Ý kiến chuyên gia

Đổi mới đột phá cho giáo dục?

Với kinh tế thị trường, với toàn cầu hóa, với cách mạng tin học, ... xã hội, trong đó có xã hội Việt Nam biến chuyển như vũ bão. Trường học, trong bối cảnh đó, phải làm sao đào tạo được những công dân toàn cầu cho ngày mai.

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Trước khi làm những đổi mới trong giáo dục cần nhiều nghiên cứu thực địa để nắm rõ tình hình, chẩn được bệnh hầu kê đơn thuốc một cách đột phá mà có hi vọng chữa được bệnh. Những đơn thuốc cần dựa trên các lý thuyết giáo dục hiện thời về chủ đích, vai trò, … của giáo dục. Đồng thời cũng nên làm sao áp dụng, dĩ nhiên là uyển chuyển tùy theo bối cảnh Việt Nam, các tiến bộ về phương pháp sư phạm của thế giới.

Ngày xưa các minh quân chỉ cần “minh” thôi, tức là sáng suốt thì “trị được quốc”. Thời thế đã đổi thay, với những tiến bộ về xã hội học, về chính trị học và về kinh tế, những cách quản lý kiểu minh quân hiện được xem như quản lý theo cảm tính, chủ quan. Quản lý quốc gia cũng phải là một công tác khoa học. Nghĩa là cần đề ra chủ đích, biết rõ các dữ kiện về tình thế, dự trù các khả năng đủ loại – nhân lực, tiền bạc, thời gian, ... rồi từ đó người quản lý sẽ tối ưu hóa các ràng buộc và tìm ra những giải pháp  thích ứng nhất một cách khoa học.

Đúng ra, với kinh tế thị trường, với toàn cầu hóa, với cách mạng tin học, ... xã hội, trong đó có xã hội Việt Nam  biến chuyển như vũ bão. Trường học, trong bối cảnh đó, phải làm sao đào tạo được những công dân toàn cầu cho ngày mai.

“Tiên học lễ, hậu học văn”, khẩu hiệu mà ta đề cao trong các trường học, hiện không đủ.

Cái ta cần là những “đổi mới đột phá ” chứ không phải “đổi mới trong tiếp nối” (1).

Đây là hai chữ dịch từ innovation de rupture và innovation de continuité

Chữ thứ nhì còn có thể dịch một cách nôm na thành “đổi mới làng nhàng”

Cụ thể, trong giáo dục, ta đổi mới cách thi, đổi mới cách tuyển sinh, trong tương lai gần sẽ đổi mới chương trình và đổi mới sách giáo khoa nhưng như thế chưa đủ

Còn cần đổi mới triết lý, chủ đích và phương pháp giáo dục .

Đổi mới đột phá cần ba chi tiết.

1- hình dung tương lai, một cách toàn diện. Ở đây là đổi mới sâu vào cấu trúc chứ không phiến diện đổi mới tình thế. Đột phá – chữ rupture tiếng Pháp – có nghĩa là có một sự đoạn tuyệt với thực trạng trước đó, chuyển hướng, khác hoàn toàn. Đổi mới từ những cơ sở nền tảng sâu xa. Các vấn đề giáo dục như tự do hàn lâm,  sáng tạo, trọng nhân bản, ... phải là sợi chỉ đỏ cho đổi mới.

Đổi mới hoàn toàn từ triết lý, vai trò của học đường tới phương pháp sư phạm và nội dung, chương trình. …để đi tới một xã hội của tri thức, học để biết chứ không phải học để thi. Nhắm phát triển tri thức và khoa học để phát triển đất nước chứ không phải để đào tạo một vạn hay hai vạn tiến sĩ hữu danh vô thực.

Về vai trò của học đường phải nghĩ tới chủ đích học để phát triển, trong đó có chủ đích để kiếm sống sau này. Tức là dạy khả năng, tức là có hướng nghiệp, tức là có dụ trù thị trường việc làm trong tương lai...

