“Bình phong” của lạm thu
Mỗi dịp đầu năm học mới, những ám chỉ kiểu như “cánh tay nối dài của Ban Giám hiệu”, “tay sai của Hiệu trưởng”... lại xuất hiện trong dư luận xã hội khi nói đến vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Thậm chí không ít người đặt câu hỏi “họp phụ huynh hay họp để thu tiền”.
Chuyện thu sai ngay trong Ban đại diện cha mẹ học sinh có từ lâu, nhưng việc một nhóm đại diện (dù chẳng mấy khi thật sự là đại diện) trở thành công cụ cho Ban Giám hiệu buộc các phụ huynh phải “tự nguyện” đóng góp, có lẽ chỉ bắt đầu từ khi theo Luật Giáo dục, Hội Phụ huynh phải giải tán, thay vào đó là Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Cách đây khoảng hai chục năm, mỗi tỉnh thành đều có một Hội Phụ huynh và các Chi hội Phụ huynh ở các trường phải chịu sự quản lý của Hội này, trong đó bao gồm tiền quỹ phụ huynh.
Theo Luật Giáo dục hiện hành thì không còn tổ chức Ban đại diện cha mẹ học sinh liên trường và ở các cấp hành chính. Vì thế, Ban đại diện cha mẹ học sinh trở thành một tổ chức lỏng lẻo, các hoạt động bắt buộc phải chịu sự chi phối của nhà trường nơi họ có con đang theo học.
Theo Thông tư 55 ban hành từ tháng 11/2011 của Bộ GD&ĐT, vị thế của Ban đại diện cha mẹ học sinh tương đương với vị thế của Ban Giám hiệu nhà trường, mối quan hệ là “phối hợp”. Tuy nhiên hoạt động “phối hợp” trở nên vô nghĩa khi mà nhà trường nắm đằng “chuôi” - quyết định gần như toàn bộ “sự nghiệp học hành” của con cái họ.
Đây là nguyên nhân chính để quỹ phụ huynh dần dần biến tướng, thay vì chỉ là tiền trà nước cho các cuộc họp phụ huynh thì giờ đây phụ huynh nào cũng chỉ biết đóng “quỹ” chủ yếu để chi quà cho giáo viên, cho nhà trường các ngày lễ, tết.
Ở các thành phố lớn, mỗi lớp 50 – 60 triệu đồng tiền quỹ một năm là bình thường, bằng tiền lương cả năm của một giáo viên có tuổi nghề 10 - 15 năm.
Không chỉ dừng lại ở mức thu quỹ 500.000 - 1.000.000 đồng/ học sinh/ năm học, nhiều nơi (chủ yếu ở các thành phố lớn), ban đại diện cha mẹ học sinh thực sự “nhúng tay” vào mọi việc từ A đến Z liên quan tới các khoản thu (trừ học phí - khoản bắt buộc phải có biên lai).
Phụ huynh ở một trường T. của quận nội thành Hà Nội thắc mắc, không hiểu sao năm nào con tôi cũng phải đóng tiền kẻ bảng, tiền mua đồng hồ treo tường, tiền mua giẻ lau nhà lớp học…, nghe nói ngân sách thành phố chi 3 triệu đồng/ học sinh/ năm, lớp học 60 em vị chi 180 triệu đồng/năm, chẳng nhẽ nhà trường không bỏ ra được mỗi lớp vài triệu cho những khoản này?
Gần đây ngày càng nhiều ý kiến hưởng ứng cho đề xuất giải tán cái gọi là “Ban đại diện cha mẹ học sinh”. Có lẽ đây không hẳn là một thái độ cực đoan, không quản được thì bỏ, mà là một gợi ý để Bộ GD&ĐT nghiêm túc xem xét lại mô hình tổ chức Ban đại diện Cha mẹ học sinh.