Đừng làm mất nét đẹp văn hóa cổng làng

(Dân trí) - Cùng với những hình ảnh quen thuộc như cây đa, bến nước, sân đình… cổng làng ở nhiều vùng quê đã ăn sâu vào tiềm thức của thế hệ dân ta và trở thành biểu tượng có tính truyền thống của văn hóa làng xã.

Vẻ đẹp của cổng làng gắn liền với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, gợi nên ước vọng về một cuộc sống thanh bình, yên ả, đầm ấm của cộng đồng từ đời này qua đời khác. Đáng buồn là, trong nhịp sống hối hả, xô bồ của cuộc sống hiện đại ngày nay, vẻ đẹp truyền thống của chiếc cổng làng đã phần nào bị mai một.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Theo quan niệm truyền thống, cổng làng được xem là bộ mặt, là hồn cốt, biểu tượng cho nếp sống, cốt cách của người dân sống trong làng. Cổng làng xuất hiện gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng. Trong tâm thức của người xưa, cổng làng luôn có một “chỗ đứng” quan trọng. Nhà cửa trong làng có thể tuềnh toàng, cuộc sống có thể còn lam lũ, khó khăn, nhưng cổng làng thì phải được dựng ngay ngắn, đàng hoàng. Cũng bởi vậy, cổng làng thường được đặt ở những vị trí dễ quan sát nhất ở trong làng. Kiến trúc truyền thống của cổng làng thường được mô phỏng những ngôi tam quan của đình, chùa xưa. Cổng thường có một cửa chính, liền kề với cửa chính có hai cửa phụ hai bên, thấp và nhỏ hơn. Cũng có không ít làng dựng hai cổng, gồm có cổng tiền và cổng hậu. Cổng tiền thường hướng về phía đông nam, hướng của mặt trời mọc, hướng của gió lành, thể hiện ước vọng hướng tới sự sinh sôi, tươi tốt. Còn cổng hậu, thường hướng ra phía tây, hướng mặt trời lặn nhằm tiễn đưa những sự u sầu, không may. Mặc dầu vậy, không phải ở đâu cổng làng cũng có đủ một cửa chính, hai cửa phụ và được xây dựng bề thế. Ở những làng quê nghèo, người dân quanh năm lam lũ mà cuộc sống vẫn khốn khó, cổng làng thường rất mộc mạc. Một tấm xà bằng gỗ được đặt cẩn thận trên hai bên trụ, không màu mè, không một nét vẽ rồng, phượng, thậm chí không có cả một nét chữ khắc tên làng. Ấy vậy mà, chính những chiếc cổng đơn sơ, bình dị ấy lại trở nên thân thương, gần gũi với biết bao người.

 

Cổng làng truyền thống thường chuộng kiểu kiến trúc không cầu kỳ, phô trương mà vẫn toát lên vẻ tôn nghiêm, trang trọng, thể hiện sự nền nếp, kỷ cương của văn hóa làng xã. Cổng làng là một điểm nhấn trong cái bố cục hài hòa với không gian của lũy tre xanh, con đường làng, gốc đa, bến nước, ao làng, sân đình và những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Cổng làng xưa được dựng lên như là một sự quy ước ngầm về không gian làng xã. Nó được xem là một điểm mốc đánh dấu không gian làng. Phía sau cổng làng chính là sự kết nối, gắn bó cộng đồng, làng xã, là những nét chung về phong tục, tập quán, văn hóa riêng biệt mang dấu ấn, bản sắc riêng của từng làng quê. Chiếc cổng làng vì thế đã trở nên thân thuộc, gắn bó, gắn liền với những kỷ niệm vui buồn của biết bao lớp người dân quê. Để rồi mỗi người con của làng quê vì cuộc sống mưu sinh phải bươn chải làm ăn nơi đất khách quê người mỗi lần nhớ về quê hương, gia đình, nơi chôn nhau cắt rốn là lại bồi hồi, rưng rưng nhớ tới cái cổng làng với bao cảm xúc xốn xang.

 

 

Đừng làm mất nét đẹp văn hóa cổng làng - 1

Cổng làng vùng đồng bằng Bắc Bộ (nguồn ảnh: internet)

 

Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, hối hả, xô bồ, nét đẹp của những chiếc cổng làng truyền thống đang bị mai  một dần. Hình ảnh của những chiếc cổng tam quan cổ kính dần lùi vào ký ức xa xăm của lớp người cao tuổi. Thay vào đó là những chiếc cổng chào được mọc lên ngạo nghễ ở đầu thôn, đầu xã. Những chiếc cổng chào xây dựng bằng bê tông, cốt thép thoạt nhìn có vẻ bề thế, có khi còn được tô điểm bằng những hình vẽ, hoa văn “rồng chầu, hổ phục”, câu đối ở hai bên cho có vẻ cổ kính những nhìn kỹ thì lại thấy lạc lõng, vô hồn. Ở một số nơi, để có được danh hiệu làng văn hóa, lãnh đạo địa phương đã vận động người dân đóng góp kinh phí với mức thu không phải là ít để xây những chiếc cổng chào lớn được trang trí những hoa văn cầu kỳ có chi phí lên tới hàng chục triệu đồng. Cũng có những mạnh thường quân làm “ông này, bà nọ” ở xa, lâu lâu mới trở về thăm quê hương không ngần ngại bỏ ra một số tiền lớn xây cổng chào để được “nở mày, nở mặt” với làng, thực chất là để “khoe danh”. Không ít cổng chào hiện nay đang mất dần đi dáng vẻ thuần Việt, thay vào đó là những nét kiến trúc lai căng thoạt nhìn chướng mắt. Để được cho là “chơi sang”, “đẳng cấp”, một số cổng chào còn được gắn bảng điện tử với những dòng chữ: “well come to…” nhấp nháy chạy suốt ngày đêm thể hiện sự học đòi, phô trương đến mức kệch cỡm, phản cảm.

 

Chiếc cổng làng truyền thống mang trong mình nó những trầm tích văn hóa và in đậm dấu ấn của thời gian. Chất quê, hồn quê phần nào cũng được kết tinh, hội tụ qua dáng dấp của chiếc cổng làng. Trước tốc độ phát triển đến chóng mặt của làn sóng đô thị hóa, làm sao giữ gìn được những nét bản sắc tinh túy, đẹp đẽ trong đời sống văn hóa của mỗi làng quê nói chung, chiếc cổng làng nói riêng là nỗi niềm đau đáu không của riêng ai.

 

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An) 

 

LTS Dân trí- Không gian kiến trúc làng quê êm đềm và sâu nặng nghĩa tình hầu như đã được thể hiện và tô đậm thêm ở những nét kiến trúc mộc mạc mà tinh tế ở mỗi kiểu cổng làng, mang tính đặc trưng của làng quê. Cũng vì vậy mà những người con  xa quê khi trở về bao giờ cũng thấy rưng rưng được nhìn thấy cổng làng từ xa và nhất là khi được đặt chân bước qua dưới vòm cổng làng thân thương từ thuở ấu thơ…

 

Giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi vùng quê cũng như những nét đẹp truyền thống văn hóa cổng làng là trách nhiệm của chúng ta ngày nay. Công cuộc xây dựng nông thôn mới chỉ có thể thành công nếu biết trân trọng giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống văn hóa vốn có của mỗi làng quê Việt Nam.