Bạn đọc viết:

Biến tướng phong bì, không lo không được

(Dân trí) - Hãy khoan nói về công dụng trong cái nghĩa đen của chiếc phong bao, phong bì bởi bản thân nó chẳng có gì nên tội. Có chăng chính người sử dụng đã làm nó biến tướng đến nỗi càng ngẫm càng thêm giật mình lo lắng.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

Đúng là cuộc sống càng hiện đại thì người VN ta hình như càng cần đến phong bì nhiều hơn, nhưng việc dùng ở đây không đơn thuần như trước mà nó đã thực sự mang một ý nghĩa khác.  Và mỗi khi nhắc đến 2 từ đó, tất thảy mọi người VN đều hiểu về cái chứa bên trong phong bì được gọi nôm na là  “điều đầu tiên” và được cho là trở thành đầu mối của các quan hệ.

Nếu ai đó không tin, hãy liệt kê ra thử mà coi. Đi ăn cưới, dự lễ tang, đám giỗ và thậm chí cả sinh nhật để cho gọn nhẹ, người ta thường “đóng phong bì”. Nói ra thì bảo ác khẩu nhưng đúng là nhiều gia đình, nhiều cặp cô dâu, chú rể chẳng cần biết có sự hiện diện của bạn bè, người thân ở bàn tiệc ra sao, mà thường điểm danh hoặc kiểm tra “lòng tốt” trong vỏ các phong bì đó thế nào ngay sau bữa tiệc. Ai tốt, ai quan hệ tốt biết ngay, cần chi phải đoán theo cách cổ điển “nhìn mặt mà bắt hình dong” cho mệt !?

Đúng là cái chuyện phong bì đã và đang trở thành “mạch đập” của xã hội mất rồi! Rất ít cơ quan, đơn vị nào tổ chức hội nghị lại không có bóng dáng phong bì. Cái gọi là “văn hóa phong bì” thời nay đố các thế hệ trước hiểu nổi? Song nó cứ ngấm dần, ngấm dần vào mạch máu xã hội và giờ đã trở thành như một lẽ tất nhiên. Tất nhiên đến nỗi giờ có người đi họp hội nghị mà không thấy phong bì thì tự dưng cứ thấy bâng khuâng, trống vắng... Có người còn xông vào tận phòng ban tổ chức hỏi ngay cho ra nhẽ!?

Phong bì như mụ phù thủy cưỡi chổi có thể biến hóa muôn hình vạn trạng. Nó xuất hiện ở nhiều nơi không đáng có như: phong bì để xin đi học, phong bì để duyệt kế hoạch,  phong bì tăng lương, phong bì thăng chức, phong bì thanh tra, đi xuất ngoại, làm hồ sơ xin giấy phép xây nhà cũng phong bì, xin con vào lớp 1 cũng phong bì... Ngay cả cái phong bao bì lì xì ngày Tết giờ cũng biến chất. Xưa người ta lì xì nhau là để chúc tuổi, chúc phúc. Nay cái bao lì xì đa phần lại quyết định buồn vui cho người nhận, thậm chí phá hủy cả sự trong sáng của tuổi thơ.

Phong bì đi đến đâu làm lung lay ý chí đến đó. Phong bì vào bệnh viện làm lung lay y đức, phong bì vào trường học làm che mờ vẻ đẹp giáo dục. Phong bì vào công sở làm nảy sinh những dấu hiệu hối lộ, thậm chí còn thừa khả năng làm đảo lộn cả các chuẩn mực đạo lý...

Chiếc phong bì cứ vô tư, hồn nhiên hiện diện trong các quan hệ xã hội, các công việc khác nhau dù nhỏ hay lớn... Và lâu dần đã hình thành cái gọi là “căn bệnh phong bì”, “vấn nạn phong bì” hơn là “văn hóa phong bì”. Thiếu nó người dân sẽ gặp không ít khó khăn trong công việc lớn nhỏ... Không ít cán bộ cơ quan công quyền nhà nước đã quá “quen hơi” phong bì đến nỗi không có phong bì là thiếu hẳn tinh thần hợp tác, phục vụ tận tình.

Phong bì là vật thể vô tri, nó không có tội. Tội là ở con người đã thổi vào phong bì những toan tính, những khuất tất, những mưu cầu cá nhân. Chúng ta không kỳ thị phong bì nhưng hãy đối xử với nó một cách văn minh, đừng để những biến tướng của cái phong bì  nhỏ xíu và nhẹ hều lại trở thành căn bệnh nan y của thời đại!

Minh Tư: mtu.tdh@moet.edu.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm