S&P 500 giảm điểm sâu nhất từ tháng 4/2009

(Dân trí) - Chỉ số S&P 500 hạ 3,1% xuống mức 1.063,11 điểm tại thị trường New York. Chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 268,37 điểm tương đương 2,6% xuống mức 10.002,18 điểm.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã có lúc xuống dưới 10 nghìn điểm lần đầu tiên từ tháng 11/2009. Chỉ số MSCI của TTCK 23 nước phát triển giảm 2,9%. Cả 3 chỉ số trên đều xuống mức thấp nhất từ tháng 11/2009.

Một loạt các tin xấu, trong đó có thông tin tỷ lệ nợ tăng cao trong nhóm nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu, số lượng người Mỹ nộp đơn xin thất nghiệp lần đầu tăng, nhà đầu tư vì thế đẩy mạnh rút tiền ra khỏi các loại tài sản như cổ phiếu hay hàng hóa vốn được coi như tiềm ẩn độ rủi ro cao.

Nhà đầu tư ngoài ra còn lo ngại về khả năng báo cáo thị trường việc làm Mỹ tháng 1/2010 sẽ phát đi những tín hiệu tiêu cực, vì thế đẩy mạnh bán tháo cổ phiếu.

Ngày 4/2, Bộ Lao động Mỹ công bố số lượng người Mỹ nộp đơn xin thất nghiệp lần đầu trong tuần trước tăng 8 nghìn lên 480 nghìn. Thông tin này khiến nhiều chuyên gia kỳ vọng vào con số giảm đã phải thất vọng. Như vậy số lượng người Mỹ thất nghiệp lần đầu đã tăng trong 4/5 tuần qua.

Số liệu người thất nghiệp lần đầu tăng khiến nhiều chuyên gia và nhà đầu tư bớt đi niềm hy vọng vào khả năng số lượng việc làm trên thị trường Mỹ đã tăng lên trong tháng đầu tiên của năm. Các chuyên gia đã từng dự báo số lượng việc làm tại Mỹ tăng thêm 5 nghìn, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên 10,1% từ mức 10%.

Nhu cầu đối với các loại tài sản an toàn đã đẩy đồng USD và trái phiếu Bộ Tài chính tăng giá, đồng euro giảm bớt. Các chỉ số chính giảm 3,1% xuống mức thấp nhất trong 3 tháng. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,6%, mức hạ sâu nhất trong 7 tháng.

Trong 14 ngày giao dịch vừa qua, đã có 9 ngày chỉ số công nghiệp Dow Jones rớt hơn 100 điểm.

Trong số 2.800 cổ phiếu trên sàn New York, chỉ có khoảng 273 cổ phiếu tăng điểm. Danh sách một số cổ phiếu giảm điểm sâu nhất bao gồm cổ phiếu công ty sản xuất kim loại Freeport-McMoRan Copper & Gold giảm tới 5,3%.

Một số cổ phiếu tăng giá bao gồm cổ phiếu Cisco. Khối lượng giao dịch trên các sàn đạt 5,9 tỷ cổ phiếu từ mức 4,3 tỷ cổ phiếu trong phiên ngày thứ Tư.

Những thông tin kinh tế mới công bố nhắc cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán về việc đà phục hồi của kinh tế vẫn còn hết sức mong manh. Thị trường vì thế đặt dấu hỏi về việc liệu thị trường có thể duy trì được đà phục hồi từ mức thấp nhất trong 12 năm thiết lập vào tháng 3/2009.

Trong nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500, chỉ 11 cổ phiếu tăng điểm. Trong số 30 cổ phiếu thuộc chỉ số công nghiệp Dow Jones, Cisco là cổ phiếu duy nhát lên điểm.

Cổ phiếu của tất cả 10 nhóm ngành thuộc chỉ số S&P 500 giảm ít nhất 2,3%.

Thị trường cực kỳ thất vọng với thông tin tỷ lệ nợ tại Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha. Nhà đầu tư lo ngại chính phủ các nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong kiềm chế nợ nần và vay thêm tiền để giúp hồi sinh các nền kinh tế.

Ông Jon Merriman, giám đốc điều hành Merriman Curhan Ford tại San Francisco, nhận xét: “Thị trường đang ngày một lo lắng về khả năng dòng tiền đã vực dậy thị trường vào năm ngoái đang dần ngưng lại.”

