Bạn đọc viết

Đụng lợn- tục lệ ấm lòng tình nghĩa quê hương ngày Tết

(Dân trí) - “Đụng lợn”, hay ăn “đụng” cứ tưởng là chỉ có từ thời xa xưa vào dịp Tết của thời kỳ mọi thứ vật chất còn thiếu thốn, nhưng trở về miền quê trong những ngày giáp tết được tận thấy những người dân không chỉ duy trì tục “đụng lợn”, mà còn coi đó là một việc làm gắn tình đoàn kết quê hương

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Về Phúc Mãn, xã Xuân Hương (huyện Lạng Giang -Bắc Giang) trong những ngày giáp Tết Ất Mùi, chúng tôi thật bất ngờ lý thú bởi những tiếng lợn kêu “eng éc” vang khắp xóm làng, rồi tiếng dao, tiếng thớt, tiếng giã giò, tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới nghe thật vui tai. Hỏi ra mới biết người dân nơi đây hàng năm vẫn duy trì tục “đụng lợn” ngày Tết.

Anh Nguyễn Văn Phương- Bí thư Chi bộ thôn Phúc Mãn, xã Xuân Hương, (huyện Lạng Giang -Bắc Giang) cho biết: Tục lệ “đụng lợn” ở làng Phúc Mãn cũng như bao miền quê khác có từ bao giờ đến nay không ai rõ, chỉ biết, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, cứ như thế tất cả những người trong làng ai ai cũng luôn tâm niệm phải giữ gìn nó như một tập tục đẹp của cha ông để lại. Mặc dù ngày nay các cửa hàng siêu thị mọc lên với các loại thức ăn chế biến sẵn rất thuận tiện, người dân muốn mua ăn lúc nào cũng được nhưng việc gìn giữ và phát huy tục ăn “đụng” vừa giữ được tục lệ truyền thống, vừa tạo không khí rộn ràng, vui vẻ, chan hòa với hàng xóm.

Vì thế ở trong vùng huyện Lạng Giang -Bắc Giang phần lớn người dân đều lấy việc “ăn đụng” lợn tết để gắn kết tình nghĩa quê hương

Cũng theo người dân xã Xuân Hương thì việc thực hiện “đụng lợn” của người dân nơi đây khá đơn giản. Thường việc xác định những gia đình “ăn đụng” được chuẩn bị từ trước Tết khoảng 5 đến 6 tháng, một vài gia đình sẽ mua chung một con lợn ưng ý nhất để nuôi. Cũng có khi, mấy anh chị em trong gia đình, hay mấy người trong cùng xóm nuôi chung một con.

Có những gia đình cầu kỳ hơn, lợn được mua trước đó cả năm mang về nuôi chỉ cho ăn những thứ rau cám. Để chọn được con lợn nuôi dành đến tết cũng rất cầu kỳ, thường là loại lợn ỉ, “bù cu chân rện”, thịt chắc, nạc và thơm ngon. Loại lợn này nuôi lâu lớn, có khi mỗi tháng chỉ tăng thêm chưa đầy mươi cân. Thế nhưng, với mục đích nuôi để ăn Tết, chứ không phải bán nên việc lỗ lãi là không quan trọng. Và việc chi trả kinh phí “đụng” lợn cũng được quy ước khá đơn giản đó là có thể trả bằng tiền, bằng thóc, tùy mỗi nhà. Xưa kia phần lớn là trả bằng thóc, nhưng mấy năm gần đây mọi người đều trả bằng tiền cho tiện.

Đến ngày 25, 26 Tết, lợn “đụng” được xẻ thịt để kịp lấy thịt gói bánh chưng, làm giò chả … Ngày mổ lợn cũng là ngày vui nhất, tất cả các thành viên gia đình ăn “đụng” tập trung ở nhà chủ nuôi lợn để cùng nhau mổ lợn, mỗi người mỗi việc. Lợn được cạo lông sạch sẽ, phanh mổ bầy ra trên chiếc nong phủ lá chuối xanh, phần thịt, xương được pha ra thành từng tảng to, loại nào ra loại ấy thành các phần đều nhau theo số người và tỷ lệ “ăn đụng”. Ai nhận phần nào thì nhận mà không cần phải cân. Thường là mỗi con lợn được chia làm 4, nên cũng gọi là mỗi người ăn “một chân”.

Phần thủ lợn được để nguyên cả cái luộc chín ngay để chủ nhà nuôi lợn thắp hương tổ tiên, phần lòng lợn cũng được chế biến luộc chín rồi lấy chính nước luộc thủ và lòng để nấu nồi cháo to, sau khi thắp hương, cúng tổ tiên tất cả các thành viên gia đình “đụng lợn” cùng nhau ngồi quây quần ăn cháo lòng tiết canh, vừa ăn vừa trao đổi công việc của một năm qua.

Cứ như vậy tạo một không khí của khúc nhạc dạo đầu cho cái Tết cổ truyền thật tưng bừng và háo hức, tạo thêm sự gắn kết tình nghĩa quê hương- một việc làm nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa tạo nên nét đặc trưng văn hóa của người dân nông thôn mỗi độ tết đến xuân về.

Minh Tư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm