“Chặn trước” việc hình thành khu ổ chuột bằng... nhà ở xã hội

(Dân trí) - “Việt Nam may mắn khi chưa phát sinh những khu nhà ổ chuột tại đô thị do người dân quá túng quẫn, bế tắc trong việc lo chỗ ở. Đầu tư nhà ở xã hội ngay từ giờ cũng là “chặn trước” tình trạng đó” – Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói.

Trình bày tờ trình về dự thảo luật Nhà ở sửa đổi tại phiên họp thẩm tra luật của UB Pháp luật của Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh nội dung đổi mới phương thức thực hiện, quy định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm phục vụ cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp khó khăn về nhà ở. Luật xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước (cả ở TƯ và địa phương) cũng như khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Thể hiện chủ trương phát triển nhà ở xã hội, Điều 69 dự thảo luật đưa ra đề xuất lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội. Đây là tổ chức tài chính nhà nước của địa phương do UBND cấp tỉnh thành lập để hỗ trợ vốn cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội và các đối tượng được tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Vốn hình thành quỹ gồm 10% tiền sử dụng đất của địa phương, vốn từ bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn, vốn ngân sách địa phương cấp hàng năm cho quỹ, vốn từ phát hành trái phiếu, công trái, tiền gửi tiết kiệm của người có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại phiên họp thẩm tra luật Nhà ở tại UB Pháp luật.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại phiên họp thẩm tra luật Nhà ở tại UB Pháp luật.

Cơ quan thẩm tra dự án luật (UB Pháp luật của Quốc hội) cho rằng, luật Nhà ở hiện hành, Điều 52 đã quy định cụ thể việc phát triển quỹ nhà ở xã hội. Vì vậy, UB Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo luật (Bộ Xây dựng) làm rõ nguồn quỹ nhà ở xã hội hiện nay ở các địa phương đã được hình thành, quản lý, sử dụng như thế nào. Yêu cầu khác là so sánh với quy định mới trong dự thảo luật sửa đổi để dự kiến được quỹ nhà ở xã hội sẽ tăng như thế nào, mức độ đáp ứng yêu cầu vốn để phát triển nhà ở xã hội ra sao.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực UB Các vấn đề xã hội đặt vấn đề, luật mới phải làm thế nào để những người nghèo, người lao động, công nhân được mua, thuê nhà tiện lợi hơn. Miêu tả lại nhiều hình ảnh những gia đình công nhân, cả vợ chồng, con nhỏ ở trong những căn nhà trọ chật chội, nóng bức, bà Khá cho rằng cần suy nghĩ rất nhiều. Điều kiện tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn cho những đối tượng này, theo nữ đại biểu là các quy định về mua trả góp, hỗ trợ giá thuê… phải thật sự đột phá.

“Quan điểm, chính sách như Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trình bày rất tốt nhưng vấn đề hiện nay là thực tế, đa số nhà đầu tư đều muốn làm nhà thương mại nhiều hơn nhà xã hội vì lợi ích cao hơn thấy rõ. Để khuyến khích nhà đầu tư đi vào lĩnh vực này, cần sự hỗ trợ từ ngân sách hay cơ chế đặc thù khác” – nữ đại biểu gợi ý.

Đại biểu Trần Thanh Hải (TPHCM) cũng phân tích, nhà ở xã hội hiện nay, để mua được vẫn cần phải có thu nhập khá cao. Với diện tích chỉ khoảng 25m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 thì với thu nhập bình quân 5 triệu/tháng của công nhân, bài toán mua nhà vẫn khó tính. Ông Hải đề nghị nâng quy định cho vay 5 năm lên mức 10 năm.

Ông Hải cũng kiến nghị tăng cường quỹ nhà cho thuê thay vì nhà để bán.

Về quy định xây dựng Quỹ nhà ở xã hội, đại biểu cho rằng Điều 52 chưa thấy sự hiện diện, vai trò của khu vực doanh nghiệp, trách nhiệm đang dồn cho ngân sách nhà nước. Cụ thể, ông Hải đặt vấn đề, doanh nghiệp ở trong và ngoài khu công nghiệp đều cần tham gia công việc làm nhà ở xã hội cho người lao động.

Ngoài ra, đại biểu kiến nghị bổ sung thêm nguồn lực huy động cho chính sách phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp có đất đầu tư làm nhà ở xã hội hay luật hóa cả hình thức doanh nghiệp thưởng cho lao động xuất sắc bằng một căn hộ như một số nơi đã thực hiện thời gian qua.

Đánh giá chính sách phát triển nhà ở xã hội là một điểm sáng của dự thảo luật Nhà ở sửa đổi nhưng Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông cũng còn băn khoăn khi các quy định mới chỉ hướng đến những biện pháp ưu đãi để huy động doanh nghiệp kinh doanh BĐS tập trung làm nhà ở xã hội. Cùng quan điểm với đại biểu Hải, ông Thông cho rằng cần hướng chính khối doanh nghiệp sản xuất xây nhà ở cho người lao động công nhân của mình, cho thuê với giá thật thấp.

Dẫn ví dụ về thành công của Nhật Bản trong việc này, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật ủng hộ lập luận, nhà ở xã hội nên hướng đến mục đích cho thuê là chính vì lương công nhân, thu nhập của lao động phổ thông không biết bao giờ đủ để mua một căn nhà đến mấy trăm triệu đồng.

Ghi nhận các ý kiến đưa ra, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng làm rõ thêm quan điểm, khác với trước đây, nhà ở được hỗ trợ như một loại hàng hóa cho không, luật sửa đổi lần này xác định mức hỗ trợ theo hướng kiểm soát để DN làm nhà ở xã hội chỉ lãi 10%, quy định giá trần của sản phẩm, tổ chức khâu cung cấp cạnh tranh theo cơ chế thị trường nhưng giá lại thấp hơn giá thị trường. Người dân có thể dược hỗ trợ 20-30%, thậm chí 40% giá trị căn nhà.

“Nếu không tính tiền sử dụng đất nữa thì không lý gì nói nhà giá vẫn cao cả vì giá nhà đội lên là do giá đất. Mặt khác, thu tiền sử dụng đất, mục đích cuối cùng cũng là để đưa vào ngân sách, để đầu tư hạ tầng đất nước. Vậy thì không thu tiền sử dụng đất để khuyến khích đầu tư vào nhà ở cũng là một kênh đầu tư” – Bộ trưởng Dũng cho biết, đây là kinh nghiệm học được từ các nước, khi khủng hoảng, nhà nước bỏ tiền vào đầu tư nhà ở xã hội để vừa kích cầu kinh tế, vừa hỗ trợ cho người nghèo.

Người đứng đầu ngành Xây dựng phân tích, như đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam may mắn khi chưa phát sinh những khu nhà ổ chuột tại đô thị do người dân quá túng quẫn, bế tắc trong việc lo chỗ ở. Đầu tư nhà ở xã hội ngay từ giờ cũng là “chặn trước” tình trạng đó.

P.Thảo