Dân biết, dân bàn về dòng “tiền chôn" trong bất động sản

(Dân trí) - Con số “triệu tỉ” được đích thân Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu ra khi nói về “kho hàng tồn lớn nhất” đang “chôn tiền chết” trong bất động sản (BĐS), khiến nhiều người phải xây xẩm mặt mày dù ít nhiều có biết tới sự đóng băng của thị trường BĐS.

Thị trường Việt Nam đã đóng băng hơn 2 năm qua, bao lâu nữa mới hồi phục? (ảnh minh họa: NCDT)
Thị trường BĐS Việt Nam đã "đóng băng" hơn 2 năm qua, bao lâu nữa mới hồi phục? (ảnh minh họa: NCDT)

 

Hòn đất mà biết nói năng...

 

Dù đã ở thời đại khoa học công nghệ phát triển, nhưng có vẻ như phần lớn người dân ta vẫn ưa thích sử dụng “tiền tươi, thóc thật”. Vậy mà trong khi bao doanh nghiệp ngắc ngoải hoặc đã “chết” hẳn vì thiếu vốn, người dân muốn vay vốn cho học tập, lao động sản xuất cũng chẳng dễ dàng gì. Thì nguồn vốn trong các ngân hàng vẫn bị kêu ca là rất khó tiếp cận. Vậy nợ xấu và tiền “chết” trong BĐS, dưới con mắt người dân được nhìn nhận thế nào?

 

“Tiền không tự nhiên sinh ra mà không tự nhiên mất đi, chỉ từ túi người này sang túi người khác mà thôi. Xin hỏi số tiền đó đang nằm ở đâu????” - Mr. Đông:  thanh_dong74@yahoo.com

 

Và rồi có ngay được câu trả lời về "điểm đến" của nó (không hẳn chỉ trong BĐS):

 

“Làm gì có tiền nào chôn ở BĐS ! Tiền chảy vào túi người bán và tiêu xài hàng nhập khẩu hết rồi!” - FGHO:  glhjlntrutmyu@ftynbt5yrb5y54.com

 

Cùng những so sánh lý giải khác về dòng chảy của tiền:

 

“1 triệu tỷ đồng = 50 tỷ USD = 1/2GDP của VN. Thật khủng khiếp??? Phải có cơ chế để giải thoát nút thắt này chứ. Mình thấy Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề này rất sát với thực trạng hiện nay, mong rằng các lãnh đạo có quyết sách đúng đắn” – Son NQ:  sonnqcpc@gmail.com

 

“Tôi chưa tin hiện tại tồn kho bất động sản chỉ ở mức 1 triệu tỉ đồng. Chủ trương của Nhà nước ta là đến năm 2020 sẽ cơ bản là một nước công nghiệp hóa. Nhưng như tôi thấy thì lợi dụng chủ trương đó, nhiều giới chức đã bật đèn xanh cho đệ tử săn lùng mua đất nông nghiệp của dân để san lấp mặt bằng rồi làm nhà xưởng "ảo" để chờ cơ hội chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Quê tôi trước kia có cánh đồng tam thiên mẫu, bây giờ chẳng thấy cánh đồng nào mà toàn là bãi đất, bãi cát cỏ mọc um tùm ...). Vậy thì, tiền ở đâu ra? chẳng phải từ nguồn vay ngân hàng sao?  Mặt khác, ngân hàng cũng bị cuốn hút theo vì tưởng dễ ăn nên cho vay tràn lan, không tính đến rủi ro mà chỉ chạy đua theo lợi ích trước mắt. Cho nên tồn kho bất động sản cả nước, theo tôi nghĩ, phải ở con số lớn hơn rất nhiều lần 1 triệu tỉ đồng như đã thông báo” – Thanh Binh: thanhbinh@gmail.com

 

Vì đâu nên nỗi ư, người dân có thể dễ dàng hình dung qua cách ví von rất mang tính... thể thao về công tác quản lý:

 

“Còn thua… trận đá banh vì đá banh ngoài 90 phút còn 2 hiệp phụ, còn penalty… Đằng này các vị cứ vòng vòng đá vô thời hạn…” – Người dân: danden@yahoo.com.vn

