Cái ví của ông Chủ tịch, nụ cười của vị Bí thư

Tháng trước, báo chí kể lại câu chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc, trong rất nhiều lần đi tặng quà, cứu trợ ở miền Tây Nghệ An, đã “không kìm nổi xúc động” rút ví riêng lấy tiền cho thêm người nghèo.

Liền ngay sau đó, cũng ông Phớc, đã công khai phê bình 8 đơn vị vì đã không giúp đỡ các xã nghèo.
 

Ông Chủ tịch rút ví cũng đúng, ông Chủ tịch sốt ruột cũng phải. Bởi đến giờ, tỉ lệ hộ nghèo của miền Tây Nghệ An vẫn còn chiếm tỉ lệ cao: 38,5%, trong đó có 92 xã có tỉ lệ hộ nghèo trên 40% thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài câu chuyện “cái bụng” của dân thì bản thân chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng được cho là “chưa đáp ứng yêu cầu”, chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng.

 

Không ai bảo ông Chủ tịch không được làm từ thiện. Nhưng ông rút ví bao nhiêu cho đủ? Nhưng ông còn phải rút bao nhiêu lần? Và liệu rút ví có phải là cách giúp dân xóa nghèo bền vững? Bởi nói cho cùng, câu chuyện “cái bụng” chỉ là cái khổ ải xác thân tầm thường nhất. Cái đáng mừng không phải mấy chục, hoặc mấy trăm ông Chủ tịch cho hôm nay sẽ giải quyết được một bữa no. Chuyện cái cần câu cơm mới là cái đáng lo nhất. Mà “cái cần câu”, nói đi nói lại, và với dân ở đâu cũng vậy, vẫn là chuyện mảnh đất.

 
Cái ví của ông Chủ tịch, nụ cười của vị Bí thư
Ông Mai Văn Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa gặp gỡ bà con tiểu thương
 
Tuần rồi, liên quan đến “cái cần câu” đã xảy ra hai sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt. Ở Hà Nội, Hội nghị TƯ 5 đã chính thức tuyên bố: “Tiếp tục thực hiện giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có thời hạn nhưng có thể kéo dài hơn để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng và yên tâm đầu tư sản xuất”. Nói đơn giản hơn là sẽ không có chuyện thu hồi đất hết hạn.
 
Và như thế, cái thời hạn 2013, khi mà hàng chục ngàn ha đất hết hạn giao đất (theo luật Đất đai 1993), cái mốc như lưỡi gươm treo lơ lửng trên đầu hàng triệu nông hộ suốt từ sau vụ cưỡng chế đáng xấu hổ ở Tiên Lãng, đã chính thức bị dỡ bỏ. Và như thế, sẽ không còn bất kỳ vụ án Cống Rộc nào sẽ xảy ra trong tương lai gần. Sẽ không còn lối hành xử “thích là thu, hết hạn là thu” mà “Không tự nguyện là cưỡng chế” như ở Tiên Lãng. Xin cảm ơn TƯ đã nghĩ đến cái cần câu cơm của dân.

 

Nhưng những quyết sách của TƯ, dù sáng suốt và trúng tâm nguyện của người dân mới chỉ là một phần, bởi nói cho cùng, những bức xúc ở cơ sở phần nhiều do cách đối xử của chính quyền với dân.

 

Năm 1945, chỉ hơn một tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên báo Cứu Quốc ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân… Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh…”. Một trong những bài học lớn mà ông cụ đã dạy cán bộ bấy giờ là phải yêu dân, tin dân, trọng dân, gần dân, học dân.

 

Trong sách Luận Ngữ có một câu chuyện kể về việc Khổng Tử dạy người nước Vệ cách làm quan. Câu chuyện “đè đầu cưỡi cổ”, một bài học lớn, rút cục cũng chỉ nằm trong một câu: “Làm quan, cốt ở chỗ phải biết thế nào kẻ làm dân”. Câu chuyện biết và thông cảm cho cái khổ của dân xuất hiện ở Thanh Hóa khi Bí thư tỉnh ủy Mai Văn Ninh đối thoại với bà con tiểu thương Bỉm Sơn mà họ mấy tháng ròng đã đấu tranh, thậm chí trong 4 ngày qua đã tụ tập trước cổng UBND Tỉnh đòi Bỉm Sơn hủy quyết định giao chợ Bỉm Sơn cho một công ty.

 

Những người khó tính có thể coi việc một Bí thư Tỉnh ủy đối thoại với những người tụ tập, với nụ cười và những cái bắt tay là “hình ảnh đẹp, nhưng chỉ về mặt truyền thông”. Nhưng với những “quyết sách tại chỗ” trả lại công bằng cho dân chúng, ông quả thực đã trả lại niềm tin cho dân chúng và thuyết phục được dư luận. Không ai nắm tay được cả ngày. Nhưng Đạo làm quan, khó nhất là nhận mình sai.

 

Đạo làm quan, muôn ngàn lần khó là không hy sinh lợi ích của dân cho những thứ chung chung.

 

Trở lại với sự kiện Bí thư tỉnh ủy Mai Văn Ninh đối thoại với dân, ông đã làm được một việc không dễ là vì lợi ích của người dân, chứ không phải vì một nhóm lợi ích nào đó nhân danh cái chung. Dân cần những hành động vì dân chứ không phải là mị dân, cần những nụ cười và cái bắt tay của vị Bí thư chứ không cần những đồng tiền rút ra từ ví của ông Chủ tịch.

 

Về vụ này, báo Thanh Hóa đã chạy hàng tít được cho là nhạy cảm: “Tiểu thương chợ Bỉm Sơn đấu tranh đã thắng lợi!”. Nhưng với việc Bí thư tỉnh ủy đối thoại với dân, nhận sai do chính quyền cấp dưới và kịp thời có những quyết định vì dân, thì chiến thắng, nếu có, rõ ràng không phải chỉ thuộc về dân chúng.

 

Theo Đào Tuấn

Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm