Hành vi nâng điểm cho thí sinh xử lý thế nào?

Hành vi nâng điểm cho thí sinh xử lý thế nào?


Quang cảnh buổi họp báo về điểm thi cao bất thường ở Hà Giang, chiều 17/7. (Ảnh: Báo Dân trí)

Quang cảnh buổi họp báo về điểm thi cao bất thường ở Hà Giang, chiều 17/7. (Ảnh: Báo Dân trí)

Chiều 17/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố thông tin về xử lý kết quả điểm thi bất thường tại Hà Giang. Đáng chú ý, với các bài thi trắc nghiệm, qua xác minh cho thấy có dấu hiệu nâng kết quả điểm thi của thí sinh. Kết quả chấm lại điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang cho thấy, có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm về kết quả thi THPT bất thường tại Hà Giang theo đúng quy định của pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, hành vi tự ý nâng kết quả điểm thi của thí sinh bị xử lý như thế nào? Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây là hành vi vô cùng nguy hiểm cho xã hội, gây mất niềm tin của nhân dân vào kì thi THPT quốc gia, do đó vụ việc cần phải bị xử lý hình sự để tránh tiền lệ xấu.

Qua xác minh ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy, ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh. Theo Luật sư Khương Tân Phương, hành vi nâng điểm thi cho 114 thí sinh trong khi chấm thi của ông Vũ Trọng Lương đã vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi cử của ngành giáo dục. Trường hợp này có thể bị khởi tố, xử lý hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015. Tùy tình tiết cụ thể sẽ có định khung khác nhau, nhưng nếu thuộc định khung cao nhất sẽ bị phạt lên đến 15 năm tù.

Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định ông Vũ Trọng Lương đã có động cơ tư lợi cá nhân, nhận tiền hoặc lợi ích vật chất để thực hiện việc sửa điểm thi thì sẽ phạm tội nhận hối lộ. Tội phạm và hình phạt được quy định cụ thể tại điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.


Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòngluật sư Thuận Nam, Đoàn luật sư TP Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Nam)

Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòngluật sư Thuận Nam, Đoàn luật sư TP Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Nam)

Ngoài ra, theo thông tin xác minh ban đầu của Tổ công tác rà soát kết quả thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang khẳng định, động cơ nâng điểm thi của thí sinh là không trong sáng. Nếu gia đình, phụ huynh đã có hành vi đưa tiền hoặc lợi ích vật chất cho ông Vũ Trọng Lương để nhằm mục đích sửa chữa làm sai lệch điểm thi thì sẽ có dấu hiệu tội đưa hối lộ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.

Trong vụ việc này có tình tiết thời gian chỉnh sửa các bài thi rất ngắn (được xác định là 6s/bài thi), và với số lượng hàng trăm bài thi được xử lý trong khoảng 2 giờ đồng hồ, theo Luật sư Khương Tân Phương đây là chuyện không tưởng với người bình thường. Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ xem trong vụ việc này có đồng phạm không? Nếu kết quả điều tra xác định có đồng phạm, thì hành vi nâng điểm được xem là hành vi có tổ chức. Trường hợp này sẽ phạm vào khoản 1, điểm a Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội phạm có tổ chức.

Trường hợp khác, nếu cơ quan chức năng xác minh có việc phụ huynh là cán bộ, lãnh đạo địa phương sử dụng quyền lực để gây áp lực, can thiệp vào việc sửa chữa nâng điểm cho thí sinh, thì việc này cũng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trong đó rõ nhất là vi phạm về điều lệ Đảng và các quy định khác về cán bộ, công chức, cũng cần phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Nhìn nhận chung về vụ việc, Luật sư Khương Tân Phương nhận xét: Vụ việc xảy ra ở Hà Giang là hồi chuông cảnh báo về tình trạng tiêu cực trong kỳ thi THPT và xét tuyển Đại học, nó sẽ làm mất đi niềm tin của nhân dân vào nền giáo dục nước nhà. Nó kéo theo hệ lụy là quyền lợi chính đáng của các thí sinh không những ở Hà Giang và trên địa bàn cả nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Do vậy, tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị chức năng chuyên môn cần kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm, theo quy định của pháp luật để đảm bảo kỷ cương, nghiêm túc trong công tác thi cử nói chung.

“Bàn câu chuyện ở Hà Giang, nếu tất cả các trường hợp được nâng điểm ở đây không được chúng ta phát hiện kịp thời, thì sẽ có rất nhiều thí sinh tốt nghiệp THPT và được xét tuyển vào các trường Đại học mà nhiều thí sinh phải có năng lực thật sự và đạt điểm cao mới vào được. Điều đó sẽ gây ra hệ quả khó lường cho xã hội trong tương lai.” - Luật sư Khương Tân Phương nhấn mạnh./.

Theo Tuấn Nam

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam