Bạn đọc viết:
Căn bệnh thường gặp của người lái xe đường dài
(Dân trí) - Tôi đã từng lái xe khách đường dài nhiều năm. Những người lái xe khách đường dài thường có tay lái cứng và giàu kinh nghiệm, vậy mà tai nạn thảm khốc vẫn thường xảy ra, vì sao?
Đa số tai nạn nghiêm trọng liên tiếp xảy ra gần đây đều rơi vào các xe khách chạy đường dài. Tài xế xe khách mà không giàu kinh nghiệm sao? Tất cả đều dày dạn. Ai cũng phải trải qua ít nhất 5 năm ôm vô lăng các loại xe nhỏ, xe lớn, rồi sau đó mới được thi nâng hạng lên D, lên xe khách hạng E. Chưa kể số đông là những tay kỳ cựu trên bốn mươi, năm mươi tuổi cầm lái…
Một số lỗi cơ bản thường gặp ở lái xe
Đầu tiên phải nói đến là bệnh lấn đường, lấn tuyến: đây là căn bệnh kinh niên thường gặp nhất và hay gây tai hoạ nhất. “Lấn len” - ngôn ngữ của các bác tài chỉ việc lấn làn, lấn tuyến, lấn qua vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, lấn qua vạch giới hạn đường bộ…v.v.
Đặc thù đường Tây Nguyên nói riêng, đường Việt Nam nói chung là đường đèo dốc, quanh co uốn lượn, tầm nhìn hạn chế. Ngoài các biển báo nguy hiểm, người ta thường đặt các biển cấm, biển báo hạn chế tốc độ. Bên cạch đó ở trên tất cả các quốc lộ, hay tỉnh lộ, khi chưa có điều kiện đặt dải phân cách giới hạn hai chiều xe chạy riêng biệt, người ta dùng vạch liền nét để chia đường. Gặp vạch này người lái không được cho xe lấn qua, đặc biệt là những nơi quanh cua liên tiếp.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Luật là vậy nhưng có mấy ai thèm để tâm, để ý. Xe vào đường quanh co mà chân cứ đạp hết ga. Lực li tâm và lực quán tính, lực đẩy khiến chiếc xe luôn có chiều hướng bay ra ngoài lề đường, buộc các lái xe chỉ còn cách duy nhất là lấn đường. Tốc độ càng lớn thì phần đường ngược lại nguy cơ bị lấn, bị khoá càng cao.
Từ chỗ này, nếu ai thường xuyên đi trên các con đường Tây Nguyên hay xuyên Việt theo đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh sẽ thấy các bác tài nhà ta sinh ra một sáng kiến có một không hai trên thế giới. Đó là khi vào các khúc quanh, cửa trước bên phụ sẽ được mở ra, một lơ xe sẽ treo người nơi đây để quan sát, báo hiệu xe ngược chiều, hoặc chướng ngại vật phía trước báo tài xế xử lý.
Bệnh chủ quan tiếp theo là khâu chuẩn bị xe cộ: Thường rơi vào mùa ăn khách, lễ tết, mùa học sinh thi cử, mùa thu hoạch cà phê, tiêu, điều… Khi đó lượng khách đi lại xe tăng đột biến, nhà xe thường tranh thủ thời gian, quay đầu liên tục nên việc chăm sóc, bảo dưỡng bị xem nhẹ.
Chỉ một ví dụ đơn giản là khâu kiểm tra định kỳ hằng ca, hằng kíp. Ngoài việc thăm dầu, mỡ, nhớt, nước… thì khâu kiểm tra xiết chặt phải làm thường xuyên hàng ngày. Xe chạy văng bánh ra ngoài, mất lái bất ngờ, gãy, vặn xoắn, hoặc rớt cạc đăng ( trục nối, truyền động từ động cơ đến cầu trước, cầu sau ), gãy láp ( trục truyền động từ cầu đến các bánh chủ động)…phần lớn là do bất cẩn, chủ quan, không kiểm tra, kiểm soát, xiết chặt, gia cố, sửa chữa kịp thời.
