Banj ddocj vieets

Đừng để danh hiệu văn hóa chỉ là hư danh

Cần lắm một sự dũng cảm để lập lại kỉ cương trong việc phong tặng các danh hiệu văn hóa, làm cho đời sống văn hóa ngày càng tốt đẹp; để những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc phát triển một cách bền vững trong hiện tại và tương lai.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Gần hai mươi năm phát động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, kết quả là bây giờ đi đến đâu cũng bắt gặp những cổng chào trương: Thôn văn hóa, làng văn hóa, phố văn hóa. Đến cơ quan, trường học cũng được gắn biển cơ quan, trường học văn hóa. Danh hiệu cao quí ấy còn được cấp huyện đặt chỉ tiêu phấn đấu quyết liệt. Rồi có khi có thể đến một ngày nào đó, nơi địa giới giữa hai tỉnh lại thêm cái biển hoành tráng: tỉnh văn hóa…

Nhưng đấy là chuyện của thì tương lai. Bây giờ xin lạm bàn chuyện bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” ở cơ sở.

Mặc dù, Bộ VH-TT-DL đã có thông tư qui định chi tiết về tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”,… rồi các địa phương cũng lượng hóa bằng những văn bản hướng dẫn cụ thể nhưng việc bình xét trong thực tế lại không thể hiện theo đúng tinh thần mà các thông tư, hướng dẫn đã đề ra. Tình trạng bình xét qua loa, chiếu lệ diễn ra phổ biến bởi vì đều là người làng, người xã cả, ai cũng ngại làm mất lòng nhau. Tư tưởng không muốn đụng chạm đã thành kim chỉ nam chi phối hành động, suy nghĩ của nhiều người trong cuộc sống hiện nay. Cho nên, một khi cán bộ thôn buôn, khối phố đưa ra danh sách dự kiến (thường là liệt kê gần hết số hộ thuộc đơn vị mình quản lí) thì tất cả đều nhất trí dù trong cuộc bình xét có chưa quá một nửa số hộ tham dự. Thành ra, làng nào, xã nào cũng gần như trăm phần trăm gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa. Và đương nhiên, đó cũng là điều kiện cần và đủ để thôn buôn, khối phố đạt danh hiệu cao quí này.

Tiếng là làng xã, phố phường văn hóa nhưng không khó để nhận ra đó chỉ là cái danh được treo trên cổng làng, cổng phố hoặc được trưng bằng tấm bằng đỏ chói công nhận danh hiệu văn hóa đặt trang trọng ở nơi hội trường. Thử làm một cuộc “vi hành” vào “khu dân cư văn hóa”, thật không khó để bắt gặp những cảnh tượng chướng tai gai mắt như nước thải, rác rưởi xả vô tư ra đường khiến môi trường sống bị ô nhiễm; lòng đường, hè phố bị lấn chiếm… Ấy là chưa kể đến tệ nạn xã hội đang ngày một gia tăng, những giá trị đạo đức truyền thống ngày càng bị xói mòn.

Điều đáng buồn hiện nay là thói háo danh đang trở nên phổ biến. Nó chính là nguyên nhân khiến cho giả dối lên ngôi. Người ta không dám nói thật, vì sợ… sự thật (!?)

Ở khu phố nọ, có vị quan chức đang chịu án kỉ luật vì tham nhũng lạm quyền, vậy mà mỗi khi tham gia sinh hoạt tổ dân phố ông vẫn thuyết giảng rất hay về đạo đức mọi nhẽ. Nhưng lớp sơn hào nhoáng phủ bên ngoài bởi cái danh vị trong cơ quan nhà nước không che đậy nổi con người thực bên trong. Ông là ai, dân phố đều biết rõ cả. Thế mà trớ trêu thay, bản thân ông và gia đình vẫn được xem là hình mẫu văn hóa cho khối phố. Thử hỏi liệu có cấp quản lí nào dám cắt cái danh hiệu cao quí ấy của ông và của khu phố nơi ông sống?

Vì cái danh hão, người ta sẵn sàng đánh bóng ngôn từ, thêu dệt số liệu và che đậy khiếm khuyết. Hành vi xấu không bị lên án. Kẻ sai phạm thì được bao che bởi chẳng ai dại gì mà vạch áo cho người xem lưng. Làm ầm ĩ chỉ tổ mất danh hiệu thi đua của cơ quan, làng xã và như vậy thì người gánh chịu “thiệt thòi” là các vị lãnh đạo cơ quan, địa phương. Nói họ bị “thiệt thòi” vì cơ quan, địa phương mà không đạt chuẩn văn hóa thì đường công danh của các vị coi như “stop” và dĩ nhiên, bổng lộc theo đó cũng bị… hao đi nhiều nhiều!

Cần lắm một sự dũng cảm để lập lại kỉ cương trong việc phong tặng các danh hiệu văn hóa, làm cho đời sống văn hóa ngày càng tốt đẹp; để những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc phát triển một cách bền vững trong hiện tại và tương lai.

Nguyễn Duy Xuân