Đảo cóc dị tật ở Brazil

(Dân trí) - Trong hàng chục năm trời, đảo Fernando de Noronha đã trở thành nhà cho vô số cóc bò bị mù hoặc mắc dị tật bẩm sinh ở Brazil.


Đảo Fernando de Noronha
Đảo Fernando de Noronha


Loài cóc bò (cururu) có tiếng kêu như bò rống, đến đảo từ vài thập kỷ trước và nhanh chóng chiếm lĩnh hòn đảo này. Nhưng hiện tại, hơn một nửa số cóc ở đây có tật ở chân tay và miệng, một số con mất ngón tay, chân, trong khi một số khác lại thừa ngón.

Đảo Fernando de Noronha


Bệnh đang hoành hành trong loài cóc ở đây là bệnh mù loà. 20% số cóc có tật về mắt. Thậm chí, có con còn không có mắt. Cóc thường dùng mắt để săn mồi nên bệnh mù loà đã ảnh hưởng rất nặng đến đời sống của chúng.

"Chúng gần như ngồi chờ con mồi bò đến trên người rồi xơi,"  Luıs Felipe Toledo, nhà sinh vật học về động vật lưỡng cư tại trường Đại học Campinas cho biết.

Cũng chính vì vậy những con cóc này không chọn con mồi mà ăn gần như mọi thứ bò lên người. Hậu quả là chúng bị nhẹ cân và đẻ ít trứng hẳn đi. Mỗi năm cóc cho ra đời khoảng 1000 trứng, không có kẻ thù trên đảo nên lượng cóc vẫn rất dồi dào. 

Không ai biết làm thế nào mà loài cóc này đến được đảo. Có chuyện kể rằng chúng được người mang lên đảo từ 100 năm trước để đối phó với sâu bọ gây hại cho đồng ruộng. Nhưng lý do tại sao chúng lại bị dị tật nhiều đến vậy còn là bí ẩn lớn.

"Mọi người đều hỏi tại sao cóc lại bị như vậy nhưng đó là câu hỏi mà chúng tôi chưa thể trả lời được," Toledo cho biết.

Đội của ông cùng các nhà nghiên cứu từ Vườn bách thú San Diego tại California đang xem xét một số giả thiết như ảnh hưởng của các loài vi trùng, vi khuẩn kèm theo việc xét nghiệm nguồn nước và đất trên đảo.

Fernando de Noronha là di sản thế giới, công nhận bởi UNESCO, nên việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh hàng loạt cho cóc là cực kỳ quan trọng.

"Điều gì gây bệnh cho loài cóc có thể sẽ ảnh hưởng đến các loài khác sống trên đảo. Các con cóc bò này chính là hồi chuông cảnh báo về vấn đề môi trường ở đây", Allan Pessier, chuyên gia của Vườn bách thú San Diego cho biết.

Ngô Vân
Theo BBC