Đồng euro rơi xuống mức thấp nhất trong 7 tháng so với đồng USD sau thông tin u ám về kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu. Đồng USD tăng khiến nhu cầu đối với hàng hóa giảm bớt. Giá vàng giảm 49USD/ounce tương đương 4,4%.

Việc thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên hôm qua tiếp nối chuỗi ngày giảm điểm trên thị trường Mỹ bắt đầu từ giữa tháng 1/2010. Thị trường ở thời điểm tháng 1 giảm điểm sau thông tin Trung Quốc tiến hàn hạn chế bớt nền kinh tế tăng trưởng quá nóng.

Động thái này khiến người ta lo lắng nhiều nền kinh tế lớn khác có thể chịu ảnh hưởng. Nguyên nhân khác khiến thị trường giảm điểm còn là việc chính phủ Mỹ đe dọa áp dụng biện pháp chặt chẽ hơn đối với các ngân hàng.

Một nguyên nhân khác khiến nhà đầu tư lo lắng còn là bởi việc các nền kinh tế nước ngoài tăng trưởng chững lại sẽ khiến nước Mỹ không thể giải quyết được vấn đề lớn: thất nghiệp.

Chỉ số đo bất ổn trên thị trường chứng khoán Mỹ nhảy vọt

Chỉ số VIX (Chicago Board Options Exchange Volatility - CBOE) hay còn gọi là chỉ số đo bất ổn trên thị trường chứng khoán Mỹ, tăng tới 21% lên mức 26,08 bởi nhu cầu đối với sự bảo đảm ngăn thua lỗ tăng cao.

Chỉ số này đo chi phí sử dụng hợp đồng quyền chọn như công cụ bảo đảm cho khả năng chỉ số S&P 500 tiếp tục giảm điểm.

Xét ở một phương diện nhất định, đây là chỉ số đo biến động của thị trường, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng chỉ số trên đo về nỗi sợ nhiều hơn là biến động của thị trường.

Chỉ số VIX quan trọng đối với nhà đầu tư bởi đây là dấu hiệu về sự bất ổn. Chỉ số ở mức thấp là một tín hiệu tốt. Chỉ số ở mức cao là tín hiệu không mấy tốt đẹp về thị trường.

Ngân hàng Lehman, một thời là ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 của Mỹ, đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 15/09/2008, thị trường tín dụng sau đó đóng băng. Chỉ số VIX ngay trong ngày giao dịch đã tăng 24% lên mức 31,70 điểm.

Chỉ số VIX đứng ở mức trung bình là 20 trong lịch sử 19 năm của chỉ số. Chỉ số lên mức đỉnh cao 80,86 điểm vào tháng 11/2008 và vào tháng 5/2009 rơi xuống dưới mức 30 lần đầu tiên trong 8 tháng. Chỉ số lên mức đỉnh cao trong ngày giao dịch vào ngày 24/10/2008 là 89,53 điểm.

Chỉ số VIX đo biến động của S&P 500 trong 30 phiên giao dịch tới bằng việc sử dụng dữ liệu về quyền chọn từ 500 cổ phiếu công ty thuộc chỉ số này. VIX đo biến động trung bình từ một giỏ quyền chọn.

Giá của một quyền chọn cho phép nhà đầu tư quyền bán hay mua một cổ phiếu ở một mức giá đã được chấp thuận phụ thuộc vào biến động của cổ phiếu đó. Nếu cổ phiếu biến động mạnh, tăng giá hay giảm giá quá mạnh, quyền chọn càng trở nên có giá trị hơn.

Khi thị trường chứng khoán mất điểm mạnh trong năm 2008, nhà đầu tư đã sử dụng quyền chọn bán rất nhiều để bảo vệ cho danh mục đầu tư của họ khỏi sự suy giảm quá sâu của thị trường.

Bởi chỉ số VIX được dùng để tính toán biến động ngắn hạn của thị trường, việc tính toán chỉ số này chỉ có giá trị trong 2 tháng. Chỉ số đo nỗi sợ trong khoảng thời gian ngắn hạn. Dù nhiều nhà đầu tư coi VIX như chỉ báo về đáy của thị trường, chỉ số này không có nhiều ý nghĩa trong dài hạn.

Chỉ số VIX phụ thuộc vào sự lo sợ của nhà đầu tư về khả năng giá chứng khoán tiếp tục hạ.

Ngọc Diệp