Công an xin lỗi, dân nói tha thứ

Trung úy Nguyễn Văn Bắc - công an phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội - đã có một bài học quý giá về thái độ ứng xử của mình trước người dân sau vụ nhổ nước bọt gây sóng gió trong dư luận. Con người cần phải đối xử với nhau có văn hóa, là sĩ quan cảnh sát khu vực, ngoài sự lịch sự thông thường, còn đòi hỏi sự chuẩn mực của một người thực thi công vụ.

>> Trung uý công an bị tố nhổ nước bọt vào người dân sẽ bị xử lý như thế nào?

Công an xin lỗi, dân nói tha thứ - 1

Công an quận Đống Đa đã tổ chức buổi gặp mặt công khai để trung úy Bắc xin lỗi chị Trần Tú Anh. Buổi xin lỗi này cho thấy, Công an quận Đống Đa rất nghiêm khắc đối với hành vi sai trái của trung úy Bắc, đồng thời thể hiện sự tôn trọng người dân. Chỉ cần có lời nói, cử chỉ không đúng với dân, thì bắt buộc phải xin lỗi. Lỗi nặng hơn, mức độ kỷ luật nặng hơn, không bao che, dung túng. Chính trung úy Bắc cũng nói rằng sẽ nghiêm khắc kiểm điểm bản thân.

Việc tổ chức xin lỗi dân của Công an quận Đống Đa đáng được ghi nhận, trân trọng. Rất mong công an nhiều nơi khác cũng lấy sự kiện này làm gương.

Người nhận mình sai và sẵn sàng nói lời xin lỗi đã là sự ứng xử đẹp, thái độ của người nhận lời xin lỗi có đẹp hay không lại là chuyện khác. Chị Trần Tú Anh đã viết trên trang cá nhân của mình: “Tôi nghĩ như vậy là đủ cho một cái kết có hậu rồi. Là con người ai cũng có lúc sai, biết để sửa thì tha thứ sẽ có thôi. Tôi tha thứ”.

Bỏ qua cho nhau, tha thứ cho nhau rất cần trong lúc này, khi mà con người đang ngày càng trở nên ích kỷ và ác tâm. Mỗi người đều có quá nhiều việc phải lo toan, chưa kể những nỗi đau riêng tư, thêm một sự giận dữ và thù hận ở trong lòng chỉ làm cho cuộc sống nặng nhọc và thất vọng. Trần Tú Anh đã hiểu được điều đó nên tha thứ, chị viết: “Ai cũng có gia đình và có cố gắng của mình, tôi và anh Bắc không hề ngoại lệ. Tôi không muốn dồn ai vào chân tường, càng không kiện cáo thù hận thêm”. Một cô gái 24 tuổi có suy nghĩ chín chắn như vậy thật đáng quý.

Còn một điều nữa, câu “Tôi tha thứ” của chị Trần Tú Anh là một lời nói của dân với cán bộ thực thi công vụ. Dân là “bề trên”, cán bộ là công bộc, điều hiển nhiên đó nhưng đa số cán bộ vẫn đang hiểu ngược lại.

Mỗi công dân hãy biết sử dụng cái quyền làm chủ của mình, và biết lên tiếng đòi quyền làm dân trong một xã hội dân chủ. Hãy thực tập dân chủ để thay đổi, dần dần xây dựng một nền dân chủ thực sự. Công an xin lỗi dân và dân nói lời tha thứ là một biểu hiện của dân chủ.

Lê Thanh Phong

(Theo báo Lao động)