Bệnh xài đồ cổ: tận dụng lốp cũ, lốp mòn, lốp không đúng kích cỡ, lốp đắp. Đây là một hiện tượng khá phổ biến ở các nhà xe hiện nay trong thời buổi kinh tế khó khăn. Và thường rơi vào các xe chợ, xe dù, xe thu nhập kém, kể cả một số xe chất lượng cao. Hiểm hoạ thường xuyên rình rập là khôn lường và không ai dám nghĩ đến hậu quả… Nhưng vì đồng tiền, vì mưu sinh sống còn… Người ta đánh đổi tất cả và trông chờ vào may rủi!
Tôi đã từng nhiều lần vừa đi vừa khấn lâm râm và bò như rùa qua nhiều km khi một lốp phía sau bị nổ, vừa đi vừa tìm các tiệm vá lốp trên đường để nhà xe trả giá từng đồng mua lại lốp cũ. Cũng xin nói để mọi người có cái nhìn độ lượng một tý, nhiều nhà xe đói đến mức phải thế chấp giấy tờ để đổ xăng dầu, có khi ký nợ. Cái đáng trách, đáng phê phán là tài xế (cũng có khi là do chủ xe ép buộc) sau khi thay lốp và sử dụng lốp cũ không hề ý thức đến sự nguy hại, để rồi chạy đua bù thời gian bắt khách, tránh công an…
Còn rất nhiều căn bệnh chủ quan của cánh tài xế, chỉ xin nói về bệnh nói chuyện và nghe điện thoại khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Vào khu đông dân cư, thành phố, thị xã, thị trấn, chợ, trường học, nơi có nhà cửa gần đường, trẻ con, súc vật hay băng qua đường… Tài xế vẫn quay ngược, quay xuôi nói chuyện. Lúc thì nghe điện thoại phùng mang trợn mắt, lúc cao hứng khoa chân múa tay, cười nhắm mắt nhắm mũi, bỏ cả hai tay khỏi vô lăng lái... Ngoài những tai nạn khi có những tình huống bất ngờ xảy ra mà tài xế không kịp phản ứng, do lỗi thiếu quan sát, không làm chủ.
Biết sợ…cũng là một biện pháp giảm tai nạn
Nhiều hôm trắng đêm, một mình đối diện với chính mình mà tự vấn, mà chảy nước mắt! Tôi nghĩ nhiều đến nghề tài xế. Xã hội hiện đại, vô tình đổ lên đầu cái nghề này thêm nhiều nỗi lo: lo sợ lớn nhất tai nạn luôn thường trực. Ngày chạy xe thuê, lấy cái ghế tài xế làm giường, ca bin là nhà của mình. Tôi không lo cho mình mà chỉ lo cho người ta: sắm được cái xe là mồ hôi nước mắt tích góp cả đời… nhắc mình phải giữ gìn, phải cẩn thận, không thể để bàn tay mình phá sập căn nhà hay tiền đồ nhà họ.
Ngày nhận khoán chiếc xe của công ty vận tải hàng hoá Đăk Lăk, tự chủ một chiếc xe, tôi mừng một phần vì mình đã đủ lông đủ cánh thì ít. Mà lại lo đến gia đình, mẹ già ở quê vẫn một nắng, hai sương, anh em nheo nhóc mỗi đứa một phương trời tìm việc nhiều hơn.
Nhận chiếc xe là tự đặt lên vai mình trách nhiệm, trách nhiệm với công ty, trách nhiệm với gia đình, xã hội. Chỉ cần một sơ sẩy là đánh đổi tất cả!… Tôi sợ mẹ tôi, anh em tôi sẽ khóc vì tôi. Tôi sợ những người còn sống sẽ phải dỡ cái nhà từ đường, cái nhà truyền kiếp… nghèo mà ông bà để lại mà đền cho người bị nạn.
