Ý kiến chuyên gia
Học dưới góc nhìn của khoa thần kinh
(Dân trí) - Não của trẻ là một cơ sở khởi đầu cần thiết đã sẳn sàng cho việc học. Cái cần thêm là làm sao trường học, giáo viên, phụ huynh, … góp phần vào để trẻ thực sự học. Giúp trẻ dùng khả năng của mình khám phá môi trường sống, hấp thụ những kiến thức căn bản để bươn chải trên đời, để sống với mọi người và để sống tốt.
Kỹ thuật máy quét bằng cộng hưởng từ (scanner par résonnance magnétique nucléaire) cho phép quan sát não trong quá trình học và giúp cho thấy những kiến thức trình bày ở đây.
Kiến trúc não bộ đã sẳn sàng từ lúc chào đời.
Kiến trúc có nghĩa là một nhà trống nhưng cột kèo, sân gạch, phòng ốc, … sẳn sàng hết. Tiếp đến, trẻ nào cũng có nhu cầu phát triển và nhu cầu đó là một động lực đẩy các cháu … học. Sẳn phương tiện hay công cụ, lại có nhu cầu, hai cấu thành căn bản của sự học, từ đó, tiếp cận với tri thức nằm trong quá trình bình thường của mọi trẻ. Và đại đa số trẻ có tiềm năng thành công trong việc học.
Một cách ví von, nhiều bà mẹ lo lắng khi con họ chậm mọc răng, bác sĩ sẽ sẽ cười và bảo “các bà đã gặp trẻ nào, lúc ba tuổi mà hoàn toàn lợi trơn miệng trống, không có răng chưa?” – Mỗi trẻ có thời dụng biểu riêng của cháu. Ta kiên nhẫn chờ thôi. Học nói, học đọc, học viết, trong một chừng mực nào đó cũng thế.
Kiến trúc não bộ đã có sẳn. Trừ trường hợp hiếm hoi (trẻ bị dị tật), trẻ nào cũng ra đời với hệ «cấu trúc và giao thông» não bộ (architecture reliée hay connected) sẳn sàng hoạt động. Có vùng cho tập đọc, có vùng cho học toán, học âm nhạc…
Đối với trẻ, học là được kích thích để lập các dây liên hoàn nối các tế bào não với nhau và đưa cấu trúc vào sinh hoạt.
Khả năng co giản, thích ứng, … của não bộ rất lớn.
Chẳng những đã có sẳn, hệ thống não bộ rất dễ thích ứng uyển chuyển như một loại đất sét, ta nhào nặng thế nào cũng được. Khả năng này giúp trẻ tiếp thu cái mới một cách thần kỳ, như một tờ giấy thấm. Não của trẻ là một bộ nhớ mà hiện chưa có máy tính nào có thể cạnh tranh được. Tiềm năng của não rất lớn, khai thác tốt thì bất cứ trẻ nào cũng có thể trở thành một khoa học gia uyên bác.
Về sau, càng lớn tuổi, khả năng thích ứng kém hơn nhưng vẫn hiện hữu. Chính vì thế mà ta sẽ nói về thời điểm.
Có những thời điểm thuận tiện
Trước đó thì chưa phải lúc, sau đó thì thành trể – thành ngữ của Pháp: Avant l’heure, ce n’est pas l’heure. Après l’heure, ce n’est plus l’heure –
Thí dụ về cái trể hùng hồn nhất là khả năng ngôn ngữ: nếu một đứa trẻ bị cô lập từ lúc mới chào đời tới năm 6 tuổi chẳng hạntrường hợp trẻ bị bỏ rơi hay bị nhốt trong tủ, được nuôi nhưng không liên hệ với xã hội, bé sẽ học nói rất khó khăn hay là sẽ không thể nói sau đó.
Ứng dụng phổ thông nhất mà ai cũng trải nghiệm là tuổi để học đọc và học viết. Thông thường ở các nước trên thế giới, tuổi để vào lớp 1 là 6 tuổi vì các nghiên cứu cho thấy là lúc ấy dạy trẻ đọc và viết dễ nhất, nhanh nhất. Trẻ lại đủ «chín chắn» về tâm lý và sức khoẻ, để chấp nhận kỷ luật, nhất là về giờ giấc, của trường tiểu học. Học sớm thì thường phải trả giá đắt hơn, gây áp lực cho trẻ.
Có những «vận tốc» thích hợp:
15 phút mỗi lần hay hơn là nhiều giờ liên tiếp. Sự chú ý của não bộ, kể cả não bộ của người lớn, không thể duy trì liên tục trong một thời gian dài. Ngày xưa thì ta bảo 20 phút, nhưng thật ra, các scan gần đây cho biết chính xác là sau 15 phút thì não cần … giải trí, nếu không thì cũng xao nhãng, không tiếp tục hấp thụ thêm, hay hấp thụ thêm với một kết quả thấp hơn.
Áp dụng điều này vào sư phạm thì các chuyên viên giáo dục gợi ý các giáo viên thay đổi sinh hoạt, ngừng bài giảng một vài phút, hay ít nhất, cho các bài giảng ở Đại học, thì đổi giọng nói, cho vào một câu khôi hài, cho một ảnh đèn chiếu «lạ» hay «có vấn đề» để «đánh thức» sự chú ý của cử tọa.
