Giáng sinh an lành và nhàn tản với ba “Fa” Việt ở Ostrava
(Dân trí) - Lễ Giáng sinh năm nay đến trong mưa phùn và những bông tuyết trắng xốp bay bay nhè nhẹ... Sau mùa Vọng, sau 4 chúa nhật, thắp 4 ngọn nến: “Hy vọng”, “Tin tưởng”, “Niềm vui” và “Tình yêu”! Thu nhập ít hơn nhưng 3 "Fa" Việt chúng tôi được dịp nhàn tản hơn.
Lễ Giáng Sinh và truyền thống (Vánoční zvyky a tradice): Giáng sinh ở Séc được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 24 đến 26/12. Trước lễ Giáng sinh theo quan niệm của Kitô giáo là thời gian 4 tuần trước ngày Chúa ra đời (hay còn gọi là Mùa Vọng). Đêm Giáng sinh 24/12, theo truyền thống cả gia đình sẽ cùng thưởng thức các món đặc trưng gồm: súp cá, salát khoai tây và cá chép. Buổi tối trước đêm Giáng sinh thường có những truyền thống dân gian như: rót chì, thả vỏ óc chó, ném giày, cắt táo… Khi cắt ngang quả táo làm 2 nửa, người ta sẽ nhìn vào lõi táo để đoán. Nếu lõi hình ngôi sao có nghĩa người đó sẽ khỏe mạnh, còn nếu hiện hình hai đường chéo có nghĩa người đó sẽ gặp khó khăn. Tục ném giày chỉ dành cho các cô gái chưa chồng. Vào đêm Giáng sinh, cô gái sẽ ném một chiếc giầy qua vai. Nếu mũi giầy chỉ vào cô có nghĩa năm đó cô sẽ lấy chồng. Người ta rót chì vào một cái thùng đựng nước lạnh, dựa theo hình của nó người Séc dự đoán những gì xảy ra vào năm sau. |
Đầu tháng 12, tôi gội mưa hái nắm cành Hoa mưa (Zlatédest) theo truyền thống, hi vọng sau Giao thừa (Tết Tây) sẽ nở bung những cánh vàng nhỏ xinh như hoa Mai quê nhà. Giáng sinh rồi mới chỉ thấy ươm đầy nụ mập mạp, lại thấy hồi hộp chẳng khác nào các cô gái Séc dịp này thường hái lộc chờ hoa bói tình duyên năm mới... (Theo tục lệ cắt cành anh đào vào ngày 4/12, chờ đón sẽ nở hoa vào dịp Giáng sinh và tượng trưng cho sự ra đời của Chúa. Còn đối với các cô gái nó mang ý nghĩa sẽ là một đám cưới sớm trong năm).
Sau một năm vất vả mưu sinh, buồn vui gì thì vài gia đình Việt chúng tôi ở khu chung cư này tại Ostrava cũng tụ tập "chém gió" bên li rượu vang đỏ sóng sánh, lung linh dưới ánh đèn trông cũng rất chi là... huyền ảo. Cùng ngắm cành thông xanh treo đầy những gói quà sặc sỡ, nhấp nhánh ánh đèn phản chiếu lên nào dây trang kim, nào những chùm bóng đủ màu sắc.
Lần đầu tiên sau bao năm ngày 23/12 trước Giáng sinh lại rơi đúng vào Chủ nhật. Cánh buôn bán nhỏ người Việt chúng tôi ai cũng xuýt xoa vì thiệt hại mất thu nhập 2 nửa ngày cuối tuần, trong cái năm khủng hoảng xiết hầu bao lớp dân Séc thu nhập thấp vốn là đối tượng phục vụ của người Việt. Đó là 2 ngày khách mua hàng cao điểm (tất cả siêu thị xếp hàng rồng rắn vì salle off, mà chúng tôi lại phải nghỉ chỉ vì thói của quen dân Séc là không đến chợ vào ngày nghỉ qui định).
Đã nghỉ ở nhà thì dịp cuối năm đón Tết (Tây) y như rằng cánh đàn ông chúng tôi lại phải lo dọn dẹp, quét vôi, lau mạng nhện, treo tranh Đông Hồ dù ở đây tuần nào chẳng lau sàn gỗ. Nhất là phòng Trẻ (của các con) luôn bừa bãi kinh khủng (Mẹ cháu thường than vãn như vậy)…
Chạnh lòng nhớ nửa đêm năm 1972 còn ở Hà Nội, thời chiến mà dân tình vẫn háo hức rủ nhau tới nhà thờ chiêm ngưỡng khung cảnh Chúa ra Đời trong Máng Cỏ. Đa số chỉ có thể dự Lễ... Vọng từ ngoài đường phố vào, nhưng trước cửa Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Hàm Long, Cửa Bắc vẫn chật cứng những người là người.
Hồng Anh (từ Ostrava)