Dân Mỹ Đình II xôn xao vì tin nước ăn bị nhiễm thạch tín
(Dân trí) - Mới xem thông tin trên Dân trí sáng nay được biết: qua 13 mẫu xét nghiệm của Sở Y tế Hà Nội thì tất cả đều vượt ngưỡng cho phép về thạch tin (Asen) từ 2 đến 8 lần. Đây là nguy cơ tiềm tàng gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, kể cả ung thư.
Gia đình tôi chuyển từ số nhà 37 Nguyễn Chí Thanh (bên bờ hồ Ngọc Khánh) vào đây từ cuối năm 2004, đến nay đã ở gần 10 năm. Ngay từ những ngày đầu tiên, chúng tôi là những cư dân ở căn nhà CT5, ĐN3 cũng như ở nhiều tòa nhà chung cư khác đã đề nghị xí nghiệp quản lí nhà chung cư (thuộc HUD) cho xem kết quả xét nghiêm mẫu nước định kỳ hàng tháng. Nhưng chỉ được xem kết quả một, hai lần rồi họ tự động làm ngơ trước yêu cầu đó.
Khi có đường ống dẫn nước sông Đà rất lớn bắc qua, chúng tôi cũng kiến nghị cho cư dân ở đây được ăn nước máy dẫn từ sông Đà nhưng lại cũng bị làm ngơ. Hình như trạm cấp nước (thuộc HUD) muốn tiếp tục kinh doanh để kiếm lời, chứ không quan tâm tới đời sống cư dân? Nhất là đối với các cháu nhỏ nếu bị nhiễm độc thạch tín thì rất nguy hiểm.
Ở đây có hai nhà mẫu giáo, trường tiểu học và THCS thu hút hàng nghìn học sinh bán trú từ nhiều nơi khác đến học bán trú (ăn trưa ở trường) vì đó là những trường có uy tín như trường mẫu giáo Lê Quý Đôn, các trường tiểu học và THCS Đoàn Thị Điểm...
Chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý cấp trên như Sở Y tế và Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm: có biện pháp xử lý những sai phạm và cách làm ăn gian dối của Xí nghiệp Quản lý các chung cư Mỹ Đình II (thuộc HUD); buộc họ phải khắc phục nhanh chóng, bảo đảm đủ nước sinh hoạt và nước ăn đúng tiêu chuẩn vệ sinh cho cư dân ở đây, nhất là trong những ngày hè nóng bức đang tiếp diễn.
Vừa qua khi trạm cấp nước tạm ngừng, mỗi nhà chung cư chỉ được cấp một, hai xe nước chuyên dụng/một ngày đêm thì không thể nào đủ dùng cho cả trăm hộ mỗi tòa nhà chung cư.
Đấy là yêu cầu khẩn thiết của chúng tôi gửi qua báo Dân trí, với mong muốn có thêm tiếng nói để các cơ quan quản lý có trách nhiệm lưu tâm giải quyết kịp thời cho dân. Tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, không quan tâm đúng mức tới quyền lợi thiết thân của người dân. Đặc biệt là cần chú trọng việc bảo đảm sức khỏe và điều kiện sinh hoạt cực kỳ cấp thiết cho người dân.