Cầu Chương Dương cho tương lai trong mắt dân

(Dân trí) - Hai phương án khắc phục tình trạng cầu Chương Dương, Hà Nội còn đang được cân nhắc, nhiều ý kiến phong phú và đa dạng của các “chuyên gia ngoài ngành” đã rộ lên. Bên ủng hộ sửa chữa để tiết kiệm, bên hướng tới hình ảnh cây cầu xứng tầm biểu tượng Thủ đô…

Cầu Chương Dương - Hà Nội (ảnh minh họa: Phúc Hưng)
Cầu Chương Dương - Hà Nội (ảnh minh họa: Phúc Hưng) 

 

Tấm áo mới đẹp đẽ...

 

Nhấn mạnh ý nghĩa cây cầu biểu tượng cửa ngõ Thủ đô, Vũ Thị Thu Huyền huyenmy74@yahoo.com.vn lý giải:

 

“Đây là kế hoạch đem lại lợi ích cho giao thông Hà Nội, vì cầu Chương Dương này quá nhỏ so với nhu cầu giao thông hiện nay. Trong khi đó đây lại là cửa ngõ của Thủ đô”.

 

Ly Bao Ha Lybaoha@gmail.com nêu rõ:

 

“Tôi nghĩ Hà Nội nên xây mới không những mới mà phải thật là hiện đại, bởi Hà Nội chưa có cây cầu nào xứng tầm với vóc giáng ngàn năm văn hiến của Thủ đô. Nên cần có cây cầu làm điểm nhấn về mặt thẩm mỹ cũng như  nhu cầu giao thông đi lại an toàn của người dân...”

 

Nick Người Hà Nội nguoihanoi@yahoo.com lưu ý yếu tố an toàn:

 

“Nhà nước đã có phương án này thì hãy nhanh tay thực hiện dùm, để có được cây cầu mới hiện đại, to đẹp, hành tráng và quan trọng nhất là an toàn cho người dân. Đừng để khi xảy ra sự cố rồi thì mới nói ‘giá mà làm nhanh hơn’… Tôi hy vọng phương án sẽ được thực thi thật nhanh, nói là làm”.

 

Nick Cầu Chương Dương Vuthanhtung@gmail.com góp ý trên cơ sở phân tích “bề dày lịch sử” cầu:

 

“Cầu này có 20 nhịp  bao gồm 11 nhịp dàn thép chạy dưới và 9 nhịp dầm thép (chứ không phải nhịp bê tông) cầu. Theo thiết kế ban đầu chỉ có 2 làn ô tô chạy ngược chiều ở làn giữa,  2 làn biên ban đầu dành cho xe máy, gần đây do lưu lượng ô tô quá đông mới cho đi thêm vào 2 làn biên (chứ không phải làn xe máy chỉ rộng 1,5m).  Cầu do đơn vị 3 lần được phong danh hiệu Anh hùng là Công ty Cầu 12 của Tổng 1 và Tổng Thăng Long thi công. Suốt 1 thời gian dài đây là cây cầu huyết mạch,  muốn đi từ các tỉnh Đông Bắc (Hải Phòng,  Quảng Ninh....vào các tỉnh phía Nam) đều qua cầu này, nên lưu lượng xe lưu thông rất lớn. Đặc biệt là  hầu hết xe container ở miền Bắc đều chạy qua đây.  Cây cầu đã phục vụ suốt quá trình đổi mới,  phát triển kinh tế của miền Bắc thời kỳ khó khăn. Nay có điều kiện cũng nên xây 1 cây cầu mới với  quy mô lớn hơn cho đảm bảo mỹ quan và phù hợp với tiến trình phát triển của thành phố”.

 

“Theo tôi, cần phải xây lại bằng một cây Cầu Đôi Chương Dương, thay thế cho cây cầu hiện nay. Và phải có một cây cầu mang tầm cỡ như một công trình hiện đại bậc nhất thế giới, nhưng mang đậm đà bản sắc dân tộc VN như một biểu tượng của đất nước. Cây cầu phải có đường đi bộ cho du khách và có đường xuống khi muốn đi chơi du thuyền trên sông Hồng. Một cây cầu có kiến trúc đẹp và hiện đại như cây cầu của London của nước Anh, tháp Effel của Pháp....” - Nguyễn Ngọc Điệp (xã Đông La, Hoài Đức, HN):  Ngocdiepcdl@gmail.com

 

Bui Vang buivang82@gmail.co cùng nhiều bạn đọc khác một mặt ủng hộ xây cầu mới, một mặt kèm theo những lời cảnh báo, nhắc nhở những bài học kinh nghiệm thiết thực:

 

“Xây một cây cầu mới là khoác cho Thủ đô một tấm áo mới, mong các nhà hoạch định tính toán cho kỹ để tấm áo ấy có ý nghĩa khi mặc lên, bởi dân ta còn nhiều người nghèo lắm!”

