Cá sấu và tàu cổ

Chuyện bắt cá sấu ở Cà Mau thật gian nan. Không biết bao nhiêu con đã sổng chuồng, và không biết chúng đã lẩn lủi ở những ao đìa kênh rạch nào ở mũi cực nam của Tổ quốc.

Những con sấu thò mắt lên bắt đèn trong đêm đã được bắt dễ dàng, một số con “nhút nhát” không chịu lộ diện. Bởi thế, nguy hiểm tiềm ẩn. Có thể xuất hiện thêm một thành ngữ: đếm cá sấu sổng chuồng, thay cho đếm cua trong lỗ?!

Việc chậm trễ trục vớt tàu cổ ở Bình Sơn- Quảng Ngãi khiến những người tham lam thèm khát. Họ đâm chém nhau, vượt vòng kim cô mà Cảnh sát đường thủy và biên phòng thiết lập, rồi hành hung cả lực lượng chức năng. Một bối cảnh hỗn loạn đã diễn ra ở bãi biển cổ vật.

Nó cho thấy thói hám lợi, coi thường văn hóa của một số người và phản ánh đúng tình cảnh của ngành Khảo cổ học dưới nước ở VN: Có kho báu nhưng không làm gì được. Kho báu dưới nước, nhưng phải khai quật chữa cháy thường xuyên.

Hầu hết các con tàu đắm ở vùng biển của Việt Nam đã phải phối hợp, nhờ, thuê chuyên gia trong và ngoài nước chia lửa, và đương nhiên một số cuộc đã phải chia lợi.

TS Vũ Quốc Hiền, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam nói với báo điện tử Đài Tiếng nói VN: Khảo cổ dưới nước không đơn thuần là lặn xuống nước rồi vớt đồ lên. Muốn tránh bất cập phải có điều tra khảo sát và chủ động khai thác di sản dưới nước. Phải làm ngay vì đã quá muộn rồi...

Theo các chuyên gia khảo cổ, hiện tại, trên biển Việt Nam có khoảng 40 con tàu cổ bị đắm có thể trục vớt, khai quật. Còn trong các lòng sông, số tàu thuyền cổ ước tính lên tới hàng nghìn.

Một đất nước rất phong phú ao hồ sông suối đầm đìa kênh rạch. Một dân tộc tự hào trong lịch sử có Yết Kiêu, Ngô Quyền, Phạm Ngũ Lão và những trận đánh trên sông. Một đất nước đang hướng ra biển. Thế nhưng lại rất chậm trong những công việc dưới nước.

Theo Trần Thanh
Tiền Phong