Bạn đọc viết

Giáo viên dạy thêm, vì sao lại cấm?

Vấn đề dạy thêm, học thêm đang tạo hai nhóm ý kiến tranh luận trong xã hội: (1) nhóm duy ý chí cho rằng phải “kỷ cương” của ngành “cao quý” và (2) nhóm thực tế theo kinh tế thị trường cho rằng có thực mới vực được đạo. Để rộng đường dư luận,Tòa soạn giới thiệu ý kiến riêng của TS.BS Trần Bá Thoại, giảng viên lâu năm ngành y, về vấn đề này…

>> Khó thực hiện việc cấm dạy thêm, học thêm

Trong ngành y tế

Trước thập niên 90 của thế kỷ trước, từ Bộ xuống Sở và các Bệnh viện, đâu đâu cũng lên án y tế tư nhân. Cả nước không có một bệnh viện tư.

Thời đó, ở bệnh viện tôi, vị giám đốc cho treo một câu khẩu hiệu to tướng trong phòng giao ban “THƯƠNG YÊU BỆNH NHÂN HẾT LÒNG = KHÔNG LÀM TƯ” và ông còn liên hệ với Công an khu vực và Quản lý thị trường đến nhà các bác sĩ để kiểm tra, phạt, cảnh cáo và tịch thu phương tiện thăm khám. Chính bản thân tôi cũng bị tịch thu ống nghe, kẹp nhiệt, đèn soi họng, máy đo huyết áp… Nhưng sau năm 1990, vì là bác sĩ đầu tiên ở Đà Nẵng “khai trương” một phòng khám với đủ bộ Siêu âm. X quang, Xét nghiệm… nên tôi lại được khen “vì nhân dân phục vụ” !!!

TS.BS Trần Bá Thoại
TS.BS Trần Bá Thoại

Mọi sự việc đều có hai mặt tốt, xấu. Nhà quản lý đúng nghĩa cần tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên được học tập, lao động một cách tốt nhất và phải kiểm soát chặt chẽ những kiểu dạy thêm và học thêm biến tướng, mất tiền bạc của phụ huynh, học sinh. Những động thái “quản không được thì cấm” sẽ không thể được chấp nhận trong xã hội văn minh hiện đại.

Ngành giáo dục

Trước nay có quá nhiều địa phương, quan chức lên “quan điểm” cần cấm, xóa dạy thêm, coi thầy cô dạy thêm như là loại người xấu xa, tham tiền, phạm pháp…. Nhưng trong thời đó, anh tôi một giáo viên dạy toán nổi danh thường được các quan đầu tỉnh, thành phố yêu cầu dạy kèm, dạy luyện thi cho con họ !!!

TP.Hồ Chí Minh mới đây đã ra yêu cầu dứt khoát phải xóa được nạn dạy thêm và học thêm ở trường vào đầu năm học tới. Đối với những học sinh sức học yếu, hay bồi dưỡng học sinh giỏi thì được phép tổ chức, nhưng phải hoàn toàn miễn phí, không được phép thu tiền của học sinh. Còn học sinh, giáo viên muốn học thêm và dạy thêm thì đến các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, trung tâm ngoại ngữ có sẵn các lớp học ở đó.

Đôi điều bàn luận

Việc học thêm dạy thêm xuất phát từ nhu cầu có thật của cả học sinh lẫn phụ huynh hay nói chung là của xã hội:

Những em học thêm phần lớn là những em ham học và học giỏi. Các em này muốn ôn thêm để thi đậu các chứng chỉ hay đại học và không muốn học chung, học đại trà ở các trung tâm.

Giáo viên, kể cả những vị thâm niên đứng lớp hay những một chuyên viên ngành giáo dục, đều có mức lương thấp, “không đủ sống”. Họ sẽ làm gì để bù đắp cuộc sống nếu không làm thêm đúng với chuyên môn của mình là dạy học? Và chính nhờ có nguồn lực từ dạy thêm giáo viên mới có thể bám trụ nổi và “nuôi” lòng yêu nghề. Nên chăng, những giáo viên đóng cửa lớp dạy thêm tại nhà và đi làm những nghề “tay trái” như chạy xe ôm, gia công may mặc, mỹ nghệ, trồng rau… ?

Nghề giáo, xét cho cùng thì cũng là một nghề để kiếm tiền sinh sống, khi những ngành nghề khác có thể làm thêm thì lý do gì lại cấm thầy cô giáo dạy thêm bằng sức lực của mình. Tư duy “định hướng xã hội”, “đứng về phía người nghèo”, “hô hào miễn phí” đều khó thuyết phục được ai !!!

Nói chung, xã hội đã có phân công: giáo viên dạy học, bác sĩ chữa bệnh, nông dân trồng trọt.. Nếu cứ làm tự túc tự cấp, duy ý chí, lạc hậu như hồi bao cấp chắc chắn sẽ không tiến bộ nổi !!! Hiến pháp quy định con người có quyền sống, làm việc, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Mọi công dân đều được phép làm những việc mà luật không cấm. Do đó, y tế tư nhân và dạy thêm học thêm về nguyên lý là được phép không vi phạm luật pháp gì.

Mọi sự việc đều có hai mặt tốt, xấu. Nhà quản lý đúng nghĩa cần tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên được học tập, lao động một cách tốt nhất và phải kiểm soát chặt chẽ những kiểu dạy thêm và học thêm biến tướng, mất tiền bạc của phụ huynh, học sinh. Những động thái “quản không được thì cấm” sẽ không thể được chấp nhận trong xã hội văn minh hiện đại.

TS.BS Trần Bá Thoại