Giải pháp nào cho kinh tế Việt Nam?

(Dân trí) - Cái "bất thường" mà tác giả đề cập trong bài viết lại cho thấy cái "bình thường" của kinh tế Việt Nam. "Bình thường" là vì chúng ta đã định sai bệnh, cho sai thuốc và kết quả đang diễn ra theo đúng quy luật của nó.

Lạm phát của Việt Nam không phải do chính sách tài khóa và tiền tệ gây ra.
 

Để dễ hiểu, chúng ta thử tự hỏi 2 điều: Tại sao kinh tế Mỹ trì trệ thì nhà nước mạnh tay với chi tiêu chính phủ, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng. Còn chúng ta thì làm ngược lại? Tại sao giá cả thế giới tăng chỉ làm các quốc gia lành mạnh lạm phát vài phần trăm, còn ở Việt Nam là gần hai chục phần trăm?

 

Trả lời cho 2 điều trên và cho cả lạm phát của Việt Nam là ở giá trị dồng tiền. Nước ngoài đầu tư công là để mang lại việc làm và trên hết là tạo ra giá trị xã hội cao hơn giá trị đầu tư.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Ví dụ khi nhà nước làm đường là để lưu thông hàng hóa thuận lợi. Từ đó giảm chi phí lưu thông và hao hụt hàng hóa... giảm giá thành và  tăng việc làm trong ngắn hạn. Chi phí đầu tư được lấy lại bằng chính lợi ích xã hội và từ số thuế thu được cao hơn nhờ kinh tế phát triển.

Còn ở Việt Nam, con đường cao tốc làm ra không mang lại giá trị xã hội mà ngược lại còn làm chi phí lưu thông tăng cao. Chưa kể việc xây dựng ở Việt Nam thất thoát nặng nề tạo ra dòng tiền thừa, thiếu giá trị tuôn ra nền kinh tế gây lạm phát. Con đường cao tốc của Việt Nam sử dụng chưa tới 2 năm đã hỏng. Và rất nhiều con đường ở Việt Nam thậm chí hỏng... trước cả khi thông xe!
 

Sau khi trừ vài phần trăm do giá cả thế giới tăng, thì gần hai chục phần trăm còn lại của lạm phát Việt Nam là do dòng tiền không đủ giá trị. Vì vậy chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam thắt chặt thì cũng giống như đang cụt chân mà đi siết garo ở... cổ. Kết quả là máu chảy có giảm vì cả cơ thể đang chết dần.

 

Trước khi nói về dòng tiền không đủ giá trị ở Việt Nam, ta nên nói bản chất của chính sách tài khóa và tiền tệ. Cả hai nguồn này chẳng qua là 2 nguồn cung tiền vào lưu thông. Chi tiêu chính phủ và cho vay là 2 nguồn bơm tiền chính vào nền kinh tế nên nhắc tới lạm phát, dư tiền thì ai cũng nghĩ ngay đến 2 nguồn này. Nhưng nên hiểu bản chất rằng: Giá trị của tiền mang lại hay hiệu quả sử dụng tiền mới và cốt lõi vấn đề.

 

Nên chuyện ở Mỹ tăng chi tiêu công và Việt Nam thắt chặt chi tiêu công đều đúng. Vì Mỹ chi tiêu công làm tăng giá trị của tiền, còn Việt Nam cần thắt chặt vì nó gắn với sự thất thoát quá lớn. Phương Tây hạ lãi suất còn 0% để kích thích kinh tế phát triển, nhưng ở Việt Nam mà làm thế là tai họa. Lý do cũng ở hiệu quả sử dụng tiền.
 
