Ứng dụng cài sẵn trên điện thoại có thể chứa mã độc, người dùng cảnh giác
(Dân trí) - Các ứng dụng được cài đặt sẵn trên điện thoại có thể chứa mã độc, cho phép tin tặc truy cập thiết bị để đánh cắp dữ liệu, nghe lén và gửi thông tin về máy chủ mà người dùng không hề hay biết.
Nguy cơ bảo mật từ các ứng dụng cài sẵn

Ông Đỗ Văn Thịnh trao đổi với phóng viên báo Dân trí (Ảnh: Quyết Thắng).
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Đỗ Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm Điều hành An ninh mạng CMC (Công ty CMC Cyber Security, Tập đoàn Công nghệ CMC), cho biết: "Tại Việt Nam, người dùng có thể mua điện thoại từ cửa hàng chính hãng hoặc từ các nguồn không rõ ràng.
Các thiết bị này có thể bị cài đặt sẵn những ứng dụng không xác định, khiến người dùng không thể biết được chúng có quyền truy cập gì trên điện thoại".
Thông thường, khi cài đặt ứng dụng, người dùng phải cấp quyền truy cập vào các thông tin cá nhân như danh bạ, hình ảnh, micro hay máy ảnh. Tuy nhiên, một số ứng dụng có quyền truy cập không được hiển thị rõ ràng, dẫn đến nguy cơ lộ thông tin cá nhân mà người dùng không hay biết.
Ông Thịnh cảnh báo: "Các ứng dụng này có thể chứa lỗ hổng bảo mật do được cài trên thiết bị cũ không được cập nhật phần mềm, hoặc bản thân chúng tồn tại lỗ hổng, chứa mã độc. Khi tin tặc khai thác các điểm yếu này, chúng có thể chiếm quyền kiểm soát thiết bị, đánh cắp dữ liệu mà người dùng không thể kiểm soát được".
Mối đe dọa từ trí tuệ nhân tạo
Trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà sản xuất đã tích hợp công nghệ này vào nhiều mẫu điện thoại, tạo điều kiện thuận lợi cho tin tặc phát triển các phương thức tấn công tinh vi hơn.
Ông Thịnh nhấn mạnh: "AI có hai mặt: một mặt hỗ trợ người dùng trong công việc và khám phá tri thức, nhưng mặt khác cũng giúp tin tặc phát triển và tối ưu mã độc nhanh chóng. AI có khả năng nắm bắt hành vi người dùng và cá nhân hóa rất tốt.
Điều này đồng nghĩa với việc tin tặc có thể lợi dụng AI để thực hiện nhiều hành vi tấn công nguy hiểm hơn, tinh vi hơn nhằm chiếm quyền kiểm soát thiết bị và đánh cắp dữ liệu cá nhân".
Cảnh báo và khuyến nghị bảo mật
Để bảo vệ thông tin cá nhân và đảm bảo an toàn khi sử dụng smartphone, người dùng cần:
Kiểm tra kỹ các ứng dụng cài sẵn: Loại bỏ những ứng dụng không cần thiết hoặc không rõ nguồn gốc.

Ông Đỗ Văn Thịnh đưa ra lời khuyên, người dùng cần thận trọng khi sử dụng smartphone (Ảnh: Quyết Thắng).
Tăng cường bảo mật: Sử dụng các biện pháp bảo mật như xác thực hai yếu tố, mật khẩu mạnh và cập nhật phần mềm thường xuyên.
Cảnh giác khi cấp quyền truy cập: Chỉ cấp quyền cần thiết cho các ứng dụng và thường xuyên kiểm tra lại các quyền đã cấp. Trang bị kiến thức bảo mật: Nâng cao hiểu biết về bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường số, tránh tải các ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Tóm lại, người dùng cần thận trọng khi sử dụng smartphone và chủ động bảo vệ thông tin cá nhân của mình.
Chỉ khi nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp bảo mật phù hợp, chúng ta mới có thể bảo vệ bản thân và những người xung quanh trước những mối đe dọa an ninh mạng ngày càng phức tạp trong thời đại số hóa.