 

Và về công nghệ “thổi giá” BĐS bất chấp bao cảnh báo về nguy cơ bong bóng, cũng có ngay được câu trả lời ngắn gọn:

 

“Do đâu ư? Do buông lỏng quản lý. Có thể gọi là "thời kỳ thả cửa" chứ không phải là thời mở cửa như định hướng KT - XH. Hầu như khắp nơi đều mang tư tưởng kiếm ra nhiều tiền bất luận sản phẩm có hay không. Vậy nên mới có chuyện đất vốn không phải là sản phẩm lao động, nhưng được quy ra tiền và qua "công nghệ thổi giá" đã biến nó thành "bong bóng kinh tế". Khi nó nổ thì…chết hàng loạt” - Lê Đình Sơn:  kts.ledinhson@gmail.com

 

Từ đó, nhiều điều được đúc rút ra mà có lẽ chủ yếu là từ chính những trải nghiệm cùng đà nhảy múa của thị trường BĐS từng có thời nóng sôi sùng sục trước khi nguội lạnh dần rồi... đóng băng:

 

“Trước đây tôi cũng đã có bình luận về thị trường bất động sản, về cái khiếm khuyết cuả nó khi đẩy giá lên quá cao. Và cũng đã yêu cầu nó muốn phát triển được phải nhanh chóng đưa về giá thực, thà chịu lỗ chứ không nên để người khác lợi dụng; Nhưng đến nay thì đã quá rõ ràng.Mọi sự thua lỗ do kém cỏi trong sản xuất kinh doanh ở đâu đó đã đổ cho bất động sản (50%). Đúng là hòn đất mà biết nói năng thì....” - Duyên:  xuanduyengialai@gmail.com

 

“Đây là nguyên nhân chính gây ra khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam. Phần lớn “đại gia” của ta chắc cũng từ đây mà ra, nợ xấu từ đây mà ra và tham những cũng từ đây mà ra chứ đâu. Theo tôi nghĩ, chỉ cần giải quyết được vấn đề này thì chúng ta đã xử lý được 80% khó khăn cho nền kinh tế rồi” - Vo Binh: binh80nactc@yahoo.com

 

“Thực trạng hiện nay tôi thấy có rất nhiều công trình dở dang còn đang nằm “chết” vì thiếu vốn. Và thậm chí cả những khu biệt thự cao cấp, biệt thự liền kề mọc lên như nấm mà vẫn bị bỏ hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm, trở thành chỗ đổ rác cho những gia đình sống gần đó nữa. Tôi nghĩ lý do chính xây nhà để giải quyết chỗ ăn ở cho người dân, vậy mà lại bị đầu cơ quá mức thực tế. Với mức lương công chức, hay nhân viên bình thường chắc họ có mơ cũng chỉ hy vọng 20, 30 năm sau mới có đủ tiền mua cho gia đình mình một căn hộ có giá ở thời điểm này thôi. Tôi thấy đây là cái giá mà những người đầu cơ BĐS phải trả,  khi người có nhu cầu nhà ở quay lưng lại với thị trường. Cái chính là vì khả năng của người cần mua nhà không có, trong khí đó giá cả cứ trên trời, làm người cần nhà cũng không thể còn mặn nồng nữa.

 

Giờ thời buổi vật giá leo thang, cái gì cũng tăng… Trước còn nghĩ  ăn ít để tích góp tiền mua nhà, giờ lại phải bỏ tiền thêm ra để trả cho sự chênh lệch giá leo thang thì chắc chắn mục tiêu của người có nhu cầu mua nhà ở phải hoãn lại rồi. Nếu các bác doanh nghiệp, các chủ đầu tư biết nhìn thực tế hơn, đừng tham lam quá. Bán nhà, bán căn hộ với giá hợp lý và đảm bảo chất lượng thì vẫn có thể bán được để lấy tiền xoay vòng vốn, xây dựng các khu đô thị khác đang đói vốn. Đằng này nhà xây xong thì không bán được để thu hồi vốn, còn nhà đang xây dở thì chết dí vì hết vốn xây dựng. Mà tiền của đổ vào đó có phải ít đâu. Người dân bình thường cũng có ai dám bỏ tiền ra mua nhà dang dở dâu. Người ít tiền chỉ ăn chắc mặc bền, mua nhà đã hoàn thiện và giá cả hợp lý thôi” - Nguyễn Mạnh Cường:  manhcuong.166.hn@gmail.com
 
Nợ xấu từ các khoản vay đầu tư bất động sản khi thị trường đóng băng chiếm tỷ lệ lớn (ảnh minh họa)
Nợ xấu từ các khoản vay đầu tư bất động sản khi thị trường đóng băng chiếm tỷ lệ lớn (ảnh minh họa)

 

Thượng sách và hạ sách 

 

Phân tích về thế "bong bóng" của BĐS, trong khi “giới chuyên môn” dường như cứ mải sa vào những lý lẽ cao siêu theo kiểu đi đường vòng, thì nhận xét của người dân có thể coi như theo kiểu chọn con đường thẳng ngắn nhất, dễ hiểu và sát thực hơn.

 

“Vấn đề chính không phải là tồn BĐS hay không, mà ở chỗ nhận định thị trường sai lầm dẫn đến lãng phí nguồn lực của nhà nước. Các doanh nghiệp VN theo tôi thấy, phần lớn đang hoạt động (trong lĩnh vực BĐS) như thể đang ăn… chính “cái đuôi” của mình. Tất cả chỉ là thổi phồng không thực tế, chứ nếu đánh giá đúng thực tế nhu cầu của thị trường thì sẽ không có tình cảnh như hôm nay. Cách tốt nhất hiện nay, tôi nghĩ, chính là kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài mua lại các dự án để tăng nguồn lực cho VN” – nick Nói thật:  shinichi_curdo@yahoo.com

 

“Vấn đề dư nợ BĐS sản, tôi nghĩ sẽ rất khó giải quyết, vì BĐS đã trở thành bong bóng xà phòng rồi, giá hiện nay đã tăng gấp 4, 5 lần rồi. Mà ngân hàng thì cũng cho vay theo tỷ lệ bong bóng ấy, vậy nên sắp tới sẽ tới bên bờ vực thẳm là cái chắc. Muốn cứu thì hãy để BĐS trở về với giá trị thực của nó” - Tran Trung: trantrung6370@yahoo.com.vn
 

Nỗi bức xúc của người dân vẫn chưa hề giảm với cách thức hoạt động bị cho là “không giống ai” trong lĩnh vực ngân hàng VN,  mà 1 trong những hậu quả là tình trạng nợ xấu rất đáng lo ngại hiện nay.

 

Bởi thế, về giải pháp cứu các doanh nghiệp của Chính phủ thể hiện qua kế hoạch bán nợ xấu, mua lại các bất động sản “ế”, nhiều ý kiến đóng góp cho rằng nhà nước nên rút “gậy chống lưng” để ai gây ra chuyện thì phải tự lo tháo gỡ.

 

“Nhà nước không nên ‘chống lưng’ để cho ngân hàng làm ăn bừa bãi nữa, đừng hứa tài trợ thanh khoản cho họ nữa. Họ làm sai họ phải chịu, phải cho vài ngân hàng phá sản mới lấy lại sự lành mạnh của hệ thống tín dụng. Rồi nhà nước bỏ tiền ra và quốc hữu hóa, sau đó khi thị trường ổn định lại thì tiếp tục cổ phần hóa. Theo tôi, đó mới là thượng sách” - Trương Tiến Đăng:  tiendangtruong@gmail.com

 

“Hay quá nhỉ! Vậy thực chất khi nhà nước can thiệp là để cứu BĐS hay cứu chính những người đã kiếm được quá nhiều tiền từ BĐS trước đây?" - Nguyễn Thanh Nhàn:  nhanqueenvietgoup@gmail.com
 
Bất động sản đóng băng làm lộ ra nhiều hệ lụy từ ngân hàng, tín dụng đen... (ảnh minh họa)
Bất động sản đóng băng làm lộ ra nhiều hệ lụy từ ngân hàng, tín dụng đen... (ảnh minh họa)

 

Bao giờ cho đến… giá trị thực?

