Dow Jones “nỗ lực” tăng điểm

Dù giảm điểm sâu trong phiên nhưng các chỉ số chính đã hồi phục mạnh và trở lại trạng thái tăng điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 5,67 điểm tương đương 0,05% lên mức 10.625,83 điểm.

Chỉ số S&P 500 tăng 1,26 điểm tương đương 0,11% lên mức 1.136,94 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 7,38 điểm tương đương 0,31% lên mức 2.354,23 điểm.

Phiên hôm qua các chỉ số tăng điểm nhẹ vào đầu phiên sau đó  giảm điểm trong ít phút và tăng điểm trở lại gần mức cũ. Các chỉ số sau đó từ khoảng sau 10h đảo chiều giảm điểm sâu, mức đáy của ngày được thiết lập ít phút sau 12h trưa khi S&P giảm 1,77%, Dow Jones giảm 1,63%. Sau khi thiết lập mức đáy, đà tăng điểm giảm dần và chốt phiên Dow Jones trở lại được trạng thái tăng điểm.

Phiên hôm qua, cổ phiếu của phần lớn các nhóm ngành giảm điểm. Cổ phiếu các công ty sản xuất hàng hóa nguyên liệu thô  hạ 1,43%, cổ phiếu năng lượng giảm 0,99%, cổ phiếu tài chính mất 0,25% giá trị, cổ phiếu công nghệ tăng 0,14%.

Phiên đầu tuần thị trường Mỹ biến động mạnh, thế nhưng không có dự kiện lớn nào được công bố, không có thông báo nào gây sốc. Thị trường theo sát biến động của đồng euro, cố gắng hồi phục từ mức thấp nhất trong 4 năm thiết lập ngày thứ Hai. Thị trường chứng khoán Mỹ biến động theo đồng euro.

Đến hơn 12h trưa, Dow Jones giảm tới 184 điểm, có vẻ như Dow Jones sẽ có một ngày giảm điểm tới 3 chữ số giống như nhiều phiên trong suốt 2 tuần qua khi nhà đầu tư lo lắng về những vấn đề kinh tế của châu Âu sẽ lan sang Mỹ.

Đồng euro, sau khi rơi xuống mức 1,2237 USD/euro, cuối cùng cũng cố gắng hồi phục lên mức cao hơn. Dow Jones cũng tăng điểm và kết thúc phiên tăng nhẹ.

Nhà đầu tư  hiện đang nhìn vào đồng euro như một chỉ báo về niềm tin đối với các nền kinh tế châu  Âu. Đồng euro thời gian gần đây liên tục giảm bởi lo ngại về sự lan rộng của khủng hoảng nợ sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế châu Âu và sau đó là Mỹ, vì thế khi đồng euro bắt đầu tăng trong ngày thứ Hai, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán coi đó như dấu hiệu để mua vào.

Thế nhưng xét đến biến động mạnh của thị trường Mỹ trong vài tuần qua, nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều ngày giao dịch giống ngày thứ Hai. Nhà đầu tư vẫn còn băn khoăn nhiều về việc châu Âu sẽ rút ra khỏi những rắc rối tài chính hiện nay như thế nào mà không để ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế. Bởi các nền kinh tế phụ thuộc vào nhau, mối lo lớn hơn là vấn đề tại châu Âu sẽ cản đà phục hồi tại nhiều nơi kahcs.

Nhà đầu tư cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ sẽ chậm lại khi người châu Âu, không mấy dễ chịu với vấn đề tại châu lục này, sẽ không muốn mua hàng hóa Mỹ. Và nếu người Mỹ nhập khẩu ít hàng hóa hơn, đà phục hồi của kinh tế thế giới sẽ bị cản trở.

Cứ 3 cổ phiếu giảm điểm thì có 2 cổ phiếu tăng điểm trên sàn New York, khối lượng giao dịch đạt 5,93 tỷ  cổ phiếu trong khi đó con số này trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu là 6,01 tỷ cổ phiếu.

Tại các thị trường khác, chỉ số FTSE của thị trường Anh giảm 0,1%, chỉ số DAX của thị trường Đức tăng 0,1%, chỉ số CAC-40 của thị trường Pháp giảm 0,5%. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật đi xuống 2,2%.

Tại thị trường Trung Quốc phiên ngày hôm qua, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Trung Quốc sụt 5,1% xuống mức thấp nhất trong 1 năm bởi lo lắng chính phủ Trung Quốc sẽ hạn chế tín dụng để hãm bớt đà tăng nóng của nền kinh tế, ngoài ra thị trường không khỏi “đau đầu” với những vấn đề từ châu Âu.

Ngọc Diệp
Theo Reuters, Bloomberg