Nói thêm về giá trị đồng tiền thì có thể hiểu là nó gắn với chi phí tạo ra và lợi ích nó mang lại. Ví dụ tôi mất 2 giờ để có 1 kg lúa và bạn mất 1 giờ để có 1 mét vải, thì giá trị trao đổi là 1 kg lúa đổi 2 mét vải (bỏ qua mọi yếu tố chi phí khác để dể hình dung bản chất của trao đổi giá trị). Vì vậy khi bỗng nhiên tôi được mùa thì giá lúa sẽ giảm, nghĩa là tôi sẽ đổi được vải ít hơn. Đơn giản vì tôi vẫn tốn chi phí như cũ, nhưng nhờ được mùa nên sản phẩm nhiều hơn nên giá trị quy đổi phải giảm mới công bằng.
 
Giải pháp nào cho kinh tế Việt Nam?
Lạm phát đang là mối lo ngại của toàn xã hội
 

Đến đây chúng ta đã hiểu tại sao nơi nào vừa được bồi thường đất đai thì giá cả tăng vọt. Vì tiền đó đột nhiên mà có, nó không gắn chặt chẽ với chi phí tạo ra tiền. Như vậy chúng ta cũng dễ hiểu tại sao nhà nước tăng lương thì giá cả tăng theo. Đó là quy luật cân bằng giá trị quy đổi. Năng suất lao động mới làm giá trị đồng tiền tăng lên chứ không phải tăng lương hàng loạt là giải quyết được.

 

Ví dụ năng suất trồng lúa cao lên, nghĩa là cùng với chi phí cũ nhưng thu hoạch được nhiều hơn thì giá lúa sẽ giảm mà nông dân vẫn vui. Vì thực chất nông dân vẫn lời và người mua gạo ăn cũng được giá rẻ.

 

Trở lại chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam. Việc cho vay hiệu quả sẽ cung cấp vốn cho sản xuất, hàng hóa nhiều hơn, cạnh tranh sẽ làm cho hàng hóa rẻ hơn và tốt hơn. Không cho vay thì chúng ta đã bóp chết lực lượng cung ứng hàng hóa lành mạnh cho thị trường.

 

Nhưng còn những nơi được vay mà làm ăn không hiệu quả có chết không? E rằng là không vì chúng chính là các tập đoàn, công ty nhà nước của Việt Nam luôn được ưu tiên cho vay tiền và hầu như chẳng bao giờ giám sát hiệu quả sử dụng tiền.

 

Chúng ta còn nhớ chính sách ưu đãi vốn vay của nhà nước, hỗ trợ lãi suất vừa rồi ai là người tiếp cận được? Chỉ có phần đông các tập đoàn kinh tế nhà nước, còn tư nhân và những công ty đáng lẽ được tiếp sức lại không nhận được. Chẳng những thế nó còn tạo cơ chế xin cho và phát sinh 1 dòng tiền "đặc biệt" để bôi trơn và đương nhiên vô giá trị với xã hội.

 

Còn việc thắt chặt chi tiêu chính phủ thì lại bóp chết trước các khoản đầu tư nghiên cứu khoa học kỹ thuật, chi phí hỗ trợ và các chương trình nâng cao năng suất lao động. Chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu hàng hóa, kích cầu. Các chính sách đầu tư phát triển và thu hút du lịch cũng chết theo.

 

Còn các chi tiêu không đủ giá trị có hết không? Cũng e rằng không giảm bao nhiêu vì các chi tiêu đó hoặc nằm ngoài sổ sách, không công khai, minh bạch hoặc nó được ngụy trang khéo léo dưới dạng các chi tiêu cần thiết.

 

Như vậy rõ ràng thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam đã đánh sai mục đích. Chẳng những không giải quyết được bao nhiêu chuyện dư tiền mà còn làm mất đi tổng giá trị mà tiền đại diện. Nghĩa là chẳng những không làm tiền ít lại, mà làm cho tổng hàng hóa giảm đi. Hiện tượng chỉ số CPI hay giá cả có giảm chẳng qua là người dân không tiêu xài nữa nên ế hàng phải rớt giá. Trong khi chi phí sản xuất không giảm, năng suất lao động không tăng, hiệu quả sản xuất không tăng mà lại không bán được, buộc lòng phải giảm giá bán tháo thu hồi vốn thì sẽ thua lỗ, không đủ tái đầu tư phát triển sản xuất, thậm chí phá sản. Đó là thảm họa kinh tế mà chúng ta đang thấy có dấu hiệu rồi.

