Học sinh cần được hướng dẫn văn hóa sử dụng mạng xã hội

Không gian mạng xã hội cung cấp một lượng khối lượng lớn thông tin cho người dùng mỗi ngày. Tuy vậy, người dùng cần tỉnh táo, nhận diện được thông tin thật, giả để tránh bị lôi kéo, dẫn dắt tới những biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi. Đặc biệt, với thế hệ trẻ khi tham gia mạng xã hội cần phải được hướng dẫn, định hướng về văn hoá ứng xử.

Học sinh cần được hướng dẫn văn hóa sử dụng mạng xã hội - 1

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội. Ảnh Q.H

Không gian mạng xã hội cung cấp một lượng khối lượng lớn thông tin cho người dùng mỗi ngày. Tuy vậy, người dùng cần tỉnh táo, nhận diện được thông tin thật, giả để tránh bị lôi kéo, dẫn dắt tới những biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi. Đặc biệt, với thế hệ trẻ khi tham gia mạng xã hội cần phải được hướng dẫn, định hướng về văn hoá ứng xử.

Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo

Thời gian qua, không ít thông tin xấu độc, tiêu cực xuất hiện trên mạng xã hội, kéo theo hàng trăm bình luận, chia sẻ. Xuất hiện những vụ việc lôi kéo bạo động, biểu tình hay kích động người tham gia mạng xã hội phản đối lại một chính sách đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Vào đầu tháng 6.2018, khi dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đang còn nhiều ý kiến khác nhau, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin kích động, kêu gọi tụ tập đông người chống phá lại một số công sở, đập phá một số nhà máy và gây ách tắc các tuyến đường giao thông tại một số khu vực ở TPHCM, Bình Thuận...

Bài viết: “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị xã hội ở Việt Nam” của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng có nêu: Cần chú trọng tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm khi tham gia các nền tảng truyền thông xã hội của mọi công dân. Giáo dục định hướng giá trị để người trẻ biết tránh khỏi các biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi; trang bị cho học sinh, sinh viên kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, cách thức chắt lọc, tiếp nhận thông tin.

Đại tá Phạm Trường Dân, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIII chia sẻ, để người trẻ, học sinh, sinh viên, biết chắt lọc, tiếp cận các thông tin trên mạng xã hội, tránh được các biểu hiện lệch lạc thì chính thầy cô giáo, gia đình và nhà trường phải là những người giáo dục định hướng về các vấn đề nóng đang được xã hội quan tâm.

Đại tá Dân lấy ví dụ, vừa qua nhiều em thấy bạn đánh nhau không những không khuyên can các bạn mà còn hò reo cổ vũ là không đúng. Việc dùng điện thoại ghi lại cảnh các bạn đánh nhau để đưa lên mạng xã hội lại càng sai… Cần nói rõ hậu quả của các em làm để từ đó các em ý thức được cần làm như thế nào khi tham gia mạng xã hội.

Nhà trường cần hướng dẫn văn hóa sử dụng mạng xã hội cho học sinh

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội cho rằng, với mỗi người dùng mạng xã hội trước hết cần phải có những kiến thức để nhận diện, phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả, tin độc hại, cần có sự “đề kháng” trước những thông tin tiêu cực.

“Đối với giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong các nhà trường, cơ sở giáo dục, các tổ chức đoàn, hội cần đưa ra hướng dẫn các em về văn hóa khi sử dụng mạng xã hội như thế nào. Thế hệ trẻ cần sử dụng mạng xã hội một cách thông minh và đừng quá mù quáng trước những thông tin phiến diện, hay vội vàng “ném đá”, bình phẩm... Khi tham gia mạng xã hội, chia sẻ hay bình luận điều gì đó phải hết sức thận trọng, cân nhắc, không dùng từ ngữ kích động… Chúng ta cần giáo dục học sinh tôn trọng người khác và tôn trọng cả những ý kiến khác biệt ngay cả trên môi trường mạng xã hội, môi trường Internet” - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm: Mỗi người dùng mạng xã hội cũng cần phải thể hiện trách nhiệm của mình. Các nhà cung cấp mạng cũng cần định danh người dùng để trong những trường hợp thông tin sai trái, thông tin gây ảnh hưởng tới người khác hay tác động tiêu cực tới cộng đồng cần phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, cần phải có bộ phận theo dõi và làm được việc này để người dùng mạng xã hội cần ý thức trách nhiệm cao hơn.

Theo Vương Trần - Xuân Hải

Báo Lao động