Chống lợi ích nhóm bằng những dấu hỏi

Hai cái tên Nguyễn Đức Kiên, Dương Chí Dũng và vấn đề lợi ích nhóm trong giới nhà băng, quả nhiên trở thành chủ đề nóng khi các vị đại biểu QH thảo luận về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Điều này không lạ. Chính Bộ trưởng Trần Đại Quang- trong báo cáo trình Quốc hội hồi đầu tuần- đã đưa ra con số tổn thất “hàng ngàn tỉ đồng” mà tội phạm kinh tế, tài chính, ngân hàng đã gây ra với những hành vi hết sức nghiêm trọng như “lừa đảo, làm hồ sơ giả, móc nối với cán bộ ngân hàng để chiếm đoạt, huy động vốn của nhiều doanh nghiệp”, làm ảnh hưởng đến hệ thống tài chính tiền tệ cũng như niềm tin của nhân dân.

Chưa bao giờ vấn đề lợi ích nhóm và tội phạm ngân hàng lại nóng như hiện nay.

Nhưng tội phạm ngân hàng không đơn thuần chỉ là việc giám đốc ngân hàng ôm tiền bỏ trốn, không thô thiển là những vụ việc đại loại “nhân viên ngân hàng thâm quỹ 47 tỉ để cá độ” vẫn xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc trên các báo. Bởi vấn đề lớn nhất ẩn sau những cây cột, bức tường thâm nghiêm và kiên cố của nhà băng, là vấn đề lợi ích nhóm.

Bầu Kiên, với tội danh “kinh doanh trái phép”, cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá- ''cha đẻ'' của Luật Doanh nghiệp- bị khởi tố về hành vi cố ý làm trái có lẽ chỉ là một ví dụ trong tình trạng “đúng sai bất phân, thật giả khó lường”.

Xử lý những vụ như vậy, cái khó có lẽ không đơn thuần chỉ là việc chứng minh tội phạm, mà ở vấn đề quan hệ, vấn đề lợi ích nhóm. Huống chi trong thực tế, tồn tại phổ biến tình trạng mà ĐBQH Đỗ Văn Đương gọi là “hành chính hóa, nội bộ hóa các vụ tham nhũng”.

Hôm qua, nhóm lợi ích đã lại được nhắc đến trong các phát biểu. ĐBQH Nguyễn Văn Giàu nói về nhóm lợi ích như sau: Lần đầu tiên tại hội nghị TƯ 4, Tổng Bí thư công khai thực tế nước ta có nhóm lợi ích… Tuy nhiên, báo cáo của các cơ quan tư pháp với QH đánh giá về nhóm lợi ích chưa đủ “độ”.

Thực ra, nói “chưa đủ độ” là một cách nhìn nhận rất lạc quan, bởi chính ông Giàu ngay sau đó đã đề nghị “Cần nhận diện nhóm lợi ích nằm ở đâu, ở chỗ nào”. Một ví dụ được ông Giàu đưa ra chính là vụ bầu Kiên: “Tại sao không đánh giá đầy đủ hơn? Chúng ta biết lâu chưa, tại sao bây giờ mới xử?''.

Và ĐBQH Phan Trung Lý thì nói “người dân đặt câu hỏi”: Dương Chí Dũng bỏ trốn, người dân đặt ngay câu hỏi, vì sao trốn được?

Ông Nguyễn Văn Giàu nguyên là Thống đốc Ngân hàng nhà nước, hiện đang đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế. Còn ông Phan Trung Lý đang đương chức Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội.

Những điều mà các vị ĐBQH nghĩ cũng chính là những điều mà người dân đang suy nghĩ, bức xúc.  

Nhưng nếu một cựu thống đốc, một chủ nhiệm ủy ban kinh tế còn chưa nhận diện được “lợi ích nhóm”, kể cả lợi ích nhóm trong lĩnh vực ông từng làm “tư lệnh”, thì làm sao người dân có thể biết nó là ai, ở đâu. Nếu một vị chủ nhiệm ủy ban pháp luật còn chưa biết vì sao Dương Chí Dũng có thể bỏ trốn, thì chẳng lẽ người dân lại có thông tin để giải tỏa thắc mắc. Có lẽ vấn đề lớn nhất tại buổi thảo luận tại Quốc hội- về tội phạm, là các đại biểu QH dù thảo luận, nhưng không có thông tin- ngoài ý kiến và những câu hỏi mà người dân đã nêu ra.

Nếu “thảo luận” là làm rõ thực trạng để tìm ra giải pháp, thì hôm qua ở Quốc hội, thực trạng còn đang tồn tại dưới dạng những câu hỏi. Liệu người chiến sĩ ra chiến trường mà tay không vũ khí, không biết kẻ địch là ai, đang trốn ở đâu, thì có bảo vệ được nhân dân và chính bản thân mình?
 
Theo Đào Tuấn
Lao Động