Dow Jones giảm hơn 100 điểm

(Dân trí) - Chỉ số niềm tin người tiêu dùng rơi xuống mức thấp nhất từ tháng 4/2009. Thị trường lo lắng đà phục hồi kinh tế sẽ diễn ra chậm chạp.

Chỉ số S&P 500 hạ 1,2% xuống 1.094,6 điểm tại thị trường New York. Chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 100,97 điểm tương đương 1% xuống 10.282,41 điểm.

Conference Board công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 1/2010 rơi xuống mức 46, thấp hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên gia. Những lo lắng về nền kinh tế và thị trường lao động đã đẩy chỉ số này rơi xuống mức thấp nhất trong 27 năm.

Báo cáo về giá nhà đất cho thấy thị trường nhà đất Mỹ đang tiếp tục trên đà hồi phục chậm. Chỉ số Standard & Poor's/Case-Shiller của giá nhà đất 20 thành phố trong tháng 12/2009 tăng 0,3% so với tháng 11/2009.

Mức suy giảm của giá nhà đất so với cùng kỳ cũng giảm. Chỉ số này chỉ hạ 3,1%. Các chuyên gia đã ước tính về mức giảm sâu hơn. Mức giảm của tháng 11/2009 là 5,3%.

Việc chỉ số niềm tin người tiêu dùng giảm sâu nhắc nhà đầu tư nhớ về sự mong manh của đà phục hồi kinh tế. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng hạ quá sâu so với kỳ vọng của giới chuyên gia. Các chuyên gia đã hy vọng chỉ số sẽ ở mức 55, tức là trên mức tăng trưởng.

Người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong đà phục hồi kinh tế bởi chi tiêu của họ đóng góp đến hơn 2/3 vào hoạt động kinh tế Mỹ.

Thông tin về chỉ số niềm tin người tiêu dùng được công bố khi nhà đầu tư đang cân nhắc lại về những đánh giá lạc quan về nền kinh tế họ đã đón nhận trong tuần trước.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm 4 ngày liên tiếp nhờ thông tin lợi nhuận tích cực, trong đó bao gồm thông tin về lợi nhuận của một số hãng bán lẻ, thị trường nhà đất cải thiện và lĩnh vực sản xuất đi lên.

Đà tăng điểm trên thị trường Mỹ chững lại trong tuần này khi thông tin về niềm tin người tiêu dùng và lợi nhuận doanh nghiệp gây không ít lo lắng. Dù Home Depot, Sears Holdings Corp, Macy và Target đều công bố lợi nhuận cao hơn dự kiến, những công ty này phát đi tín hiệu tăng trưởng doanh số chậm. Đây là dấu hiệu người tiêu dùng vẫn còn quá lo lắng về nền kinh tế và triển vọng việc làm của chính họ.

Ông J. Garrett Stevens, giám đốc điều hành của FaithShares - một quỹ ETF, nhận xét: “Người tiêu dùng hiện vẫn còn rất phân vân. Báo cáo kinh tế phát đi nhiều tín hiệu tốt xấu khác nhau. Đây cũng là điểm chung của quá trình hồi phục, nhà đầu tư cảm thấy lo lắng”.

Cứ 2 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm trên sàn New York, khối lượng giao dịch đạt 4,54 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức 3,84 tỷ cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày thứ Hai.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã biến đông mạnh trong 2 tháng đầu của năm, biến động giữa nhiều tuần tăng và giảm điểm. Thị trường chứng khoán đã tăng điểm liên tiếp trong 2 tuần qua nhờ dấu hiệu tăng trưởng kinh tế Mỹ và nỗi lo về vấn đề tài khóa tại châu Âu giảm bớt.

Chỉ số biến động giao dịch quyền chọn (CBOE), hay còn gọi là chỉ số đo bất ổn trên thị trường chứng khoán Mỹ, tăng 7,2% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Chỉ số VIX tăng phát đi tín hiệu nhà đầu tư đang chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với những biến động mạnh trên thị trường.

Nhà đầu tư sẽ nắm rõ hơn về hướng đi của lãi suất cơ bản đồng USD khi chủ tịch FED điều trần trước Quốc hội trong ngày thứ Tư và ngày thứ Năm.

Các thị trường chứng khoán khác giảm điểm sâu sau báo cáo kinh tế u ám từ Đức cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Âu chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi những vấn đề nợ nần tại những nước như Hy Lạp.

Chỉ số DAX của thị trường Đức giảm 1,5%, chỉ số CAC-40 của thị trường Pháp giảm 1,3%, chỉ số FTSE của thị trường Anh giảm 0,7%, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật giảm 0,5%.

Đồng USD liên tục biến động so với một số loại tiền tệ lớn khác, đồng USD tăng giá so với đồng euro và giảm giá so với đồng bảng Anh. Giá vàng và dầu cùng giảm với các giá các loại hàng hóa khác khi nhà đầu tư chuyển tiền đầu tư ra khỏi các công cụ đầu tư được cho là có độ rủi ro cao.

Ngọc Diệp
Theo Bloomberg, Reuters