Ký sự:

Mùa hè Bắc Âu trong tôi (phần 1)

(Dân trí) - Khi nhắc đến Bắc Âu, chắc hẳn nhiều người đều nghĩ đến tuyết trắng và giá lạnh. Xa hơn nữa đó là đời sống cao và nền giáo dục tốt bậc nhất thế giới…

Ít ai ngay phút đầu tiên đã có thể hình dung ra một hình ảnh mùa hè tươi đẹp và đầy sức sống tại những quốc gia như Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, và Phần Lan. Mùa đông dài tuyết trắng nơi đây làm cho người ta thấy trân trọng mùa hè ngắn ngủi chỉ vọn vẹn trong vòng 2 tháng. Thế nên người ta thường làm việc chăm chỉ vào mùa đông và để dành một kỳ nghỉ hè thật dài, đôi khi chỉ để nằm trên bãi cỏ xanh bên cạnh dòng sông xanh trong tận hưởng ánh nắng mặt trời và ngắm nhìn cuộc sống...

Mùa hè ở xứ sở thần tiên

Tôi đến với Đan Mạch để tham dự một khóa học mùa hè dài hơn 1 tháng tại trường đại học Kinh tế Copenhagen năm 2011. Cảm nhận của tôi về Copenhagen đó là thành phố của xe đạp, những chiếc xích lô gia đình lãng mạn, kiến trúc đa dạng, những câu chuyện cổ tích của Hans Christian Andersen - nàng tiên cá (The little Mermaid) và Hoàng gia, những con người thân thiện và hạnh phúc nhất thế giới và xen lẫn vào đó là sự tồn tại không tưởng của một Christiania – thành phố tự do.

Cảnh chụp từ tháp nhà thờ The Church of Our Saviour, Copenhagen

Cảnh chụp từ tháp nhà thờ The Church of Our Saviour, Copenhagen
 

Nếu ai đó đã từng xem qua chương trình “Thành phố tương lai – Future Cities” trên CNN thì hẳn sẽ biết đến Copenhagen là được coi là một trong những thành phố của tương lai bởi kiến trúc và hệ thống giao thông đô thị thân thiện với môi trường - tạo điều kiện tối đa cho người đi xe đạp.

Ở nhà ga trung tâm của Copenhagen vào mùa hè, bạn có thể nhìn thấy bãi đỗ xe đạp dường như còn to hơn cả bãi đỗ xe ô tô. 50% người dân Copenhagen đi xe đạp đến nơi làm việc và trường học. Về mặt kinh tế xã hội, đây được coi là một hình thức đi lại giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tăng cường sức khỏe, và tránh ách tắc giao thông trong thành phố. Du khách đến với Copenhagen có thể mượn những chiếc xe đạp thành phố - City Bikes miễn phí để dạo quanh thành phố lãng mạn này.

Văn hóa đi xe đạp ở Copenhagen đã làm tạo ra một thuật ngữ mới đó là “Copenhagenisation” – được sử dụng khi các quốc gia khác muốn phát triển một hệ thống giao thông tương tự như ở Copenhagen. Ở một khía cạnh khác, xe đạp ở Copenhagen rất đẹp và nhiều kiểu dáng. Tôi rất thích những chiếc xe đạp nữ gắn rỏ phía trước phủ đầy hoa hồng. Tôi đã từng ước có một chiếc xe đạp như vậy từ hồi còn bé. Thỉnh thoảng tôi còn thấy có những cặp đôi lai nhau bằng xe đạp – điều mà tôi hiếm khi nhìn thấy ở các quốc gia châu Âu khác. 

Đạp xe ở Copenhagen (Ảnh: Internet)

Đạp xe ở Copenhagen (Ảnh: Internet)

Một vài năm trở lại đây, người ta bắt đầu sử dụng xích lô ở Copenhagen. Tôi thường có một cảm giác rất ấm áp khi nhìn thấy những người chồng chở vợ, con, và một chú chó dễ thương, hay một người cha/mẹ chở những đứa con của mình trên những chiếc xích lô bé nhỏ. Tôi còn nhớ một hôm có hai cậu bé nhỏ tầm 3-4 tuổi nhìn tôi từ chiếc xích lô, tôi nói “Hej” (Xin chào trong tiếng Đan Mạch), chúng nhìn tôi cười và chào lại, thậm chí còn ngoái lại chào tạm biệt. Cảm giác cô đơn trên một đất nước xa lạ dường như tan biến vào khoảnh khắc bé nhỏ ấy.

