Chọn câu hỏi dễ hay khó với cầu Long Biên

(Dân trí) - Có vẻ như người dân vẫn chưa tin vào lời hứa của UNBD Hà Nội, rằng “sẽ có phương án tối ưu cho cầu Long Biên”. Kể cả nói “sẽ còn bàn bạc và thảo luận tiếp về các phương án đã được đề xuất” cũng chẳng giúp trấn an được dư luận là bao.

 
Cầu Long Biên trong ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp Léon Busy, chụp vào khoảng năm 1915-1920.
Cầu Long Biên trong ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp Léon Busy, chụp vào khoảng năm 1915-1920
 

Ý nghĩa Di sản

 

Nhiều ý kiến của bạn đọc bày tỏ ủng hộ quan điểm của GS.TS Nguyễn Việt Châu (Viện trưởng Viện Kiến trúc) rằng: cái sai lớn nhất của các phương án đưa ra là cách ứng xử với cầu Long Biên như với vật vô tri vô giác. Với hàng loạt ý nghĩa của cây cầu, dư luận cũng có chung mong muốn rằng cầu Long Biên cần được công nhận là di sản để được bảo tồn theo Luật Di sản:

 

“Phải chăng cầu Long Biên không xứng đáng là di sản? Nhiều cái lý do có vẻ như muốn nói "người Pháp thời đó sản xuất thép không tốt bằng bây giờ", thử hỏi nếu VN bây giờ mà sản xuất dầm thép có chịu được mưa nắng 100 năm không? Cần phải tổ chức hội thảo khoa học về cầu Long Biên, mời các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia và phản biện khoa học để có giải pháp tối ưu. Chứ tranh cãi kiểu này mãi chỉ càng tốn giấy mực mà thôi” - Lê Thắng:  thelang623@yahoo.com

 

“Những người đòi phá dỡ cầu Long Biên, theo tôi là duy ý chí. Nếu mai sau lớp người mới lên cũng đòi phá đi những công trình của thời nay thì họ nghĩ sao? Nếu phá đi thì còn đâu những công trình kiến trúc cổ đã làm lên lịch sử nữa? Còn đâu những cuộc khai quật khảo cổ nữa? Nước ta vẫn đang quyết tâm bảo tồn những công trình cổ đấy thôi. Nhìn ra nước ngoài họ cũng làm thế…. Nếu phá đi còn đâu những Tháp Chàm, phố cổ Hội An, thành Cổ Loa, đình chùa, nhà thờ đá Phát Diệm và bao các công trình khác nữa? Phá thì dễ, còn bảo tồn, duy tu, tôn tạo đúng nguyên như cũ mới khó. Nhưng làm được thế mới là thể hiện tầm nhìn của các nhà quản lý có lương tri đấy!...” -  Trần Anh Tuấn:  hoitin@yahoo.com.vn

 

“Cây cầu này gánh vác và góp phần làm nên lịch sử, đã ăn sâu vào tiềm thức và trái tim bao người VN. Nhất là những ai từng trải qua 2 cuộc chiến tranh thì mới càng thấy biết ơn và yêu quý cây cầu này thế nào. Cần chấm dứt cái suy nghĩ di dời cầu Long Biên đi nhé! Để yên thì nó vẫn là cầu Long Biên, chứ bây giờ mà đụng vào, tháo dỡ ra thì nó sẽ biến ngay thành đống sắt vụn và tiền dự án lại về túi… ai đó đấy! Người dân thì sẽ vĩnh viến mất cây cầu Long Biên! Người đi xa về Hà Nội sẽ không còn biết đến cầu Long Biên nữa đâu!” – Nguoi Hanoi xa xu:  nguoixaxu@gmail.com

 

“Nếu bỏ cầu Long Biên thì 1 di tích lịch sử của 2 cuộc kháng chiến, của 1 Điện Biên Phủ trên không… chỉ còn trong sách vở. Giá trị của cầu Long Biên to lớn, không cần bàn cãi nữa. Nhưng những nhà hoạch định ở thời này, liệu đã từng ở những thời điểm lịch sử của cầu không mà lại có những ý kiến như thế nhỉ? Tuy mới là sinh viên 21 tuổi, không ở thời điểm lịch sử ngày xưa, chỉ biết đến lịch sử cầu Long Biên qua tư liệu và phim ảnh, nhưng tôi thấy nó thật là kỳ vĩ. Một chứng tích hào hùng dân tộc thì sẽ không bao giờ là lỗi thời và càng không thể nói "phá vỡ cảnh quan phố cổ Hà Nội" được!” - Hoàng Hùng:  jpsmhjimh@gmail.com

 
Cầu Long Biên (ảnh: Dai Tran)
Cầu Long Biên (ảnh: Dai Tran)
 
Hài hòa và hợp lý

 

Điểm thắt nút gây tranh cãi về số phận cầu Long Biên, theo ý kiến của Bụi Đường congiola93nd@gmail.com là ở chỗ hình như chúng ta vẫn chưa tìm được cách giải quyết hợp lý, trong khi kho tàng kinh nghiệm gần xa về vấn đề này khá phong phú.

