Bão Unagi và vài suy nghĩ

(Dân trí) - Hậu cơn bão Usagi gây ngập úng tại TPHCM cho thấy, vấn đề thật sự ở đây không phải là cường độ cơn bão, mà chính là những lỗ hỏng trong việc dự báo và ứng phó với thiên tai.

Bão Unagi và vài suy nghĩ - 1

Ngày 25 tháng 11, anh Bùi Ngọc Huy thức dậy với tiếng mưa rào rạc trên mái tôn và cảnh tượng nước tràn từ ngoài đường vào sân trước cao khoảng 5cm. Trần nhà Huy bị dột nhiều chỗ, khiến cả gia đình hớt hải tìm kiếm thau hứng nước và khăn để bọc lại các đồ vật có giá trị. Tuy nhiên, Huy vẫn cảm thấy mình là một trong những người may mắn.

“Ngoài hẻm cũng khá ngập nhưng may nhà mình mới nâng sàn nên nước chỉ tràn vào sân trước chứ không tràn vào bên trong,” Huy nói.

Cùng hôm ấy, anh Ngô Minh Triết phóng xe về nhà trong cơn bão. “Từ buổi sáng đã mưa nhưng tôi nghĩ không nghiêm trọng lắm nên đã đi ra ngoài làm công việc của mình,” anh Triết nói. “Nhưng đến 5h chiều khi tôi chuẩn bị về thì mọi thứ đã trở nên trắng xoá. Trời lạnh buốt. Tôi lội về trong cơn mưa, may mắn là xe không bị chết máy.”

Không thể đếm được có bao nhiêu người kém may mắn hơn Triết; trên những tuyến đường ngập nặng tại TPHCM như đường Hồ Ngọc Lãm, đường Đinh Bộ Lĩnh, ngã tư Hàng Xanh, xe máy xe tải đứng máy ngổn ngang, giao thông ùng ứ không sao di chuyển được.

Câu chuyện chưa dừng lại tại đây. Một ngày sau cơn bão: hàng ngàn người dân vẫn kéo lê xe máy dọc theo các con đường đầy nước. Nước bẩn, đầy rác rưởi, sặc sụa mùi cống. Khi đại bộ phận gia đình Việt Nam không sở hữu nỗi một chiếc xe hơi, đa số người đi đường hoàn toàn chắng có gì để bảo vệ bản thân khỏi cảnh mưa lũ, ngập lụt, sau một cơn bão cường độ cao như Usagi. Không chỉ công việc của họ bị chậm trễ do tắt đường, mà sức khoẻ của họ cũng bị ảnh hưởng, sau khi tiếp xúc trong thời gian dài với nước bẩn mang nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm như tả, thương hàn, kiết lỵ và sốt rét

Điêu đáng lưu ý là, cường độ của bão Usagi tuy cao nhưng không là gì so với các cơn bão gần đây trong khu vực. Trong lúc tồi tệ nhất, Usagi cũng chỉ rơi vào phân loại bão cấp 1, với tốc độ gió 80 mph duy trì trong khoảng thời gian 6 giờ. Trong khi đó, bão Yutu đánh vào các quần đảo Mariana, bão Kong-rey đánh vào Hàn Quốc, Nhật Bản, và bão Maria đánh vào Trung Quốc đều đạt đến đỉnh điểm cấp 5, tức trên 156mph. Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã làm tăng số lượng các cơn bão gây ra do áp thấp nhiệt đới ở khu vực Đông Nam Á, và việc nằm trong đường đi của một cơn bão cấp 1 đã trở thành chuyện thường tình.

Thực tế này là những gì người dân TPHCM phải đối phó. Vấn đề thật sự ở đây không phải là cường độ cơn bão, mà chính là những lỗ hỏng trong việc dự báo và ứng phó với thiên tai.

Trong những năm tới, Biến đổi khia hậu sẽ chỉ càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn, như báo cáo IPCC được Hàn Quốc công bố hồi đầu tháng 10 đã nêu lên. Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH, Việt Nam nhất thiết cần phải tìm đưa ra những biện pháp cụ thể để cải thiện việc quản lý dòng chảy của nước, ứng phó với thiên tai liên quan đến nước.

TPHCM đã chi ra hàng tỉ đô la để xử lý tình trạng ngập nước do bão lũ, với các biện pháp khác nhau như “siêu” máy bơm nước, cắt đường này, nối đường nọ, mà không giải quyết được vấn đề.

Vấn đề nằm ở việc đô thị hoá thiếu tầm nhìn xa, ví dụ như các khu vực Nhà Bè, Bình Chánh với hệ thống ao hồ tự nhiên làm “túi chứa nước” cho thành phố bị san lấp tự tiện để nhường chỗ cho các toà nhà chọc trời hoành tráng.

Trong tuần tới, tại hội nghị lần thứ 24 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP24), đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tiếp xúc với các mô hình ứng phó BĐKH khác nhau từ vài nước khác trong khu vực như Sri Lanka và Nhật Bản, nơi các vấn đề như lở đất và lũ lụt ở các thành phố ven biển đã được giảm thiểu đáng kể. Các mô hình này được LHQ chọn là mô hình đô thị bền vững tiêu biểu.

Sau các cuộc thảo luận về điểm mạnh-yếu của từng mô hình, hy vọng Việt Nam có thể đưa ra một kế hoạch quản lý phù hợp với đặc thù của đất nước ta, và sử dụng tốt các nguồn tài trợ quốc tế để đạt được những Mục Tiêu Đóng Góp do Quốc gia Tự Quyết Định (NDC) trong khuôn khổ thoả thuận chung Paris.

Mai Hoàng