 

Như vậy cái gốc vấn đề lạm phát và giải pháp cho nền kinh tế Việt Nam là làm tăng giá trị đồng tiền. Trước mắt chí ít cũng phải làm giảm lượng tiền không đủ giá trị trong nền kinh tế. Dòng tiền đó có nguồn gốc từ sử dụng tiền không hiệu quả như thất thoát xây dựng, tham nhũng, lãng phí của tập đoàn nhà nước và chi tiêu chính phủ.

 

Còn việc chỉ mặt các đồng tiền đó để chữa trị thì xin nhường lại cho các chuyên gia và các cấp lãnh đạo có trách nhiệm và có đủ thẩm quyền nghiên cứu, phân tích chi tiết cụ thể hơn và đề ra biện pháp hành động.

 

Để hình dung mức độ "không đủ giá trị" này, tôi xin đưa 1 ví dụ và các bạn sẽ dễ dàng tìm thêm các ví dụ khác để phân tích tìm ra tiền chưa đủ giá trị. Giá xăng ở Mỹ đang khoảng 1 USD/lít. Tại sao Mỹ có được mức giá đó trong khi Mỹ phải nhập khẩu xăng dầu và các chi phí cấu thành giá thành của Mỹ rất cao so với Việt Nam? Việt Nam tự hào chi phí rẻ, tự khai thác và thậm chí khai thác dầu mỏ là chủ lực xuất khẩu sao lại có giá xăng 23.000đ/lít mà ai đó nói đúng ra phải tăng thêm 6.000đ/lít mới là tính đúng, tính đủ? Cụ thể hơn nữa là chúng ta khai thác lên đem “nhờ” người ta chế biến rồi mua lại mà còn mắc hơn cả người khác mua trọn gói không khai thác à?

 

Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải thành thật với nhau và nhìn thẳng vào vấn đề. Xã hội có quy luật của nó và không có gì là bất thường cả. Phải chỉ rõ nguyên nhân và giải quyết triệt để thì mới mong Việt Nam lấy lại vị trí cường quốc kinh tế, quân sự trong khu vực như tổ tiên đã làm được.

 

                                                                           Nam Việt

 

LTS Dân trí-Theo sự phân tích của tác giả bài viết trên đây, mấu chốt của việc chống lạm phát ở nước ta chính là việc nâng cao hiệu quả sử dụng đồng tiền, nhất là chống thất thoát do tham nhũng trong quá trình đầu tư. Tức là phải hạn chế tối đa “dòng tiền không giá trị” hay không làm nên giá trị trôi nổi trên thị trường bằng nhiều hình thức, kể cả “rửa tiền” của những “đại gia” buôn gian bán lận và những quan chức tham nhũng.

 

Những chi tiêu công cũng như dòng tiền đầu tư nào mà xưa nay không đem lại hiệu quả hoặc đạt hiệu quả thường rất thấp, chỉ tạo điều kiện “đục nước béo cò” cho những kẻ tham nhũng, thì phải kiên quyết ngăn chặn. Nhưng ngược lại, cần chi tiêu công mạnh hơn và đầu tư nhiều hơn cho những công việc gì, cho những khu vực kinh tế nào chắc chắn đem lại hiệu quả hoặc ít bị thất thoát nhất. Đấy mới đích thực là biện pháp chủ động chống lạm phát có hiệu quả.

 

Phải chăng đấy cũng là lời giải bài toán điều hành kinh tế ở cấp vĩ mô? Diễn đàn Dân trí mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp về chủ đề này.