Tôi lo cuộc đời sau tay lái chông chênh, tai nạn và cái chết luôn rình rập, có thể một ngày nào đó sẽ đến lượt mình. Người ta hay sợ những điềm gở. Chỉ một câu nói đụng tới chuyện xui xẻo sẽ bị người ta bảo là miệng mắm, miệng muối”… Cánh lái xe thì đa số kiêng cữ kinh khủng: xuất phát ra cửa mà gặp đàn bà bầu thì chỉ có nước quay về. “Mùng năm, mười bốn, hăm ba/ đi sao về vậy chẳng ra cái gì”, hay “chớ đi ngày bảy/ chớ về ngày ba”… Cơm khê, cơm sống, thịt chó… tốt nhất là nhịn chứ chớ có đụng vào. Tôi lại không sợ những chuyện vớ vẩn đó.
Có lần, một ông khách vui vẻ bắt chuyện, chủ yếu là hóng hớt cho vui, cho tài xế đỡ buồn ngủ. Tôi đề nghị ông khách đi ngủ để tôi yên, tập trung cho việc lái. Bị từ chối nói chuyện, ông khách nổi xung “ Mày là cái đ… gì mà tinh tướng gớm vậy”. Tôi nói: “Anh thông cảm, tôi không thích nói chuyện. Nếu tôi nói chuyện với anh cái xe dễ tông vào người đi đường, hay lao vào trụ điện…” Anh ta chửi tôi là điên, là tài xế không bao giờ được nói những điều xui xẻo đó. Tôi chỉ biết cười gượng.
Lạy Chúa, rất lạ! Người ta cứ sợ, tránh không dám nói những điều như vậy. Tôi cứ nghĩ, cứ nói tuột luốt như: Có khi ăn cơm trưa xong ra chạy một tí nữa tai nạn sẽ xảy ra với mình không? Cái xe ngược chiều kia lỡ buồn ngủ mà lao vào thì mình làm sao?.... Nghĩ, lo lắng và sợ… khiến tôi nhả bớt chân ga….Và suốt hai mươi năm qua tôi vẫn đi và trở về nơi tôi yêu dấu với những chuyến xe an toàn là vậy đấy.
Thay cho lời kết…
Trong điều kiện bài toán an toàn giao thông chưa có lời giải, mỗi người, mỗi gia đình xin hãy biết sợ tai nạn giao thông và luôn nhắc nhau: Hãy cẩn thận! Hãy tự biết lo cho mình mỗi khi ra đường, hãy để ý quan sát. Đơn giản có khi chỉ là từ trong nhà chạy ra đường lộ, phóng cái vèo thì có ngày…chết trước mặt người thân của mình.
Chịu khó nhường nhịn… đừng bao giờ tin là họ đã thấy mình bật xi nhan và nhường mình. Đừng bao giờ tin xe lớn sẽ nhường xe nhỏ hay ngược lại, hoặc họ sẽ thắng kịp. Hãy đi chậm, đi đều sẽ nhanh hơn rất nhiều khi đã xảy ra va quẹt hay húc vào đâu đó… Chỉ có như vậy thì những điều tốt đẹp sẽ có cơ may đến với tất cả mọi người.
LTS Dân tr í- Bài viết trên đây của chính “người trong cuộc” đã nhiều năm lái xe khách đường dài nêu lên khá cụ thể những nguyên nhân gây nên tai nạn thảm khốc vẫn thường xảy ra đối với những xe chở khách chạy đường dài.
Tựu trung là do bệnh chủ quan, rất hay mê tin vào những “điềm gở” nhưng lại thiếu đức tính cẩn thận để chuẩn bị đầy đủ các khâu kỹ thuật cần thiết trước khi chạy xe. Cũng như thiếu đức tính kiên nhẫn, biết nhường nhịn lúc đi đường, cho nên dễ dẫn tới tình huống chỉ ”sai li đi một dặm…”
Nếu lái xe nào cũng có đức tính cẩn thận và cách ứng xử có văn hóa, biết nhường nhịn lúc đi đường thì chắc chắn sẽ tránh được tai nạn đối với bản thân cũng như nhiều hành khách.