 

Bàn thêm về sự cứu giúp của Nhà nước để đốt nóng, làm tan băng cho lĩnh vực BĐS đang giam cả khối tiền khổng lồ này, bạn đọc nêu thêm một số giải pháp trong đó nhấn mạnh mục tiêu chính là phải đưa được BĐS trở về giá trị thực của nó, thì  người dân mới có thể cùng chung tay giúp tháo gông cùm những khoản “tiền chết” được.

 

“Thị trường BĐS đang đi xuống dần. Theo tôi nghĩ cứ để thị trường tự tìm lối ra, không cần có sự can thiệp của Nhà nước. Nếu ai tìm ra giải pháp đứng vững, thì chắc chắn họ sẽ đứng vững được trên đôi chân của họ. Nếu ai không đứng vững được, thì cứ để họ phá sản (vì chắc chắn rằng từ trước tới giờ họ không đứng bằng đôi chân thật mà là dựa dẫm). Như vậy, thà một lần thất bại nhưng sẽ phát triển bền vững hơn và lấy lại được công bằng xã hội hơn” - Phương Liên:  lien.mofa@gmail.com

 

“Đã đến lúc phải mạnh tay và cương quyết xử lý vấn đề nợ xấu và giá đất đai - BĐS. Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo toàn hệ thống các ngân hàng khẩn trương thu hồi nợ có liên quan đến BĐS. Chủ nợ nào không trả thì tổ chức cưỡng chế, thu hồi nợ bằng tài sản thế chấp là BĐS với định giá thực tế theo thị trường. Chủ nợ nào không đồng tình với giá đó thì yêu cầu thanh toán nợ, sau đó tổ chức bán thanh lý với giá thấp (có tính toán tương xứng với giá xây dựng và giá đất thấp). Làm vậy vừa để thu hồi nợ, vừa để định hướng đưa giá đất và BĐS về giá trị thực tế, làm lành mạnh hóa nền kinh tế. Cũng cần xác định số tiền “chết” trong bất động sản không phải là do dư nợ lớn, mà do thời gian qua đã điều hành sai dẫn đến giá BĐS là phi lý, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế” - Nguyễn Long: hooxaaa@yahoo.com

 

“Đây là một điều hoàn toàn đúng, chỉ khi BĐS trở về giá trị thực của nó thì đồng tiền mới lưu thông một cách hiệu quả được. Bởi lẽ với mức thu nhập chung của  người dân VN hiện nay thì hỏi tiền đâu mà mua đất hay nhà với giá tiền tỷ? Chỉ có vay ngân hàng và khi BĐS đóng băng thì đồng nghĩa với tiền ngân hàng nằm ‘chôn’ trong đất. Trong khi đó có rất nhiều ngành cần vốn thì không có tiền, ví dụ như ngành nuôi trồng thủy sản...Vì vậy Chính phủ cần có các biện pháp để đưa bất động sản quay về giá trị thực của nó” - Nguyen Anh Khoa: anhkhoa@yahoo.com

 

“Nhân dân chúng tôi đang có nhu cầu về nhà ở. Điều chúng tôi mong ở mấy vị giới chức cấp cao chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực này là làm sao đưa giá nhà về đến tầm tay chúng tôi. Nếu thực hiện được điều này thì chúng tôi sẽ dồn lực mua nhà, lúc đó sẽ giải phóng nợ cho các vị. Nhưng sau ‘toàn văn’ phát biểu của mấy vị thì đúng là… thất vọng toàn tập!!!” – Type: type317@gmail.com

 

Băng Bắc cực còn có thể tan, vậy thế đóng băng trong lĩnh vực BĐS chắc chắn không thể cứ “gan lì” mãi được. Vấn đề có lẽ là ở biện pháp giải cứu ra sao và vào lúc nào thôi…

 

Khánh Tùng