Góc nhìn chuyên gia

Học để biết hay học để thi? Động cơ nội tại và động cơ từ bên ngoài

(Dân trí) - Một người thầy giỏi là một người biết khơi nguồn, tạo động cơ nội tại cho trò của mình và mời chúng vào cuộc, học một cách tích cực chứ không phải học để không bị khiển trách hay được điểm cao


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Học cần động cơ thúc đẩy.

Ở đây, ta có thể phân biệt động cơ thúc đẩy nội tại và động cơ thúc đẩy đến từ bên ngoài.

Để biết, để thỏa mản khát vọng làm chủ kiến thức, để thành người có tri thức, để sống tốt hơn và để hạnh phúc là những động cơ nội tại .

Trẻ con lên ba hay hỏi “tại sao”, tại sao mặt trời mọc, tại sao trời mưa, tại sao con bị bệnh, … là để thỏa mản nhu cầu “biết cho mình”, biết để sống, hoàn toàn không ẩn ý lợi lộc trong đó.

Y như thế, trẻ chơi để khám phá, để thử sức, để sáng tạo, ... và trẻ hạnh phúc với các trò chơi của mình.

Nếu trẻ đến trường vì hứng thú, vì ngày nào cũng được tiếp cận những tri thức chúng cần, ... thì đó chúng đầy những động cơ nội tại.

Trái lại, khi bị ràng buộc, như học để thi đậu, để được xếp hạng cao, để làm vừa lòng cha mẹ, để kiếm tiền, để thăng quan tiến chức – dĩ nhiên trong các tình huống này cá nhân người đi học cũng … được hưởng lợi, nhưng đó chỉ là những “lợi” gián tiếp. Cái động cơ trước mắt là để được “thưởng” hay “không bị phạt bởi xã hội”. Những động cơ này được gọi là động cơ đến từ bên ngoài.

Động cơ nội tại làm cho người đi học chú trọng tới nội dung, sẽ tìm kiếm để biết tận tường, sẽ nhớ lâu, sẽ tìm tòi đến ứng dụng và xa hơn nữa, phát triển trí sáng tạo chung quanh tri thức mới vừa tiếp cận… vì đó là chủ đích của mình, học cho cá nhân – cái đền bù nằm trong cá nhân như sự thỏa mãn, bằng lòng, niềm vui....

Trong khi động cơ bên ngoài làm cho người đi học tìm đủ mọi cách để đi đến cái đích là thi đậu, là được khen, là kiếm ra tiền... còn nội dung của tri thức chỉ là phương tiện. Ta có thể gọi một cách quá đáng rằng trong trường hợp đó, người đi học cốt “làm sao để đi qua ải”, đi qua xong thì không cần kiến thức nữa.

Thông thường, trong các thư viện dành cho nhi đồng, trẻ chọn sách một mình, cháu chọn một sách vì cháu tò mò khi đọc thấy tựa quyển sách hay thấy hình vẽ ngoài bìa, cháu muốn biết cốt truyện như thế nào. Khi đọc, cháu nhập vai với nhân vật trong sách, cháu mang hết hỉ nộ ái ố vào câu chuyện và cháu sẽ hạnh phúc với quyển sách. Đọc xong, cháu sẽ làm giàu thêm cho vốn ngôn từ của mình, có khả năng kể lại truyện ấy và thậm chí viết thêm đoạn kết theo tưởng tượng của cháu. Cuối cùng kết quả là lòng tự tin của cháu sẽ lớn hơn.

Thí dụ cụ thể này sơ lượt cho thấy tầm quan trọng của động cơ nội tại.Trái lại, ở trường hay ở Đại học, một số học sinh, sinh viên học để được điểm cao, có mảnh bằng để kiếm tiền, để đổi đời, ... Người đi học có thể thành người ứng phó tùy thời cơ chứ không thực lòng học hỏi.

Tương tự, những hình thức chấm điểm xếp hạng, thi cử, học sinh tiên tiến... cũng nhắm tạo động cơ thúc đẩy từ bên ngoài. Sự học hoàn tất đó nhưng kết quả thực thụ không bền vững. Ta bảo “có vỏ nhưng không có ruột”: nhiều chữ học xong, thi đậu và rồi trả lại thầy!

Trong một số trường hợp, một động cơ có thể vừa từ bên ngoài vừa nội tại – như làm một việc mà mình thích lại được xã hội nhìn nhận và khen thưởng. Các học sinh dự một cuộc thi Olympiade Toán là một thí dụ. Một nhạc sĩ tập luyện đàn trước khi biểu diễn cũng vậy.

Cần động cơ thúc đẩy, nội tại và từ bên ngoài, đến nổi tác giả Pierre Michel Menger đã chứng minh rằng thiên tài chỉ là người có động cơ nội tại lớn và đồng thời được đền bù xã hội cao.

https://huynhmai.org/2014/09/26/thien-tai-nang-khieu-va-kha-nang-sang-tao/

Một người thầy giỏi là một người biết khơi nguồn, tạo động cơ nội tại cho trò của mình và mời chúng vào cuộc, học một cách tích cực chứ không phải học để không bị khiển trách hay được điểm cao. Sau đó, biết khuyến khích nâng đỡ chúng trong những lúc gian nan… Ta gọi đó là đồng hành – đi cùng với trò. Rồi ngược lại, kết quả của trò sẽ là động cơ cho thầy.

Nguyễn Huỳnh Mai

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm