Giá trị đạo đức của đồng tiền
Chưa bao giờ bằng lúc này giới tỉ phú thế giới nhận thức rõ “giá trị đạo đức” của đồng tiền. Nói cách khác, họ biết sử dụng tiền một cách có đạo đức, có tâm hồn, thông qua hành động từ thiện hơn là chăm bẵm vun vén cho cá nhân hay phô trương khoe của.
Có lẽ không ít “thiếu gia” đốt tiền như rác hoặc những kẻ giàu xổi tổ chức đám cưới đình đám chẳng biết Azim Premji hoặc John Caudwell là ai nhưng cỡ như Azim Premji thì ông chẳng hợm mình khoe của bằng cách mua Rolls Royce hay sắm chuyên cơ! Vị tỉ phú Ấn Độ này (chủ Công ty Wipro) với gia sản 15,9 tỉ USD yêu cầu dùng đĩa giấy để đỡ bày biện tốn kém trong tiệc cưới cậu ấm Rishad cách đây vài năm…
Sự tử tế của đồng tiền mồ hôi nước mắt
Còn nữa. Có lẽ chẳng ai mà không biết tập đoàn bán lẻ Wal-Mart của nhà Walton. Là thành viên gia đình giàu nhất nước Mỹ với gia sản cá nhân 21,1 tỉ USD nhưng Jim C. Walton, tương tự bà chị ruột tỉ phú Alice, cũng thích sử dụng xe tải nhỏ thuộc hàng “siêu bình dân” hơn là những chiếc thể thao bóng lộn. Hiện Jim lái một chiếc Dodge Dakota 15 năm tuổi. Còn nhiều gương mặt nữa ít được biết hơn. Chuck Feeney (Mỹ) chẳng hạn. 80 tuổi, nổi tiếng làm từ thiện, Feeney với gia sản 4 tỉ USD luôn mua quần áo giảm giá, dùng bao nilon đựng giấy má đi làm thay vì cặp da (!), sắm kính ở tiệm thuốc tây hơn là tại các cửa hàng mắt kính hàng hiệu, đeo đồng hồ nhựa rẻ bèo 15USD và tất nhiên chẳng bao giờ màng đến việc đi máy bay hạng ghế cao cấp.
Từng kiếm sống bằng nghề bán rượu miễn thuế (thành lập Công ty Duty Free Shoppers Group), Feeney tích cóp để lập tổ chức từ thiện Atlantic Philanthropies. Tính từ năm 1982 đến nay, Feeney đã âm thầm trao hơn 4 tỉ USD trích từ tài sản mình, với vô số dự án trong đó có chương trình tài trợ bệnh xá AIDS ở châu Phi, nghiên cứu ung thư tại Australia, chỉnh hình biến dạng mặt trẻ em tại Philippines hoặc chương trình giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em Việt Nam (Atlantic Philanthropies chính là nơi tài trợ một dự án xử lý nước sạch ở Đà Nẵng). Có thể nói Feeney là một trong những tỉ phú hiếm hoi hiểu rõ mục đích của việc làm từ thiện, thiết thực và cụ thể, một cách âm thầm không ồn ào. Ông chẳng cần báo chí nhắc đến và cũng chẳng cần đánh bóng tên tuổi thông qua các buổi “đấu giá từ thiện”!
Tính đạo đức của đồng tiền
“Giàu sẽ là một cái tội nếu sự giàu có đó không màng đến sự túng khổ của những người xung quanh” |
Có thể nói, chưa bao giờ bằng lúc này giới tỉ phú thế giới nhận thức rõ “giá trị đạo đức” của đồng tiền. Nói cách khác, họ biết sử dụng tiền một cách có đạo đức, có tâm hồn, thông qua hành động từ thiện hơn là chăm bẵm vun vén cho cá nhân hay phô trương khoe của. Đơn cử Bill Gates. Vị tỉ phú từng ở ngôi vị giàu nhất thế giới với tài sản 59 tỉ USD này từng tuyên bố chỉ để lại khoảng 10 triệu USD cho mỗi đứa con của mình. Chẳng phải tự nhiên mà một nhóm “thiếu gia” nhà tỉ phú châu Âu đã đến London hạ tuần tháng 6/2008 để được Citibank dạy cách xài tiền một cách hữu dụng, cho họ và cho xã hội.
Tuy nhiên, cái gọi là “văn hóa thượng lưu” vẫn còn nằm tít ở chân trời xa xăm đối với Trung Quốc. Như nhiều người thường nói, có tiền chưa chắc thể hiện đẳng cấp văn minh. Điều này chính xác tuyệt đối tại Trung Quốc thời điểm hiện tại. Thử nghe ý kiến Tiến sĩ Cát Thần Hồng (khoa Triết, Đại học Nhân Dân Trung Quốc) để có thể thấy sự có tiền không phải luôn tương đồng với văn minh. Bà Giáo sư Cát nói: “Ăn uống cho phải phép cũng là một vấn đề lớn. Dân Trung Quốc có thói quen húp xì xụp, không hề biết định nghĩa cái khăn lót là gì, nhổ xương toèn toẹt lên bàn hoặc xuống sàn. Cách đây 20 năm thì không sao nhưng bây giờ thấy kỳ lắm. Trung Quốc đang trên đường hội nhập, trong đó có hội nhập văn hóa. Trung Quốc hiện thời đã giàu hơn nhưng không ít người Trung Quốc chưa có thời gian hấp thu lối sống văn minh mới”.
Con người ai cũng vậy, cũng có những nhu cầu tối thiểu ăn uống, giải trí và sự chọn lựa cách sống. Tuy nhiên, như “tỉ phú nghèo” Azim Premji từng nói, cách chọn lựa sẽ cho thấy con người chúng ta như thế nào cũng như giá trị của từng cá nhân. Cách sử dụng tiền tất nhiên cũng cho thấy giá trị đạo đức con người, đặc biệt khi cá thể đó sống trong một môi trường mà đại đa số cộng đồng còn nghèo và vẫn phải nhặt từng xu từ công sức lao động để góp phần vun vén cho… gia sản nhà giàu. Giàu sẽ là một cái tội nếu sự giàu có đó không màng đến sự túng khổ của những người xung quanh. Đó hẳn là lý do tại sao ngày càng có nhiều nhà tư bản tử tế sống với mục đích từ thiện và hoạt động từ thiện đang là một xu hướng toàn cầu.
Ngay cả tỉ phú Mexico Carlos Slim Helú, người từng “nhạo” Warren Buffett và Bill Gates khi gọi họ là những người “đi rong với túi quà trên lưng như ông già Noel”, cũng chẳng khước từ công tác từ thiện. Năm 2007, Helú tặng số tiền tương đương vài chục chiếc Rolls-Royce (100 triệu USD) cho tổ chức từ thiện thuộc cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và tuyên bố dành 7 tỉ USD tiền mặt lẫn cổ phiếu tài trợ cho giáo dục và y tế tại Mexico. Tương tự, hẳn tỉ phú Ấn Độ Anjil Agarwal có quyền tậu một “xa đoàn” cả trăm chiếc Ferrari hay Audi hoặc thậm chí một phi đoàn chuyên cơ nếu muốn, nhưng ông đã dùng 1 tỉ USD trong tài sản 3,8 tỉ USD của mình để dựng một trung tâm đào tạo – nghiên cứu đẳng cấp thế giới cho riêng Ấn Độ nhằm cạnh tranh với những tên tuổi khổng lồ Stanford, Harvard hoặc Oxford…
Hồi học tiểu học tại New Jersey, Jordan Roth gần như không biết gia đình mình giàu như thế nào, dù từng mơ hồ hình dung về sự giàu có của bố, khi vào năm 6 tuổi, có lần một cậu bạn mở quà sinh nhật nhận được từ Jordan Roth đã thốt lên: “Trời, tớ cứ tưởng mình sẽ được tặng món quà lớn hơn cơ chứ! Nhà của cậu giàu thế kia mà!”. Bố của Jordan là Steven Roth, Tổng giám đốc điều hành Vornado Realty Trust, người được chuyên san Forbes đánh giá có tài sản trị giá 1,6 tỉ USD; và mẹ – Daryl – là nhân vật từng sản xuất 5 vở kịch đoạt giải Pulitzer và thậm chí có một nhà hát mang tên mình. Hiện thời, Jordan Roth là Phó chủ tịch chuỗi nhà hát Jujamcyn Theaters. Thuật lại vài chi tiết trên, Jordan nhấn mạnh rằng, gia đình anh chưa từng bọc con cái trong nhung lụa dù họ giàu có và hoàn toàn đủ khả năng.
Gieo mầm giá trị đạo đức, đối với bố mẹ Jordan, quan trọng hơn nhiều so với việc cho con thừa hưởng di sản kếch sù với cái đầu rỗng tuếch, như nhiều trường hợp của hiện tượng “hội chứng con nhà giàu”. Nhiều cuộc nghiên cứu từng cho thấy, yếu tố giáo dục nền tảng để con cái “thành nhân” từ nỗ lực cá nhân luôn là cách tốt nhất truyền lại cho hậu duệ. Năm 1981, viết trên chuyên san khoa học American Journal of Psychiatry, George Vaillant (Đại học Harvard) – từng kỳ công nghiên cứu giá trị phẩm chất con người thông qua giáo dục hơn là trao lại một đống tài sản – khẳng định rằng, khả năng làm việc được dạy thời niên thiếu là một trong những “chỉ số” tốt nhất để đánh giá sức khỏe tinh thần cũng như đo lường “độ mở” của trái tim người trưởng thành.
Đúng là đồng tiền cũng có giá trị đạo đức và tính nhân văn của nó. Để nó được sử dụng một cách có đạo đức, có lẽ một trong những điều đầu tiên là yếu tố giáo dục. Hãy bắt đầu từ việc dạy trẻ hiểu đồng tiền từ đâu mà có và từ đâu mà nó… bay đi một cách vô nghĩa.