Bài học về phòng ngừa tham nhũng
Vụ Vinashin tưởng chừng đã khép lại với bản án phúc thẩm dành cho các bị cáo, thì mới đây, Bộ Công an đã bắt được Giang Kim Đạt - mắt xích quan trọng bị truy nã từ năm 2010 và càng bất ngờ hơn khi một cán bộ cấp phòng lại dễ dàng tham ô hơn 400 tỷ đồng chỉ trong vòng 2 năm?
Qua điều tra, cơ quan an ninh Bộ Công an kết luận Giang Kim Đạt (sinh năm 1977, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin) đã thông đồng cấu kết với tổ chức nước ngoài gửi giá ăn chia hoa hồng theo giá trị hợp đồng mua tàu và tiền chênh lệch khi cho thuê tàu, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản số tiền 18,6 triệu USD.
Theo đó, cơ quan này đã xác minh, phát hiện có rất nhiều tài sản đã được Giang Kim Đạt chuyển ra nước ngoài, nhiều tài sản chiếm đoạt có dấu hiệu chuyển hóa cho người thân và bố đẻ của Đạt là ông Giang Văn Hiển (sinh năm 1950, trú tại quận 2, TP Hồ Chí Minh) với khối tài sản lớn gồm gần 40 bất động sản tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội như: căn hộ cao cấp, biệt thự, xe ô tô...
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương đây là tiền đề, là “phát súng” đột phá trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Việc truy bắt bằng được Giang Kim Đạt sau hơn 1.800 ngày đêm ròng rã, vất vả thể hiện sự quyết tâm cao trong công tác đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, được dư luận đánh giá cao, ủng hộ.
Tuy nhiên, đằng sau chiến công của các lực lượng chức năng, dư luận cũng không khỏi hoài nghi trước hàng loạt câu hỏi lớn: Tại sao một cán bộ chức vụ không cao, chỉ trong một thời gian ngắn (tháng 5/2006 đến 6/2008) lại dễ dàng tham nhũng được một số lượng tài sản "khổng lồ" đến thế? Có lợi ích “nhóm” dẫn đến buông lỏng quản lý hay không? Trách nhiệm thanh tra, kiểm soát của các bộ, ngành quản lý và cơ quan liên quan như thế nào khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vậy?...
Có thể thấy, thủ đoạn Giang Kim Đạt sử dụng để trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng là tương đối phổ biến đối với các đối tượng tham nhũng thời gian qua, nhưng các cơ quan chức năng lại khó “điểm mặt, chỉ tên”. Bởi theo quy định pháp luật, đối tượng cán bộ, công chức thuộc diện kê khai tài sản chỉ phải kê khai tài sản của vợ (chồng) và con chưa thành niên. Vì vậy, rất khó để chứng minh và thu hồi khối tài sản tham nhũng “kếch sù” đã bị chuyển hoá tinh vi này.
Từ vụ án trên cũng cho thấy việc kiểm tra tài sản, thu nhập dịch chuyển không được kê khai, kiểm soát kịp thời hay nói đúng hơn là cơ chế kiểm soát thu nhập, công khai minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn những bất cập, hình thức. Đây chính là kẽ hở lớn, tạo điều kiện cho tội phạm tham nhũng lợi dụng.
Mặt khác, thực trạng này cũng bộc lộ điểm yếu trong hệ thống quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có việc thực hiện không tốt yêu cầu về công khai, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình trong quản trị doanh nghiệp. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương còn lỏng lẻo cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc không phát hiện kịp thời các dấu hiệu sai phạm, tham nhũng.
Ở đây, nếu các cơ quan chức năng chỉ “chăm chăm” chứng minh hành vi phạm tội mà không chú trọng đến công tác thu hồi tài sản thì rõ ràng mục tiêu đấu tranh chống tham nhũng mới dừng ở mức “nửa vời".
Khi tham nhũng đang được đánh giá là diễn biến phức tạp, với thủ đoạn, tính chất ngày càng tinh vi thì việc phát hiện và thu hồi tài sản là vô cùng khó khăn, song không phải không thực hiện được nếu có quy trình pháp lý chặt chẽ cộng với sự quyết tâm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Đây là trách nhiệm không thể né tránh của các cơ quan chức năng trước nhân dân, bởi hơn 400 tỷ đồng mà Giang Kim Đạt chiếm đoạt, nếu quy ra lúa gạo, nông sản thì bằng không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của người nông dân hai sương một nắng!
Để công cuộc phòng, chống tham nhũng phát huy hiệu quả, thiết nghĩ, trước hết các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, trong đó tăng cường biện pháp quản lý, kiểm soát việc kê khai, dịch chuyển tài sản. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chủ quản, đơn vị để xảy ra sai phạm, tham nhũng. Mặt khác, việc hoàn thiện chế định về thu hồi tài sản tham nhũng là cần thiết; cần có chế tài mạnh để “không cần, không dám, không thể” tham nhũng. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp này, kẻ tham nhũng sẽ khó lòng từ bỏ ý định “hy sinh đời bố củng cố đời con” và rất có thể sẽ còn nhiều Giang Kim Đạt khác!
Theo Thu Hằng
Báo Đảng Cộng sản Việt Nam