Bạn đọc viết:

Cam kết khiên cưỡng

(Dân trí) - Mới đây cộng đồng mạng thêm một lần sửng sốt khi mục sở thị bản cam kết của một trường tiểu học ở Hà Nội gửi học sinh và phụ huynh của trường. Theo đó, một loạt điều “cấm” dành cho học sinh được nhà trường liệt kê dù vẫn biết "có tính khiên cưỡng"?

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 
Nào: cấm đeo khuyên tai, nhuộm móng tay móng chân, cấm hút thuốc lá, cấm đi xe máy... Nào cấm đua xe, cấm sử dụng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy…

 

Trước một bản cam kết với hàng loạt điều cấm phi lí như vậy, phụ huynh tỏ ra bức xúc cũng không có gì lạ. Lạ là ở cung cách tổ chức quản lí của nhà trường, trước hết là ban giám hiệu mà người chịu trách nhiệm trực tiếp là hiệu trưởng.

 

Họ có thấy sự phi lí của bản cam kết không? Thưa, có! Bởi bà hiệu trưởng đã khẳng định: “những quy định trên có tính khiên cưỡng”.

 

Biết là khiên cưỡng thế mà vẫn ban hành. Phải chăng đây là hệ quả của cách làm việc, quản lí máy móc, quan liêu theo kiểu hô khẩu hiệu, mệnh lệnh và áp đặt?

 

Trong thời gian qua không hiếm những qui định “trên trời” như thế được các cấp của ngành giáo dục ban ra (kiểu như cộng điểm thi cho Mẹ Việt Nam Anh hùng) từng gây sốc dư luận!

 

Đặt ra những điều phi lí trong bản cam kết đối với học sinh tiểu học, nhất là các cháu lớp Một, nhà trường coi như đã… xong trách nhiệm nếu như có chuyện xảy ra? Thì đây, chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã quản học sinh rất chặt, bằng chứng là bản cam kết với đầy đủ nội dung có chữ kí của học sinh và sự giám hộ của phụ huynh.

 

Nhưng than ôi, những cam kết theo kiểu áp đặt ấy nếu có hiệu quả thì cũng chỉ ngăn chặn được tiêu cực trong thời gian học sinh đang học tại trường. Nó không hình thành ở các em những ý niệm ban đầu nhưng hết sức quan trọng về ý thức trách nhiệm công dân trong tương lai để mai sau bước vào đời, các em không làm những điều trái với đạo lí và luật pháp.

 

Với những “mệnh lệnh” như thế có lẽ chỉ khiến nhà trường đánh mất thiên chức mà xã hội tin tưởng trao cho - giáo dục con người!?

 

Nguyễn Duy Xuân