Khi ôn bài để chuẩn bị thi, học sinh sinh viên cũng nên chú ý đến «luật» này để tổ chức thời gian ôn bài thi của mình xen kẻ với những sinh hoạt tay chân hay giải trí.
Có những phương thức tốthơn, hữu hiệu hơn so với các phương thức khác.
Học, xong rồi đánh giá sự thu thập sau đó mới học tiếpcó kết quả hơn là tiếp tục một quá trình học không đánh giá.
Thật vậy, trả lời cho một cuộc đánh giá giúp người đi học «ôn» bài, được khuyến khích khi được «điểm» cao, thấy khó chịu khi đánh giá cho kết quả xấu – cái khó chịu này sẽ là động cơ để tiếp tục học.
Nhiều nghiên cứu cho thấy là nếu chỉ kiểm tra định kỳ hai tháng một lần thì kết quả tiếp thu kém hơn là cho kiểm tra mỗi 15 ngày ở trường tiểu học, chẳng hạn.
Vai trò của giấc ngủ trong việc học?
Trong lĩnh vực này, nhiều người đã đưa ra những lý thuyết đủ loại (nhưng thông thường là chưa được kiểm chứng), những kinh nghiệm có khi áp dụng được cho vài trường hợp (học sinh ngữ trong lúc ngủ chẳng hạn, cũng hoàn toàn không cơ sở khoa học).
Tựu chung, khoa học về giấc ngủ hiện thời cho thấy là giấc ngủ, trong trạng thái ngủ mơ – tức là nhiều nhất ở phần thứ nhì mỗi đêm, lúc gần sáng, khoảng 90 phút mỗi đêm – khoa học về giấc ngủ cho thấy là trong lúc ngủ ta không học thêm được nhưng khi ngủ mơ, ta thu xếp dọn dẹp các «kiến thức» tiếp thu trong ngày, các «trí nhớ»… Nhờ thu dọn như thế, ta loại bỏ được những cái rườm rà, những cái ngoại vi, không cần thiết để củng cố trí nhớ tập trung vào các cơ sở, có lô gích và có kiến trúc. Thế có nghĩa là ngủ đủ giờ cần cho việc học vì ngủ giúp củng cố trí nhớ, cũng cố các tiếp thu. Bác sĩ nào cũng khuyên là phải bảo vệ giấc ngủ của trẻ đang tuổi đi học.
Ứng dụng trực tiếp là đêm trước khi đi thi, ta không nên thức trắng để cố học những điều chưa nắm vững. Trái lại, phải ngủ đủ giấc để tránh trường hợp bị “cái lổ hổng đen” – le trou noir – làm ta quên hết những điều đã ôn tập.
Ngoài sự tiếp tay của thần kinh học, để cho sự học có kết quả tốt, ta cũng đừng quênvài nguyên tắc căn bản của tâm lý giáo dục học
.trẻ chỉ học những gì có ý nghĩa với chúng. Nếu bắt chúng học những điều khác mà chúng không hiểu hay không thích là … nhồi sọ chứ không còn là học. Chúng sẽ quên rất nhanh những kiến thức hấp thụ bởi cách này.
Có ý nghĩa khác với thực dụng. Một điều xa vời cũng có thể thành gần gũi với trẻ khi giáo viên biết minh họa.
.trẻ cần vào cuộc, thành diễn viên của chính sự học của mìnhchứ không thụ động nghe thầy. Những phương pháp sư phạm tích cực hiệu quả hơn là vì thế. Trẻ cần kiến trúc cái hiểu biết mà cháu phải hấp thụ, biết phá vở tổng thể để ghép trở lại theo tuần tự mà cháu nắm được, kiến trúc riêng của cháu.
.trẻ cần chú ý mới học đượcnhưng không phải chỉ ra lệnh là chú ý của trẻ sẽ được tập trung. Giáo viên cần dùng đủ loại «kế» sư phạm để động viên và làm cho trẻ chú ý đến bài học – xin nhắc lại chú ý có giới hạn là 15 phút mỗi lần.
.kiến thức đã hấp thụ cần được thực hành, bổ sung, nhắc lại thường xuyênđể làm chosự hấp thụ thành vững chắc– lập đi lập lại là phương thức giáo dục cổ điển nhưng chưa lỗi thời – bài tập ứng dụng, thí nghiệm, đi thực tiển, … là vài ba phương thức thường dùng.
Tạm kết luận
Não của trẻ là một cơ sở khởi đầu cần thiết đã sẳn sàng cho việc học. Cái cần thêm là làm sao trường học, giáo viên, phụ huynh, … góp phần vào để trẻ thực sự học. Giúp trẻ dùng khả năng của mình khám phá môi trường sống, hấp thụ những kiến thức căn bản để bươn chải trên đời, để sống với mọi người và để sống tốt.
Nguyễn Huỳnh Mai
Tham khảo
. Dehaene S., Les neurones de la lecture. NXB Odile Jacob, 2007.
. Dehaene S., La Bosse des maths. NXB Odile Jacob, 1997 (Giải Jean Rostand).
. Dehaene S., Apprendre à lire. NXB Odile Jacob, 2011.
Ông Stanilas Dehaene còn rất trẻ, sinh năm 1965, nhưng từ 1989 đã là giám đốc nghiên cứu ở INSERM, chuyên về Hình ảnh Não bộ của Tri thức. Ông cũng là giáo sư ở Collège de France, một học viện danh giá hơn cả các Đại học, ở Pháp.