Trong bối cảnh nhân công ta không chuyên môn, trường dạy nghề là một ưu tiên chẳng hạn. Ngay đến các nước phát triển như Pháp Bỉ, chỉ 40% học sinh trung học theo trường phổ thông. Số còn lại học trung học kỹ thuật hay trung học nghề. Thế là sau giáo dục cưỡng bách, 18 tuổi, các em này có một nghề chuyên môn trong tay.

Học cũng là học để sống với người khác, học làm người, học đạo đức bằng cách đổi mới môi trường của trường học, liên hệ thầy-trò, ...

Tập tành tiếp thu tri thức và đạo đức như thế, từ từ sẽ nâng cao dân trí,  góp phần chống một số tệ nạn xã hội – thành ngữ Pháp nói là “mở một trường học là đóng cửa một nhà tù” – .

Trong viễn ảnh tương lai, cũng cần nghĩ tới vai trò “trường học mang hạnh phúc đến cho người đi học” nữa.

2- tưởng tượng ra những đường hướng, phương thức cụ thể để thực hiện viễn ảnh tương lai ấy.

Những phương hướng này, dự án hiện thời đã nói tới như phương pháp giáo dục lấy trò làm trung tâm, dạy tích hợp, ... tức là dùng những phương pháp sư phạm tân tiến hầu nâng cao hiệu quả của giáo dục,

Nhưng đồng thời phải chú tâm đến việc đào tạo sơ khởi và tu nghiệp cho giáo viên. Tôn trọng những sáng kiến trong dạy học. Góp phần cải tổ hình ảnh xã hội của giáo dục bằng cách trả lương giáo viên cao hơn, dẹp bỏ các hình thức thi đua lỗi thời, …

Nếu không có đột phá thì giáo viên hiện tại sẽ dạy học như thầy cô của họ đã dạy. Cái khổ là thầy cô của họ trước đó cũng đã áp dụng những phương thức của những người đi trước nữa. Thế có nghĩa là về phương pháp sư phạm thì ta đang dậm chân tại chỗ từ ba bốn thế hệ giáo viên đấy !

3- từ từ thực hiện tất cả những đổi mới một cách toàn diện, theo bài bản có sắp đặt, theo một loại trường kỳ kháng chiến. Sẽ không có kết quả sau một năm hay sau hai năm.

Hai ưu tiên là mẫu giáo và đào tạo giáo viên

Thật vậy, cần đổi mới từ mẫu giáo cho các cháu nhỏ làm quen với những phương thức cập nhật. Đồng thời đào tạo những giáo viên trẻ, trong đường hướng của đổi mới, để họ mau chóng áp dụng và thực hành đổi mới khi ra trường.

Đồng thời, phải tức tốc “tái đào tạo” hay ít nhất là cập nhật các giáo viên hiện thời. Thay đổi sẽ rất khó khăn vì ta có cả triệu giáo viên tại chức (?) nhưng được phần nào hay phần ấy.  Ta cậy là cậy trên thế hệ giáo viên trẻ tương lai.

Những việc trước mắt rất là nặng nề.  Nhưng triết lý giáo dục nhân bản, đề cao sáng tạo của mọi người, xem lại hệ thống lương bỗng và sự trọng vọng xã hội của người đi dạy, ...  sẽ thêm động cơ khiến cho những diễn viên của giáo dục, thầy cũng như trò, sẳn sàng vượt khó.

Dù gì đi nữa thì ta cũng phải đổi mới, nếu không, các nước láng giềng và cả thế giới sẽ tiếp tục đi trước và bỏ rơi ta.

Nguyễn Huỳnh Mai

(1) Cách đây năm năm, tôi còn đề nghị “cập nhật” phương pháp giảng dạy:

http://dantri.com.vn/ban-doc/nen-doi-moi-hay-cap-nhat-phuong-phap-giang-day-457595.htm