 
“Cầu làm mới phải nghiên cứu kỹ về địa chất, kỹ thuật và chất lượng phải đảm bảo đúng thiết kế và tiêu chuẩn thì cầu mới bền vững được. Cần loại bỏ hoàn toàn ‘khâu bớt xén’ thì cầu Chương Dương mới đạt được tiêu chuẩn chất lượng. Đừng như mấy cây cầu vượt trên cao, vừa thi công xong đưa vào hoạt động được mấy tháng đã cần đến cả chục tỷ để khắc phục!”

 

An Khanh ankhanh@ymail.com:

 

“Đà Nẵng nhỏ hơn HN, nhưng số cầu vượt sông  đẹp và hiện đại đáng để HN mơ ước!”...
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

... Hay áo rách khéo vá hơn lành vụng may

 

Quan điểm này luôn được dư luận nêu rõ, không phải chỉ với các dự án giao thông nói riêng mà với tất cả các công trình xây dựng của VN nói chung. Tâm lý lo xa đó có vẻ như vẫn luôn mang tính thời sự, bởi vẫn còn đó bao minh chứng về những công trình vừa xây xong đã hỏng, thậm chí đang xây đầu nọ đã hỏng đầu kia. Trong khi không ít công trình có tuổi thọ lớn hơn rất nhiều mà vẫn trụ vững theo thời gian, rất đáng đem ra so sánh để có được những ý tưởng được cho là thiết thực hơn. Mục đích chính vẫn là tránh lãng phí.

 

“Tôi được biết cầu Chương Dương do ta thiết kế, xây dựng. Kết cấu thép do Trung Quốc sản xuất theo đơn đặt hàng của ta. Thời kì đó cầu Chương Dương được cho là một cây cầu hoàn hảo về mọi mặt, mà nhất là cây cầu do ta thiết kế thi công. Nay cầu có một số vấn đề thì ta nên giải quyết bằng cách sửa chữa, sau đó chỉ nên cho xe du lịch và xe máy lưu thông vì giao thông Thủ đô nói chung và giao thông qua cầu nói riêng vẫn còn tắc nghẽn nhiều. Xây thêm cầu thì tốt hơn, còn cầu Chương Dương sau sửa chữa vẫn tốt thì chỉ cho xe nhỏ qua vẫn đảm bảo an toàn. Tôi nghĩ, đó là phương án tốt nhất cho giao thông Thủ đô hiện nay” - Công Minh: congminh@yahoo.com.vn

 

“Cầu Thăng Long xây trước bao nhiêu lâu, xe liên tỉnh chạy qua nhiều mà còn chắc chắn. Vậy nên theo tôi là không xây mới, chuyển bớt tải sang các cây cầu khác. Không cho nhiều xe đi vào nội đô nữa. Không cho tàu chạy qua cầu Long Biên, chỉ cho xe trọng tải thấp qua lại để chia tải với Chương Dương” – Thai Binh: thaibinh12@gmail.com

 

“Theo tôi, nên để nguyên cầu Chương Dương. Chỉ cần bảo dưỡng cho các phương tiện hạng nhẹ được đi. Đồng thời xây dựng thêm 1 cây cầu nữa nối thẳng vào đầu đường Trần Hưng Đạo, về lâu dài sẽ khắc phục được rất nhiều tình trạng tắc đường, bởi vì từ đường này các phương tiện rẽ được sang nhiều đường khác” - Tom: thanhdoa72@gmail.com

 

“Cầu Chương Dương mới làm năm 1985 đến nay mới  được có 28 năm,  nếu so với Cầu Sài Gòn làm năm 1960  đến nay sử dụng được 53 năm mà “vẫn chạy tốt " tuy có gia cố và mở rộng. Đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa các chuyên của Bộ GTVT nghiên cứu xem… sao họ làm tốt mà ta làm dở thế, để khi làm cầu đường thì làm cho tốt, chứ cứ như vậy lãng phí tài sản của Nhà nước cũng là của dân đóng thuế quá. Chỉ làm nghèo đất nước thôi… Mong lắm thay !!!” - Nguyễn Huy: nguyenhuy_150@yahoo.com

 

“Nghĩ trong đầu, rất dễ. Vẽ ra viễn cảnh, không khó. Nhưng thực hiện, khó lắm! Thực hiện đúng như vẽ, càng khó nếu không muốn nói là không thể trong 50 năm tới. Chỉ tính riêng việc nắn dòng chảy và kè bờ hai bên (chỉ cần để giữ đất thôi) mà suốt 20 năm nay có làm được đâu. Thôi! xin đừng "mơ về nơi xa lắm" nữa Người Hà Nội ơi!”  - Nguyễn Văn Nội:  noictct@yahoo.com.vn

 

Vẫn biết rằng còn nhiều khó khăn, rất cần phải tiết kiệm từng đồng để chi cho những mục đích thiết thực của cuộc sống. Nhưng ước mơ về những công trình tốt đẹp hơn, đàng hoàng hơn có lẽ cũng rất nên bởi…phía trước là tương lai.  

Kiều Anh