Xây dựng “Hội An - nhân tình thuần hậu”: Giữ nét riêng cho Hội An

(Dân trí) - Khơi gợi, bảo tồn các giá trị văn hóa ứng xử của người Hội An xưa; gìn giữ nếp sống văn hóa -văn minh đô thị, những nét truyền thống văn hóa tốt đẹp, mang tính thuần hậu của mảnh đất và con người Hội An… là những nội dung đầy ý nghĩa của đề án “Hội An - nhân tình thuần hậu”.

Đâu rồi Hội An xưa

Những năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố, một bộ phận người dân, kể cả người địa phương khác đến kinh doanh buôn bán tại Hội An, có những biểu hiện và thái độ chưa tốt trong ứng xử, giao tiếp.

Du khách đến Hội An rất đông gây áp lực lên di sản, gây nhiều xáo trộn trong đời sống người dân cũng như trong cách tiếp đón du khách
Du khách đến Hội An rất đông gây áp lực lên di sản, gây nhiều xáo trộn trong đời sống người dân cũng như trong cách tiếp đón du khách

Đã có những hành vi, phát ngôn không phù hợp, vi phạm nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, rời xa thuần phong, mỹ tục giữa cộng đồng dân cư mới với nhau, giữa người dân với khách du lịch.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ngoài tác động của đời sống xã hội hiện đại, du lịch phát triển cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến lối sống và ứng xử của một bộ phận cư dân, nhất là giới trẻ.

Hiện mỗi năm Hội An đón 3,2 triệu lượt khách tham quan, doanh thu trên 3.000 tỷ đồng. Lượng khách du lịch quá đông đã gây ra nhiều xáo trộn trong đời sống người dân, lẫn hoạt động đón tiếp và phục vụ du khách.

Hội An cần đưa ra nhiều giải pháp để giữ gìn các giá trị truyền thống xưa… xây dựng “Hội An-nhân tình thuần hậu”
Hội An cần đưa ra nhiều giải pháp để giữ gìn các giá trị truyền thống xưa… xây dựng “Hội An-nhân tình thuần hậu”

Ông Trần Xuân Minh - một người dân sống lâu năm tại Hội An thừa nhận, hiện nay cách ứng xử của một số người Hội An với nhau cũng như với khách du lịch có nhiều điều cần bàn.

Nổi lên là việc buôn bán diễn ra phức tạp, thường xuyên xảy ra tình trạng cãi vã, xô xát, tranh giành, chèo kéo khách…, trái ngược hẳn với cách buôn bán nền nếp, có tổ chức, quy củ, thái độ nhã nhặn, hiền hòa của ngày xưa. Rồi vấn đề môi trường sống cũng thay đổi đáng kể, ngày xưa rất sạch sẽ ngăn nắp nhưng hiện nay môi trường ngày càng ô nhiễm, xuống cấp…

Theo ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An – thừa nhận: Nỗi lo hiện nay của Hội An không chỉ là các di tích nhà cổ xuống cấp mà còn là sự thay đổi các giá trị văn hóa phi vật thể. Hiện có khoảng 200/1.069 nhà cổ đã được dân nơi khác đến thuê kinh doanh. Ngôi nhà xưa với nhiều chức năng thờ cúng, sinh hoạt… giờ được dẹp bỏ để dành cho kinh doanh.

“Những ngôi nhà này đã trở nên “rỗng ruột”, còn cái vỏ vật chất, mất cái hồn bên trong. Phố cổ mất đi cái “hồn”, sẽ không còn là di sản. Bên cạnh đó, việc thay đổi chủ sở hữu trong phố cổ dẫn đến một số giá trị văn hóa không phải của Hội An du nhập gây tác động đến nếp sống, lối sống làm mất dần “chất” Hội An chỉ còn là những nhà kho, cửa hàng buôn bán”, ông Trung chia sẻ thêm.

Phục hồi văn hóa xưa

Để giữ cho Hội An không mất đi sự thân thiện, thuần hậu đã được TP Hội An quyết tâm cho ra đời đề án “Hội An - nhân tình thuần hậu”.

Hội An chính là “Di sản sống”, là một nét riêng biệt trong lòng du khách…
Hội An chính là “Di sản sống”, là một nét riêng biệt trong lòng du khách…

Đề án đặt ra những chuẩn mực nhằm khơi dậy những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp, mang tính thuần hậu của mảnh đất và con người Hội An. Các thông điệp được chia thành 3 nhóm: đạo đức, chấp hành luật giao thông và môi trường-buôn bán-xã hội.

Thông qua các kênh khác nhau, chính quyền vận động người dân sống hiếu thảo, biết nhường nhịn, giúp đỡ, thực hiện các quy định nơi công cộng, giữ gìn vệ sinh môi trường, buôn bán và sinh hoạt văn minh, thân thiện.

Việc triển khai đề án trong khu phố cổ có thể tạo xung lực cần thiết để bảo tồn, khôi phục nếp sống, lối sống thuần hậu của người dân trong những sinh hoạt đời thường, từng bước xây dựng hình ảnh Hội An đẹp hơn, quyến rũ hơn trong mắt du khách.

Hội An đã tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân-du khách trong bảo tồn, giữ gìn đô thị cổ Hội An
Hội An đã tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân-du khách trong bảo tồn, giữ gìn đô thị cổ Hội An

Đặc biệt, từ những thay đổi về phát ngôn ứng xử văn hóa-văn minh sẽ giúp chống chọi, đẩy lùi những hành vi thiếu văn hóa, xa rời truyền thống thuần phong, mỹ tục của cộng đồng dân cư. Góp phần giáo dục thế hệ trẻ có thái độ tốt trong giao tiếp, ứng xử văn hóa với nhau, với cộng đồng và thế giới xung quanh.

Theo anh Nguyễn Minh Huy (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ: “Theo tôi, Hội An vẫn còn kịp để níu giữ những nét “nhân tình thuần hậu”. Ấn tượng với tôi nhất là sự thân thiện của một bộ phận người dân “đậm chất Hội An”, đặc biệt là qua việc chỉ đường.

Nhớ lần đầu tôi đến Hội An, không muốn sử dụng bản đồ hay Google map, mà tôi đã hỏi đường nhờ sự thân thiện, nhiệt tình của người dân Hội An. Tôi dừng lại quán sinh tố ven đường Nguyễn Trường Tộ đã được cô chủ quán nhiệt tình chỉ dẫn đường đi, cô còn bảo không biết cứ hỏi người dân Hội An bất kỳ sẽ được chỉ dẫn đường tận tình”.

Theo ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao Hội An, sẽ có những khó khăn nhất định khi triển khai đề án vì đây là quá trình thay đổi nhận thức của một cộng đồng, nhưng với những nền tảng văn hóa, sự ủng hộ, hưởng ứng từ nhiều cấp ngành và người dân nên chắc chắn sẽ đạt được những thành công.

“Chúng tôi muốn khơi gợi, muốn làm những gì trong khả năng để níu giữ nét riêng biệt cho Hội An. Khi mọi người cùng tâm thức vì một “Hội An - nhân tình thuần hậu”, chắc chắn sẽ thành công, qua đó tạo nên sản phẩm du lịch riêng biệt mang nhiều giá trị văn hóa, sâu nặng tình người và tác động đa chiều không chỉ cho Hội An mà còn với du khách”, ông Phùng kỳ vọng.

N.Linh