Cuộc sống trong đại dịch Covid -19
Nhiều người đang hy sinh sự an toàn của bản thân để đổi lấy lợi ích chung cho cộng đồng...
Ncovi (Covid-19), một tên gọi đầy ám ảnh đối với nhiều người, đang len lỏi sâu vào tâm trí của người dân Việt Nam. Đa số người dân đang cố gắng hạn chế tiếp xúc, vệ sinh cá nhân hàng ngày để có thể tránh bị lây nhiễm căn bệnh này. Dù vậy, nhiều người đang hy sinh sự an toàn của bản thân để đổi lấy lợi ích chung cho cộng đồng...
"Lương y phải như từ mẫu”
Kết thúc buổi họp giao ban, cũng như thường lệ, bác sĩ Đoàn Bình Tĩnh (trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, bệnh viện Đa khoa Hà Đông) lại trở về với căn phòng của mình, sắp xếp công việc, chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Từ tết ra, số lượng bệnh nhân của bệnh viện nói chung, khoa hồi sức tích cực chống độc nói riêng tăng cao, các thành viên của khoa làm việc bằng 100% sức lực của mình. Bên cạnh đó, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) vẫn còn đang tiếp diễn, nên mọi khâu, công đoạn phải hết sức cẩn trọng, khẩn trương nhưng phải thật sự an toàn.
Bác sĩ Tĩnh xúc động liên tưởng về quá khứ, khi mà đại dịch Sars năm 2003 diễn ra, gây ra thương đau, mất mát cho người dân. “Năm ấy, dịch Sars gieo rắc lỗi kinh hoàng cho cả nhân loại. Ở Việt Nam, chúng tôi đã chứng kiến sự ra đi từ chính đồng nghiệp của mình và người dân, đau và xót lắm”...
Trong quá trình thăm khám và điều trị, các y, bác sĩ rất dễ bị lây nhiễm bệnh. Thế nhưng sứ mệnh của các y, bác sĩ là mang lại sự sống cho bệnh nhân, vì vậy, trong bất kể trường hợp nào đi nữa chúng tôi cũng luôn nỗ lực mang lại sức khỏe, sự sống cho bệnh nhân. Bác sĩ Tĩnh chia sẻ.
Luôn đảm bảo quyền lợi cho người dân
Tiếp chúng tôi khi vừa đi khảo sát thị trường về, anh Kiều Đình Cảnh, đội trưởng đội Quản lý thị trường số 12 (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Hiện tại, trên thị trường, các mặt hàng khẩu trang vẫn khan hiếm, nhu cầu của người dân còn rất cao. Về nước rửa tay, đặc biệt nước rửa tay khô đã đầy đủ hơn trước do các nhà sản xuất trở lại làm việc và cung ứng ra thị trường”.
Với mức giá tăng theo giờ của khẩu trang, nước rửa tay, người dân chỉ còn biết trông chờ sự vào cuộc của lực lượng chức năng. “Khi nắm được tình hình về giá khẩu trang, tất cả đội đã họp bàn, đưa ra những phương án và xuống hiện trường xử lý các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Chúng tôi cũng đề xuất với cấp trên, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở sản xuất khẩu trang, để các cơ sở đó cung cấp đủ khẩu trang ra thị trường. Còn đối với người dân, chúng tôi khuyến cáo sử dụng khẩu trang, nước rửa tay theo đúng quy định của Bộ Y tế”. Anh Cảnh cho biết.
Trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi tiếp xúc với nhiều người, đội Quản lý thị trường vẫn luôn túc trực tại các cửa hiệu, hướng dẫn và phân luồng người dân khi gặp khó khăn. “Cơ quan Quản lý thị trường, đội Quản lý thị tường số 12, ngay từ ban đầu xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, chính vì vậy cơ quan Quản lý thị trường sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với những hành vi lợi dụng vào dịch Covid-19 nhằm tăng giá, trục lợi, găm hàng. Bảo đảm quyền lợi cho người dân”. Anh Cảnh khẳng định.
“Chúng tôi cố gắng giữ vệ sinh chung...”
Cứ 14 giờ hàng ngày, bà Nguyễn Thị Mai (45 tuổi, quê Hưng Yên) lại đẩy chiếc xe của mình dọc quốc lộ 21b (khu vực phố Xốm, Hà Đông, Hà Nội), thu gom rác thải của người dân, đưa về bãi tập kết. “Mỗi ngày một xe rác đầy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến nhiều phức tạp, nhiều người dùng khẩu trang y tế đã vứt bừa bãi nơi công cộng, gián tiếp đẩy những người lao công tiếp xúc với nguồn bệnh. Mong mọi người dân có ý thức giữ gìn giữ không khí, cảnh quan sạch đẹp, cũng là thiết thực phòng chống dịch bệnh.” Bà Mai chia sẻ.
"Dịch bệnh thì ai cũng sợ, tôi cũng vậy, nhưng ai cũng cần phải mưu sinh để còn lo cho cuộc sống, vì vậy tôi vẫn duy trì công việc của mình đều đặn. Thay vì lo sợ, bản thân tôi chịu khó nghe tin tức, đọc hướng dẫn của các cấp, chính quyền để tự phòng bệnh cho bản thân như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng... các ngành chức năng đang kiểm soát tốt dịch bệnh nên tôi cảm thấy rất yên tâm". Bà Mai thẳng thắn trả lời trước nguy cơ lây nhiễm cao Covid-19.
Trong dịch vẫn hành nghề với ý thức phòng chống dịch...
Anh Trần Quang Lâm (25 tuổi, quê Nam Định), một shipper lâu năm trong nghề Grap, hàng ngày vẫn trên chiếc xe Wave lặng lẽ, len lỏi vào từng góc phố, khu nhà, giao tận tay những gói bưu phẩm cho người dân. Đối với anh, niềm vui là những gói hàng được trao đi. Giao hàng là một trong những nghề di chuyển nhiều nhất, tiếp xúc với nhiều người. Điều đáng nói trong bối cảnh dịch viêm phổi Ncovi-19 hiện nay, nếu như bị mắc bệnh, người giao hàng sẽ là một mầm bệnh di động, phát tán nguy cơ lây nhiễm và khó kiểm soát về cả tốc độ lẫn quy mô.
Chia sẻ về vấn đề trên, anh Lâm từ tốn nói: “Tôi có biết điều đó. Vì dịch bệnh, mọi người hạn chế ra đường, tiếp xúc với nhiều người, họ chọn cách thức đặt hàng online. Trước đó tôi cũng tính nghỉ một thời gian vì dịch, nhưng nghĩ kỹ thì đây cũng là nghề nghiệp của mình, phần cũng là nghĩa vụ của mình nữa. Vì vậy tôi vẫn đi giao hàng nhưng luôn áp dụng các biện pháp phòng chống như đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ khi về nhà, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.
Theo Tuấn Quang
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam