Trong tương lai gần Việt Nam cần nhiệt điện than

Việc phát triển nhiệt điện than bằng công nghệ nhiệt điện than sạch siêu tới hạn (SC) và quá siêu tới hạn (USC) sẽ giải quyết tốt vấn đề môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia Việt Nam trong giai đoạn sau năm 2020.

Nguồn năng lượng an toàn

Theo dự báo, từ năm 2020, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo an ninh nguồn điện, do thiếu hụt nguồn điện hạt nhân, tiềm năng thủy điện hiện đã khai thác gần như tối đa, nguồn điện gió, điện mặt trời tiến triển chậm. Năng lượng tái tạo dù phát triển ở quy mô lớn thì cũng không thể thay thế hoàn toàn do phụ thuộc vào thiên nhiên, vận hành phức tạp...

Hiện thế giới rất quan tâm đến năng lượng tái tạo và kỳ vọng năng lượng tái tạo để thay thế các nguồn điện hiện có như: điện hạt nhân, nhiệt điện than… Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, đầu tư xây dựng nguồn điện tái tạo không phải là dễ dàng tốn kém hơn, phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên; Công tác quản lý, vận hành cũng phức tạp, do đó nó không thể cung cấp điện ổn định cho hệ thống.

Ngày nay, công nghệ xử lý môi trường nhiệt điện than đã đạt đến trình độ cao. Than được xử lý ngay từ khi mới nhập vào kho của nhà máy. Bụi than, lưu huỳnh… được xử lý trước khi lên băng chuyền vào lò đốt. Các hệ thống lọc bụi, lọc khí đều đạt ở trình công nghệ rất cao (gần 100%). Loại lò thông số siêu tới hạn, lò tầng sôi kéo dài thời gian đốt, đốt kiệt than, tro xỉ cũng có rất nhiều công nghệ cao, không gây tác hại ảnh hưởng tới môi trường. Nhiều nhà máy nhiệt điện than xanh - sạch - đẹp như nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện Duyên Hải, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Vĩnh Tân…

Chính vì vậy, việc phát triển nhiệt điện than vẫn là chủ lực của nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, để nhiệt điện than phát triển cần quan tâm đến việc xử lý môi trường. Nhiệt điện than vẫn là nguồn năng lượng an toàn trong việc đảm bảo nguồn cho hệ thống.

Trong tương lai gần Việt Nam cần nhiệt điện than - 1

Nhiệt điện than ở Việt Nam còn tăng

Phát triển nhiệt nhiệt than cần lưu ý đến cân bằng nguồn trên phạm vi cả nước để xây dựng nhà máy. Xây dựng các nhà máy nhiệt điện than cần các yếu tố nguồn nước, nhiên liệu đầu vào cho nhà máy, cự ly các phụ tải… Đi đôi với phát triển nhiệt điện than, cũng cần phát triển các dạng năng lượng tái tạo khác như: điện gió, điện mặt trời… Để cạnh tranh với các nguồn năng lượng truyền thống như thủy điện, nhiệt điện, thì năng lượng tái tạo chưa thể cạnh tranh được nhưng muốn phát triển được năng lượng tái tạo thì cũng cần đến cơ chế hợp lý như cơ chế đấu nối với hệ thống nguồn, giá điện, giải phóng mặt bằng...

Không riêng ở Việt Nam, trên thế giới, nhiệt điện than vẫn chiếm xấp xỉ một nửa tổng nguồn (40% - 50%). Có một số nước tỉ lệ này còn cao hơn 50%. Nhiều nước phát triển nhiệt điện than, được xem như là nguồn điện cơ bản của họ. Đối với Việt Nam, nhiệt điện than hiện đang chiếm khoảng 40%, trong thời gian tới, có thể sẽ tăng lên. Theo Quy hoạch điện VII thì nhiệt điện than sẽ tăng trên 50%. Đặc biệt, điện hạt nhân không phát triển thì tỉ lệ nhiệt điện than có thể sẽ cao hơn nữa.

Về môi trường, trên thế giới, sự ảnh hưởng của nhiệt điện than vẫn là bài toán nan giải, nhất là Trung Quốc. Nước này sử dụng nhiều than nhất thế giới, ngoài việc dùng than cho các nhà máy điện, họ còn dùng than vào các việc khác như: nấu nướng, sưởi ấm bằng những lò đốt thủ công… Ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc, cũng một phần do các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ đã cũ kỹ, lạc hậu.

Đối với các nước khu vực châu Á, theo xu thế, điện than cũng sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nó phụ thuộc vào điều kiện của mỗi nước và tăng nhiều hay ít. Trừ một số nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Trung Quốc… sẽ thay thế các dạng nguồn năng lượng khác bằng điện hạt nhân. Những nước còn lại do ít có điều kiện phát triển điện hạt nhân nên vẫn phải phát triển nhiệt điện than (đặc biệt là các nước ở châu Á).

Dự tính, lượng than trên thế giới sẽ được khai thác, còn dùng được khoảng vài trăm năm. Điều này nói lên rằng, người ta vẫn cần và phải dùng đến than. Song, dùng như thế nào, với công nghệ gì thì các nhà khoa học vẫn đang hướng tới để việc sử dụng than không còn lo ô nhiễm môi trường.

Ngọc Mai