Bổ nhiệm cán bộ bị kỉ luật: “Phép vua thua lệ làng”
Liệu có phải chuyện của người xưa “Phép vua thua lệ làng” vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, hay đây là hiệu ứng của cái gọi là “nâng đỡ không trong sáng”?
Ngày 23-5, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ công bố quyết định điều động và bổ nhiệm ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở GTVT giữ chức vụ Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ.
Đúng 2 tháng trước, ngày 23-3-2018, ông Đồng bị UBND TP Cần Thơ kỷ luật cảnh cáo về mặt chính quyền do để xảy ra vụ các cán bộ thanh tra giao thông (TTGT) thuộc quyền bị tòa kết án "Nhận hối lộ".
Trước đó, ngày 15-12-2017, ông Đồng cũng đã bị UBKT Thành uỷ TP Cần Thơ kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng vì liên quan trách nhiệm vụ việc nói trên.
Như vậy, xét về mặt thời gian, từ khi bị kỉ luật cho đến lúc điều động, bổ nhiệm chức vụ mới cho ông Đồng, chỉ cách nhau có… 60 ngày. Tốc độ như thế kể cũng đáng được gọi là… siêu tốc!
Nhưng ông Đồng không là cá biệt.
Dư luận cũng đã từng một phen xôn xao về việc ông Ngô Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, bị Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng (26-12-2017), rồi sau đó Thủ tướng quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó chủ tịch tỉnh (18-1-2018), vừa được cử làm Tổ trưởng Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nhà trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa.
Thời gian từ khi bị kỉ luật đến khi được bổ nhiệm chức vụ mới của ông Tuấn cũng chỉ hơn hai tháng.
Phản hồi ý kiến của các đại biểu QH về vấn đề này, ông Mai Sỹ Diến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho biết việc phân công công việc với ông Ngô Văn Tuấn là hoàn toàn đúng luật và đúng thẩm quyền.
Trong thực tế, còn rất nhiều vụ bổ nhiệm tương tự ở các địa phương mà báo chí chưa phanh phui ra hết.
Bây giờ thì ta hãy thử xem, những vụ bổ nhiệm nói trên “đúng luật” như thế nào.
Trước hết, hãy cùng nhau đọc lại Luật cán bộ công chức, viên chức.
Mục 2, Điều 82 của Luật này ghi rõ: “Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực”.
Mục 4, Điều 82: “Cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý”.
Về mặt Đảng, văn bản có tính pháp qui mới đây nhất là Quy định 105 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kí ban hành ngày 19-12-2017.
Mục 5 điều 14 của Quy định ghi: “Đảng viên bị kỷ luật cách chức trong vòng 1 năm kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không chỉ định, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn”.
Ngày 19-5 vừa rồi, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Nghị quyết nhấn mạnh: “không để lọt những người không xứng đáng, người chạy chức, chạy quyền”; “thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khoẻ, có sai phạm”; “xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có "vùng cấm".
Như vậy, xét cả hai phương diện, luật pháp Nhà nước và qui định của Đảng, hai vụ bổ nhiệm nói trên ở Cần Thơ và Thanh Hóa đều không thể gọi là “đúng luật”. Thời gian chịu án kỉ luật của các ông Lư Thành Đồng, Ngô Văn Tuấn chưa ráo mực chữ kí.
Không thể nói các cơ quan chức năng và người đặt bút kí các quyết định bổ nhiệm nói trên không biết gì về Luật cán bộ công chức, về kỉ luật của Đảng; đặc biệt là quyết định bổ nhiệm ông Lư Thành Đồng giữ chức vụ tương đương như chức vụ trước khi bị kỉ luật được công bố chỉ 4 ngày sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 26.
Liệu có phải chuyện của người xưa “Phép vua thua lệ làng” vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, hay đây là hiệu ứng của cái gọi là “nâng đỡ không trong sáng”?
Nguyễn Duy Xuân