Copenhagen là một thành phố đẹp về mặt kiến trúc. Từ trên máy bay, du khách được chào đón bằng những cánh quạt trắng khổng lồ (cối xay gió) dọc bờ biển. Đây là một trong những biểu tượng của Copenhagen và Đan Mạch – đất nước nơi có hơn 40% năng lượng điện được tạo ra từ gió.

Có rất nhiều những công viên xanh lớn trong thành phố. Tôi đi được hai nơi đó là Công viên Frederiksberg và Vườn thượng uyển (The King’s Garden) ở cung điện Rosenborg. Ở công viên đầu tiên, tôi và một người bạn dành cả ngày để khám phá mà vẫn không hết. Đây là một không gian xanh và hơn cả một khu vườn lãng mạn nơi người dân thành phố có thể tận hưởng khung cảnh nên thơ có hoa cỏ, cây lớn, hồ nước, kênh đào, thiên nga, đảo, thác nước, hang động, vườn Trung Hoa, và những ngôi nhà mùa hè.

Đến đây vào buổi sáng, bạn có thể thấy những người cha/mẹ cùng nhau đẩy xe con đi chạy bộ. Vào cuối tuần, cả gia đình có thể đi picnic ở đây. Phải nói thêm, đối nhiều người Đan Mạch, cuộc sống đó là có một gia đình với hai đứa con, một con vật nuôi trong nhà, một công việc làm ổn định và về nhà vào lúc 4 giờ chiều để đi chạy bộ cùng cả nhà - một cậu bạn Ba Lan học cùng tôi ở Copenhagen mô tả.

Xe xích lô (cargo bikes) ở Copenhagen (Ảnh: Internet)
Xe xích lô (cargo bikes) ở Copenhagen (Ảnh: Internet)


Khi tôi cùng một cô bạn đang ngồi ngắm những bông hoa hồng nở rực rỡ ở King’s Garden, một công dân già của Copenhagen tiến lại gần chúng tôi và hỏi thăm. Khi chúng tôi nói đến từ Việt Nam, ông phấn khích nói “Ho Chi Minh – Ho Chi Minh”. Ông nói rằng khi còn là sinh viên những năm 1965, ông đã tham gia vào cuộc biểu tình phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Sau đó ông mời chúng tôi về nhà chơi. Thấy ông rất cởi mở và nồng hậu, bọn tôi quyết định đi cùng ông về nhà cách đó không xa. Ôi, cảm giác khi đến nơi thật kỳ lạ. Những ngôi nhà nhỏ xinh 2 gian gác và bên ngoài là giàn hoa hồng màu trắng và hòm thư màu trắng. Tôi vẫn thường tưởng tượng về khung cảnh lãng mạn ấy và giờ đây được nhìn thấy tận mắt. Hình ảnh cả một khu phố dài và con đường hoa hồng ấy giờ đây vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi. Vào đến nhà chúng tôi mới biết ông là giáo sư trường đại học Copenhagen về ngành kiến trúc khi ông giới thiệu cả tầng hầm đầy sách và các bản vẽ.

Chúng tôi có một cuộc nói chuyện thú vị về chính trị xã hội và ông đã mời bọn tôi đi ăn tối ở một nhà hàng Ý ngay phía bên kia đường. Nhìn nhà hàng này có vẻ bình thường nhưng giá các món ăn với giá tầm 40-50 euros trở lên, chúng tôi cảm thấy ngần ngại. Nhưng ông đã vui vẻ động viên và nói rằng: hãy để ông già này mời các bạn sinh viên trẻ một bữa tối “bình dị”. Chuyến du ngoạn ngày hôm đó kết thúc thật thú vị. Mặc dù chúng tôi đã không thể thăm quan nhiều nơi nhưng có cơ hội gặp gỡ nói chuyện cùng vị giáo sư già đáng kính, chúng tôi đã thực sự biết đến lòng hiếu khách của Copenhagen.

Vivi (còn nữa)