 

 “Tại chúng ta chưa tìm ra cách giải quyết hợp lý thôi. Ở các nước phát triển, cơ sở hạ tầng kiến trúc của người ta hiện đại nhưng những thứ cổ như cầu, nhà thờ...người ta có  phá đâu, vẫn còn và được tu sửa vì đó là những tài sản vô giá”.

 

“Phố cổ Hà Nội và cầu Long Biên là một thể thống nhất như chân với tay, vậy mà 30 năm nay trăn trở vẫn không tìm ra giải pháp ??? Nói thật hay đùa đây? Hơn 100 năm trước, với vật liệu và kỹ thuật xưa, các kỹ sư Pháp và "nông dân" VN đã làm được cây cầu tồn tại vượt qua 100 năm trải qua cả đạn bom và bao bão tố. Vậy mà nay muốn làm được như thế là không thể được, phải thu nhỏ? Thật hài hước cho ý kiến đó! Không làm được thì giữ nguyên cho nó lành” - Vũ Hồng:  hvulai@gmail.com

 

“Theo tôi, các chuyên gia về kiến trúc của Bộ GTVT nên và cần học hỏi về tầm nhìn xa, như những người đã thiết kế và xây dựng cầu Long Biên. Dù cây cầu đã được xây dựng cách đây trên 1 thế kỷ nhưng vẫn còn sử dụng được (mặc dù đã lâu không được tu bổ, sửa chữa). Ngoài ra cầu Long Biên cũng là 1 biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, nên tu bổ và bảo trì nguyên trạng. Không thể phá dỡ đi được…” - Trần Thắng:  thangtran01889@yahoo.com.vn

 

“Theo ý kiến cá nhân tôi. Bảo tồn di tích văn hóa là điều thiết thực nên làm. Cầu không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là một phần hình ảnh của Hà Nội, nhưng tôi nghĩ cũng cần cân nhắc rất nhiều yếu tố khác như: tài chính, thuận lợi cho sự phát triển của Thủ đô, thuận tiện cho nhân dân... Mong rằng các vị lãnh đạo sẽ có phương án giải quyết hợp lý nhất, thỏa lòng dân, có lợi cho đất nước. Mong độc giả hãy nhìn vấn đề ở nhiều mặt, không riêng ý nghĩa lịch sử và cũng không phải chỉ riêng về mặt kinh tế, thuận tiện giao thông...” - Tuấn Phạm:  tuanhero2512@gmail.com

 

“Chùa Một Cột hiện nay cũng được xây mới hoàn toàn từ nguyên bản, vẫn được xem là một di sản quốc gia. Cầu Long Biên cũng đã không còn nguyên bản của hơn 100 năm trước sau khi bị chiến tranh tàn phá. Theo tôi, có thể nghiên cứu chọn phương án di dời 9 nhịp cầu Long Biên gốc còn lại đến vị trí khác để làm du lịch và bảo tồn. Xây 1 cây cầu mới tại vị trí cũ với thiết kế kiến trúc giống như cầu Long Biên cũ, với công nghệ và vật liệu hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Hà Nội. Cũng như chúng ta xây nên một công trình kiến trúc mới, đẹp để lại lâu dài cho thế hệ sau.

 

Như ở Thái Lan, có nhiều di tích đã bị tàn phế, họ không trùng tu lại di tích đó mà di dời nó sang một bên gần vị trí cũ, sau đó xây mới một công trình nguyên bản tại đúng vị trí của di tích cũ. Như thế du khách vẫn có thể vừa tận mắt chiêm ngưỡng phế tích, vừa có cơ hội xem di tích đó nguyên vẹn nó như thế nào. Đó là một cách làm hay, chúng ta nên học hỏi để bảo tồn và phát triển các di tích văn hóa của đất nước” - Hồ Thanh Tùng:  hthanhtung@gmail.com

 

Chỉ 2 từ “hợp lý” thôi mà xem ra càng bàn, càng trăn trở càng rối!? Dỡ ra thì rõ ràng là "chọn câu hỏi dễ" rồi, vấn đề là đa số người dân vẫn "chọn câu hỏi khó" - muốn bảo tồn, tôn tạo cây cầu "mang theo mình bao nhiêu nỗi nhớ" này. Mà đã phù hợp với lòng dân thì không có việc gì khó!

 

Kiều Anh