ học tập của lớp.

 

Trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đáng lưu ý nhất là “căn bệnh thành tích” vẫn chưa được khắc phục triệt để trong ngành giáo dục cũng như sự thiếu phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình ngay từ đầu năm học để có biện pháp cụ thể giúp những em học yếu phấn đấu vươn lên trình độ chung của lớp để đến cuối năm được lên lớp theo đúng tiêu chuẩn.

 

Đối với học sinh quá yếu kém không thể theo học lớp đang học thì cần đưa xuống lớp dưới phù hợp với trình độ. Đấy là việc làm cần thiết theo đúng kỷ cương của học đường để khắc phục tình “học sinh ngồi nhầm lớp” còn khá phổ biến hiện nay.