Đổi mới giáo dục phổ thông, không thể dạy học theo phương pháp cũ

Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt đang là mục tiêu hướng tới của ngành giáo dục trong đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT). Hướng tới mục tiêu đó, thời gian qua, các địa phương đang thực hiện đổi mới đồng bộ về phương pháp dạy và học, cách thức kiểm tra, đánh giá… để sẵn sàng thực hiện chương trình GDPT mới

Chú trọng hoạt động trải nghiệm

Trong khuôn khổ Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng thành công đổi mới giáo dục" do Quỹ Hỗ trợ đổi mới GDPT Việt Nam (VIEF) tổ chức mới đây tại Hà Nội, các đại biểu cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm đổi mới giáo dục. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, phát triển năng lực học sinh, tạo cơ hội cho các em thực học, thực nghiệp để phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực là vấn đề then chốt trong quá trình đổi mới. Theo bà Vũ Thị Hồng Nga, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Ninh Bình: Để đáp ứng chương trình GDPT mới, ngành giáo dục tỉnh Ninh Bình coi trọng tính trải nghiệm-một yêu cầu quan trọng của dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Đánh giá về việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm (HĐTN) của địa phương, bà Vũ Thị Hồng Nga nhìn nhận: "Lâu nay, Ninh Bình vẫn thường tổ chức các HĐTN, chủ yếu là hoạt động ngoài giờ lên lớp, nhưng hình thức chưa đa dạng. Nội dung các HĐTN gắn với các môn học rất ít và chưa hiệu quả. Thời gian tới, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình sẽ áp dụng triển khai đại trà, nhân rộng việc tổ chức 8 mô hình HĐTN ở cấp THCS và THPT phù hợp với điều kiện của nhà trường và địa phương; trong đó, nổi bật là HĐTN có ứng dụng công nghệ thực tế ảo. Đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động của học sinh trung học".


 

 

Hoạt động trải nghiệm của học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: NGUYỄN HỒNG

Hoạt động trải nghiệm của học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: NGUYỄN HỒNG

Tỉnh Lào Cai có hơn 70% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, tỉnh xác định, muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh thì cần phải xây dựng được các mô hình giáo dục phù hợp với tình hình thực tế. Bà Trần Thị Minh Thu, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, cho biết: "Xuất phát từ tình hình thực tế, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng những mô hình giáo dục tiểu học phù hợp. Theo đó, 5 mô hình đã được tỉnh áp dụng từ năm 2013 đến nay và đạt được thành công nhất định, đó là mô hình “Trường học du lịch”, “Trường học nông trại”, “Trường học sinh thái”, “Trường học đa văn hóa và cộng đồng thân thiện”, “Trường học thông minh”. Thành công từ các mô hình này đã được nhiều địa phương đến tham quan, học tập và được Bộ GD&ĐT ghi hình nhằm giới thiệu trong toàn quốc".

Đề cao vai trò của HĐTN, ông Bùi Ngọc Nhân, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình, cho rằng: "Trong chương trình GDPT tổng thể, những năng lực cơ bản cần hình thành là năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. HĐTN sẽ giúp học sinh phát triển những năng lực đó. Hơn thế, HĐTN còn là môi trường rất thuận lợi mà qua đó con người phát triển được năng lực quan sát, dự báo, tính toán". Theo ông Bùi Ngọc Nhân, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đang nghiên cứu triển khai mô hình HĐTN môn Vật lý theo hướng phát triển năng lực người học, giúp trang bị cho học sinh không những về kiến thức, niềm đam mê khoa học mà còn hình thành, phát triển các năng lực hết sức cần thiết cho học sinh, đáp ứng yêu cầu mục tiêu giáo dục hiện nay.

Chìa khóa thành công từ đội ngũ giáo viên

Để phát triển năng lực học sinh, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình đổi mới GDPT. Đây là lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và quyết định sự thành công của đổi mới. Do đó, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên một cách bài bản và hiệu quả là mục tiêu hướng tới của toàn ngành GD&ĐT. Để đạt được mục tiêu đó, các sở GD&ĐT đang lựa chọn triển khai mô hình sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học.

Ông Vũ Mạnh Cường, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên), cho biết: "Hiện nay, một số trường ở tỉnh Điện Biên đang thực hiện mô hình trường học mới nên bước đầu tích cực thực hiện sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Đây là mô hình giáo viên cùng nhau học tập từ thực tế việc học của học sinh. Ở đó, giáo viên cùng nhau thiết kế kế hoạch bài học, cùng dự giờ, quan sát, suy ngẫm và chia sẻ bài học. Trên cơ sở đó, giáo viên được chia sẻ, học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học và bài học hằng ngày một cách hiệu quả".

Thí điểm từ năm học 2006-2007 đến nay, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học cũng được thực hiện có hiệu quả ở tất cả trường tiểu học của tỉnh Bắc Giang. Ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang, lý giải: Hiện nay, mô hình này đã trở thành một hoạt động có sức hấp dẫn, thu hút được tất cả cán bộ quản lý, giáo viên trong trường tiểu học của tỉnh tham gia tích cực và trở thành hình thức bồi dưỡng quan trọng nhất cho đội ngũ giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn tại trường. Mô hình này giúp cán bộ quản lý hiểu được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của sinh hoạt chuyên môn, từ đó mạnh dạn thay đổi, điều chỉnh những thói quen của giáo viên trong sinh hoạt chuyên môn truyền thống. Còn giáo viên sẵn sàng tham gia vào việc dạy minh họa, biết thiết kế các hoạt động học tập có ý nghĩa, điều chỉnh cách dạy thích hợp trên lớp để giúp học sinh học tập thật sự.

PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, khẳng định: "Để đáp ứng yêu cầu mới của GDPT, trước hết, ngành GD&ĐT cần phải đổi mới việc rèn luyện nghiệp vụ cho giáo sinh sư phạm; đồng thời công tác bồi dưỡng giáo viên cần được thực hiện thường xuyên theo tinh thần “bồi dưỡng tại công việc”. Vì vậy, các cơ sở đào tạo giáo viên cần chủ động đưa nội dung đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Nâng cao năng lực cho sinh viên sư phạm, bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên chính là tạo ra nền tảng quan trọng để thực hiện hiệu quả việc đổi mới GDPT...".

Theo Nguyễn Hoài

Báo Quân đội nhân dân