Bạn đọc viết:

Dấu ấn nghề “thư ký của thời đại”

(Dân trí) - 21/6 đã về - ngày chẳng riêng gì của những người làm báo mà cả những người đọc báo, người yêu báo... đều trông đợi để mong được chia sẻ và nói lời tri ân tới những người làm báo liên tục cống hiến cho xã hội những thông tin nóng hổi từ cuộc sống.

Nghề “thư ký của thời đại”
Tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo Dân trí

 

Cũng như bao người luôn mong đợi ngày này, nhưng với riêng tôi không chỉ yêu sản phẩm trí tuệ của những người làm báo, mà còn rất quý trọng những con người làm báo, yêu cái nghề đúng như người đời thường gọi -  nghề “thư ký của thời đại”.

 

Càng tìm hiểu nghề làm báo, tôi càng nhận ra đó không đơn giản là nghề  “cầm bút, cầm máy” mà đó là nghề của sự sáng tạo, nghề của niềm đam mê và cống hiến như nhà văn Nguyễn Tuân từng nói: “Nó là cái nghề dùng chữ nghĩa mà sinh sự để sự sinh”.

 

Con đường để trở thành người làm báo chắc chắn không phải rải đầy hoa hồng và càng không phải được trải sẵn thảm đỏ. Mà đó là cả một sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả máu và nước mắt của những con người đam mê với từng con chữ, từng hình ảnh, khuôn hình mang từng hơi thở của cuộc sống tới với cộng đồng xã hội, với thế giới.

 

Có lẽ vì thế mà nhiều người thường dùng nhiều từ “mạnh” để nói về nghề báo, như “nghề nguy hiểm”, “nghề nghiệt ngã”, “quyền lực thứ tư”… nghề luôn cần một sự cố gắng bền bỉ, dài lâu mà vinh quang cũng lắm nhưng cay đắng cũng nhiều... 

 

Nhất là ngày nay, cuộc sống vốn đa chiều, đa diện, nên để người làm báo trải nó ra trên mặt giấy, những cái lát cắt ngôn từ, hay lột tả được bản chất sự kiện và định hướng cho dư luận chẳng dễ chút nào. Hơn nữa với nghề báo, cái nghề tác động vào dư luận xã hội, nếu làm tốt thì tác dụng rất lớn, còn nếu sơ suất chút thôi, tác hại sẽ khôn lường.

 

Vì thế có người nói, báo chí có chức năng “phản biện” cuộc sống. Phản biện không phải để phủ nhận mà là bàn luận, phân tích cái đúng, cái sai, chỉ ra ách tắc để tháo gỡ...

 

Quả thực, báo chí  đã làm nhiều việc theo hướng đó. Những vụ án kinh tế lớn như Vinashines, Vinalines, Vifon và mới đây là vụ “bầu" Kiên … được phanh phui trước công luận, có công lớn của báo chí.

 

Rồi vụ những cảnh sát giao thông, đăng kiểm viên tiêu cực, chỉ nhăm nhăm thu tiền mãi lộ, làm ngơ cho xe cũ, xe “quá đát” lưu hành, đe doạ an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho xã hội. Để làm rõ sự thực ấy, các phóng viên đã “vào vai” khách bộ hành, chọn những góc quay “độc” nhất, ghi lại những cảnh “có một không hai’ về cách “làm tiền” ngang nhiên của một số cán bộ biến chất... Báo chí đã làm được điều mà thanh tra chuyên ngành xem ra lại… chưa làm được?

 

Dù mới là “phần nổi của tảng băng chìm”, nhưng những chứng cứ rõ ràng đã thúc đẩy công luận có thêm nhiều tiếng nói tích cực, thúc giục toàn xã hội cùng chung tay khắc phục tình trạng nhức nhối này thay vì... “đóng cửa bảo nhau” hoặc không muốn "vạch áo cho người xem lưng".
 
Những cố gắng không mệt mỏi mỗi khi “xung trận” của những người làm báo đã, đang và chắc chắn sẽ để lại những dấu ấn sâu sắc, đem  lại cho nghề "thư ký của thời đại" này niềm tin của nhân dân, sự yêu mến của công chúng dành cho những "chiến sĩ trên mặt trận... tin tức".
 
Không phải ngẫu nhiên, trong hành trang nhiều đại biểu về dự họp Quốc hội là những bài báo nóng hổi, phản ánh nguyện vọng của nhân dân dặt lên bàn nghị sự. “Nói có sách, mách có chứng”, hạnh phúc của người làm báo là làm cầu nối giữa cơ quan công quyền với người dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước.

 

Không chỉ nói phần “tối”, phanh phui tham nhũng, tiêu cực, trách nhiệm quan trọng của báo chí là phát hiện, biểu dương điển hình tiên tiến, để cái tốt ngày càng đẩy lui cái xấu, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước. Nóng hổi nhất suốt  thời gian qua là sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí song hành cùng những nỗ lực chung bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

 

Trong những ngày Biển Đông dậy sóng suốt gần hai tháng qua, muôn triệu trái tim Việt Nam đều hướng về biển đảo thân yêu, theo dõi từng ngày từng giờ tin tức từ vùng biển Hoàng Sa - nơi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Và mỗi người đọc chúng tôi càng thêm thán phục và tự hào bởi thấy được rằng cùng với lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư đang ngày đêm bám biển, thì ở chính vị trí tiền tiêu của mặt trận ấy còn có cả những nhà báo kiên cường, nghị lực, cũng sẵn sàng xả thân để ghi lại được những hình ảnh, thông tin xác thực nhất  cho cả thế giới thấy rõ và gia tăng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta.

 

Nghề báo thực sự là công việc thầm lặng và đáng trân trọng, luôn để lại những dấu ấn sâu sắc và khơi gợi nên bao nỗi niềm, tình cảm trong lòng bạn đọc muôn phương…

 

Minh Tư: mtu.tdh@moet.edu.vn