Yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội việc rút kinh nghiệm hậu Formosa
(Dân trí) - Chiều 6/10, UB Thường vụ Quốc hội thống nhất yêu cầu Chính phủ chuẩn bị báo cáo phục vụ kỳ họp thứ 2 sắp diễn ra của Quốc hội, đặc biệt chú ý làm rõ bài học kinh nghiệm và các giải pháp để bảo vệ môi trường hậu sự cố Formosa…
Trình bày báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (dự kiến khai mạc ngày 20/10), Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị bổ sung vào chương trình nghị sự nhiều nội dung, trong đó có việc trình Quốc hội xem xét Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 (theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016).
Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề xuất UB Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ đặc biệt chú ý việc làm rõ một số nội dung trong các báo cáo trình Quốc hội, như bài học kinh nghiệm và các giải pháp để bảo vệ môi trường trong Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa.
Báo cáo về việc chỉ đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tình hình biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho kinh tế - xã hội, giải pháp khắc phục trong thời gian tới; công tác quản lý và hiệu quả sử dụng vốn ODA giai đoạn 2011-2015 cũng là những nội dung cần phải nghiên cứu, làm rõ thêm.
Đồng thời, ông Phúc cũng đề nghị rút khỏi chương trình nghị sự dự kiến của Quốc hội 2 dự án, gồm: Luật Công an xã (để tiếp tục hoàn thiện) và dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để sau khi tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” sẽ có cơ sở đầy đủ, toàn diện cho việc sửa đổi Luật.
Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung 4 nội dung vào dự kiến chương trình kỳ họp (gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh; dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp về thuế; xem xét, phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam).
Thể hiện quan điểm khi nhiều nội dung, dự án luật tiếp tục trong tình trạng “thập thò” đưa vào/rút ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Quốc hội phải gương mẫu thực hiện các quy định về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
“Không thể du di mãi được. Những gì bây giờ chưa trình thì cương quyết bỏ ra hoặc không bổ sung vào chương trình” – dẫn lại dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được trình buổi sáng, ông Hiển cương quyết, 4 ngày nữa, đúng 10/10, cơ quan soạn thảo trình lại, UB Kinh tế rà lại thấy chưa ổn thì không đưa vào chương trình nghị sự.
Đồng ý với nguyên tắc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp về thuế cũng chưa thể được xem xét, thông qua tại kỳ họp này do đến thời điểm này, hồ sơ chưa được gửi cho các cơ quan có trách nhiệm thẩm tra của Quốc hội.
Ngoài ra, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, dự kiến sửa tới 12 luật, các lãnh đạo Quốc hội cũng lưu ý, cần phải được xem xét kỹ, không thể vội vàng. Ông Phùng Quốc Hiển gợi ý giải pháp chỉ lựa chọn sửa 2-3 luật đang có những vấn đề bức xúc nhất để làm trước.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhất trí quan điểm này.
“Chúng tôi không muốn cứ là người bàn lùi, nhưng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành thì phải thực hiện đúng, không thể du di mãi được” - bà Nga đề xuất thêm, việc xem xét luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 cần tuân theo quy trình thông qua tại 2 kỳ họp (nghĩa là chưa thông qua ngay cuối năm nay, tại kỳ họp thứ 2) để có thêm thời gian hoàn thiện, tránh những sai sót đáng tiếc như đã từng mắc.
Riêng về việc phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị chưa đưa vào chương trình nghị sự kỳ họp vì Chủ tịch nước chưa có Tờ trình.
P.Thảo